Lý do TP.HCM không muốn làm cơ quan chủ trì dự án mở rộng cao tốc Trung Lương
TP.HCM không muốn làm cơ quan chủ trì dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe do đang phải dồn sức làm 2 dự án trọng điểm liên kết vùng.
Nội dung trên được Sở GTVT TP.HCM cập nhật trong báo cáo đề xuất gửi UBND TP về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo Sở GTVT TP, cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào tháng 2/2010 cách đây đã hơn 12 năm với quy mô 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp.
Sở GTVT chỉ ra nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong khi quy mô dự án không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, cuối tuần. Do đó, Sở này nhìn nhận việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết, cấp bách.
Để sớm đầu tư hoàn chỉnh dự án lên 8 làn xe, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông và giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang để thống nhất 5 vấn đề.
Năm vấn đề được nêu gồm: Quy mô và hình thức đầu tư; nguồn vốn đầu tư; cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án; kế hoạch và tiến độ thực hiện dự án; các nội dung cần thiết khác như điều chỉnh các quy hoạch liên quan để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Trong các nội dung trên, Sở GTVT TP cho biết, hiện nay UBND TP.HCM đang phối hợp với UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
TP.HCM cũng là cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với tỉnh Tây Ninh triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và hiện đang trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Để tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai hai dự án trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, đề nghị Bộ GTVT hoặc UBND tỉnh Long An là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án.
Lý do, Bộ GTVT là cơ quan đã thưc hiện đầu tư giai đoạn 1 và đang tổ chức quản lý, khai thác tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương. Trong khi đó, tỉnh Long An là địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất.
Trước đó, các địa phương gồm UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Căn cứ vào đề nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP.HCM, Long An, Tiền Giang về việc đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Giữa tháng 8/2022, Bộ GTVT họp với các tỉnh và thống nhất phương án triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM đến Mỹ Thuận chia làm 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1.
Bộ GTVT cũng thống nhất giao UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án Trung lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án TP.HCM - Trung Lương.