Lý do tòa chấp thuận yêu cầu của người vợ?

Hội đồng Thẩm phán TAND TC vừa thông qua Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả.

Án lệ số 56/2022/AL:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguồn án lệ là Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 18/11/2019 của TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H.

Theo đơn khởi kiện cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Trần Thị Thu V trình bày, chồng bà (ông Vương Văn A, SN 1945, chết năm 2004) trước khi chết có tâm nguyện chôn cất tại đất nhà ấp B, xã M, huyện C, tỉnh Kiên Giang. Vào thời điểm ông A chết, phần đất của gia đình bà đang trong quy hoạch nên bà V đưa chồng về phần đất của anh chồng (ông Vương Văn B) chôn cất, chờ qua quy hoạch sẽ đem hài cốt về đất nhà mình. Giờ, phần đất của gia đình bà ổn định, bà muốn thực hiện theo nguyện vọng của chồng nhưng hai cháu (anh Vương Minh T và anh Vương Minh H) ngăn cản không đồng ý cho bà dời hài cốt đi.

Tại tòa, ông Phù Thanh C, người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng của bà Trần Thị Thu V, yêu cầu giải quyết, buộc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không được ngăn cản việc bà V đem hài cốt của chồng về đất nhà mình.

Trong khi đó, bị đơn cho hay, ông Vương Văn A là chú ruột của hai anh. Lúc ông A chết, có chôn cất trên phần đất của gia đình anh. Hiện nay, anh Vương Văn T đứng tên trên giấy chứng nhận quyên sử dụng đất. Trước yêu cầu của bà V, các anh không đồng ý với lý do, ông A không có người thân bên cạnh chăm sóc mồ mả. Khi nào có người thân bên cạnh, anh T, anh H sẽ đồng ý cho bà V di dời hài cốt.

Tại tòa, đại diện VKSND huyện Châu Thành nêu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và người tham gia tố tụng trong vụ án từ khi thụ lý đến thời điếm nghị án tại phiên tòa sơ thẩm, đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; về hướng giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

HĐXX nhận định, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự là thuộc thẩm quyền của TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Về quan hệ pháp luật tranh chấp, nguyên đơn yêu cầu anh Vương Minh T và anh Vương Minh H không được ngăn cản việc bà V lấy hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về đất nhà của bà để chôn cất, nên quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định trong vụ án là “tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả”.

HĐXX nhận định, quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh T và anh H có phần mộ của ông A. Bà V là vợ hợp pháp của ông A. Nay, bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông A có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam.

Việc anh T và anh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông A, được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Do đó, HĐXX xét thấy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà V là có căn cứ nên được chấp nhận; buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi cản trở việc bà Trần Thị Thu V di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A.

Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V; buộc bị đơn anh Vương Minh T và anh Vương Minh H phải chấm dứt hành vi cản trở việc bà Trần Thị Thu V di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A.

Nội dung án lệ: “... Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh Vương Minh T và anh Vương Minh H có phần mộ của ông Vương Văn A; bà V là vợ hợp pháp của ông Vương Văn A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông Vương Văn A là chồng của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam.

Việc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông Vương Văn A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù họp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

- Có tính chuẩn mực;

- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ly-do-toa-chap-thuan-yeu-cau-cua-nguoi-vo-319198.html