Lý do thúc đẩy TSMC xây nhà máy bán dẫn 65 tỷ USD tại Mỹ
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy và nâng cấp một cơ sở khác được ở TP Phoenix thông qua các khoản trợ cấp từ Chính phủ Mỹ.
Chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ lên tới 6,6 tỷ USD cho TSMC - nhà sản xuất hàng đầu về chip bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), nhằm mục tiêu sản xuất một số công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất thế giới ngay trong nước.
Các khoản hỗ trợ trên, đến từ Đạo luật CHIPS và Khoa học, được cho là yếu tố quyết định khiến TSMC đẩy mạnh việc xây dựng trung tâm sản xuất với ước tính đầu tư lên tới 65 tỷ USD, từ con số ban đầu là 40 tỷ USD tại TP Phoenix, thủ phủ bang Arizona. Công ty đã cam kết xây dựng hai nhà máy tại địa điểm này và sẽ sử dụng một phần tiền trợ cấp để xây dựng nhà máy thứ ba ở Phoenix, các quan chức Mỹ cho biết.
Mang công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ là một mục tiêu quan trọng của chính quyền Washington. TSMC tuyên bố rằng giờ đây họ sẽ sản xuất chip hai nanomet ngay tại Mỹ, một bước tiến đáng kể trong khi hiện tại nước này đang không sản xuất bất kỳ loại chip bán dẫn tiên tiến nào.
Các quan chức liên bang coi khoản đầu tư này là cần thiết để xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn ổn định trong nước, vốn là thành phần trọng yếu và cung cấp nguồn năng lượng cho mọi thiết bị trong đời sống xã hội hiện đại, từ các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại đến ô tô và máy bay chiến đấu. Mặc dù nhiều sáng chế được phát minh tại Mỹ, nhưng sản xuất phần lớn đã được chuyển ra nước ngoài trong những thập kỷ gần đây. Chỉ có khoảng 10% chip trên thế giới được sản xuất tại Mỹ.
Đáng chú ý, con số hỗ trợ giành cho TSMC của chính phủ liên bang đứng ở quy mô lớn thứ hai từ trước tới nay cho một công ty công nghệ, cho thấy nỗ lực của Washington nhằm tái thiết lập vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Trước đó, Tổng thống Biden tuyên bố Intel sẽ nhận được 8,5 tỷ USD tiền trợ cấp và khoản vay lên tới 11 tỷ USD trong chuyến thăm các bang chiến trường nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của ông.
Đạo luật CHIPS, được các nhà lập pháp thông qua vào năm 2022, đã cấp cho Bộ Thương mại 39 tỷ USD để phân phối dưới dạng trợ cấp nhằm khuyến khích các công ty công nghệ xây dựng và mở rộng nhà máy chip trên khắp Mỹ. Chương trình này là một trụ cột chính trong chương trình nghị sự chính sách kinh tế của ông Biden, tập trung vào việc củng cố ngành sản xuất của Mỹ.
Sau TSMC, tổng số trợ cấp mà Chính phủ Mỹ hỗ trợ các công ty công nghệ đã lên đến hơn 16 tỷ USD, với những cái tên khác bao gồm GlobalFoundries, Microchip Technology và BAE Systems.
Ngoài các khoản tài trợ, chính phủ liên bang sẽ cung cấp khoản vay lên tới 5 tỷ USD cho TSMC. Công ty cũng dự kiến sẽ yêu cầu các khoản tín dụng dưới dạng ưu đãi thuế liên bang để trang trải 25% chi phí xây dựng và trang bị cho các nhà máy sản xuất thiết bị. Khoảng 50 triệu USD tiền trợ cấp sẽ được dành riêng để đào tạo và phát triển lực lượng lao động của công ty, các quan chức liên bang cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp Mỹ bắt đầu sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất, được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và phần cứng cho thiết bị quân sự.
“Đây là vấn đề trọng yếu đối với an ninh quốc gia, do Mỹ hiện không sản xuất bất kỳ loại chip tiên tiến nhất nào trong nước. Nhưng chắc chắn tương lai sẽ thay đổi”, Bà Raimondo cho biết.
Đầu năm nay, bà Raimondo cho biết các khoản đầu tư mới vào các công ty bán dẫn sẽ đưa Mỹ đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% lượng chip hiện đại nhất trên toàn cầu vào cuối thập kỷ.
Các quan chức liên bang cho biết khoản đầu tư của TSMC dự kiến sẽ tạo ra khoảng 6.000 việc làm trực tiếp và hơn 20.000 gián tiếp. TSMC sẽ phải đáp ứng các cột mốc xây dựng và sản xuất nhất định trước khi những khoản trợ cấp được giải ngân.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ly-do-thuc-day-tsmc-xay-nha-may-ban-dan-65-ty-usd-tai-my.html