Lý do trẻ em trở thành công cụ câu view, cày tiền trên YouTube
Theo một thống kê mới, những video xuất hiện trẻ em có lượng xem cao gấp 3 lần so với video không có trẻ em. Trẻ em cũng là đối tượng bị những kênh nội dung độc hại nhắm đến.
Việc trẻ em thích YouTube là điều ai cũng biết. Có tới hàng nghìn video hướng tới trẻ em trên YouTube, dù đó là hoạt hình dạng Elsa, Spider Man, ca nhạc như bài hát Baby Shark hay đánh giá đồ chơi với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ lượt xem.
Tuy nhiên, để "thành công" trên YouTube không nhất thiết phải làm video hướng tới trẻ em. Thống kê mới đây do Pew Research Center, tổ chức nghiên cứu độc lập về xã hội công bố cho thấy chỉ cần có trẻ em xuất hiện là đủ để có yếu tố thu hút trong video.
Trẻ em là công cụ "câu view" tốt nhất trên YouTube
Pew Research Center đã thống kê gần 44.000 kênh YouTube có trên 250.000 người đăng ký trong tuần đầu tiên của năm 2019 để tìm ra những thông tin thú vị nhất về nền tảng này. Theo thống kê của tổ chức này, video hướng tới trẻ em có lượng view rất cao, nhưng video có sự xuất hiện của trẻ em, dù làm cho người lớn, cũng đạt view tốt.
Những kênh có nhiều người xem nhất được thống kê có dải chủ đề rất rộng, từ chính trị tới game. Có khoảng 2% trong số này có sự xuất hiện của một hoặc nhiều em nhỏ khoảng dưới 13 tuổi. Trong đó, chỉ khoảng 21% là có nội dung hướng tới trẻ em.
"Những video có sự xuất hiện của trẻ em với ngoại hình khoảng dưới 13 tuổi, dù nội dung có hướng tới trẻ em hay không, đạt lượng xem gấp gần 3 lần so với lượng xem trung bình của các video không có trẻ em.
Lượng video nhỏ vừa có trẻ em xuất hiện, vừa có nội dung hướng tới trẻ em là loại video được nhiều người xem nhất, vượt trội tất cả các loại nội dung còn lại trong thống kê này", báo cáo của Pew Research Center viết.
Video có sự xuất hiện của trẻ em dưới 13 tuổi, dù nội dung có hướng tới trẻ em hay không, đạt lượng xem gấp 3 lần lượng xem trung bình các video khác.
Báo cáo về YouTube đầu năm 2019 của Pew Research Center.
"Chúng tôi đã tưởng tượng ra được là nội dung hướng tới trẻ em sẽ rất phổ biến, bởi ai cũng biết có rất nhiều phụ huynh để trẻ con xem YouTube. Tuy nhiên, tôi chưa giải thích được vì sao những video có trẻ em, nhưng nội dung không dành cho trẻ lại được xem nhiều. Thống kê cho thấy người ta xem những video này rất nhiều, nhưng lý do tại sao thì không rõ ràng", Aaron Smith, Giám đốc phòng nghiên cứu dữ liệu tại Pew nói với Wired.
Đại diện của YouTube cho biết họ không bình luận về phương pháp nghiên cứu của Pew. Trong thực tế, nhiều kênh YouTube phổ biến vẫn sử dụng trẻ em như một "công cụ" kiếm thêm lượt xem. YouTuber tai tiếng Jake Paul thậm chí còn tự vẽ ra một gia đình sống cùng mình và thường xuyên làm video có sự xuất hiện của cậu bé 4 tuổi.
Trẻ em dễ bị khai thác, khó bảo vệ trên YouTube
Nội dung miễn phí, sẵn có khiến cho YouTube trở thành một “bảo mẫu” đối với nhiều bậc phụ huynh. Theo một khảo sát do Pew Research Center thực hiện năm 2018, 81% phụ huynh có con dưới 11 tuổi cho phép con xem YouTube, và 34% thường xuyên cho con xem. Trong danh sách các kênh YouTube thông dụng nhất, có nhiều kênh hướng tới trẻ em như ChuChu TV hay Ryan ToysReview.
Trẻ em có đặc điểm là dễ chấp nhận nội dung mới, thường không phản đối khi nội dung tự mở trên YouTube. Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ, chưa thành thạo cách điều khiển thì nội dung xem hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống gợi ý của YouTube.
"Bố mẹ thường coi YouTube giống như bảo mẫu, thấy nội dung trên YouTube phù hợp với con mình nên cho con mình tự xem. Nhưng những video tiếp theo, tự động chạy thì có thể có nội dung phản cảm, dẫn đến nhiều nguy cơ", Tiến sĩ Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nói với Zing.vn.
Trẻ em có xu hướng thích xem đi xem lại một video. Mỗi video có nội dung cho trẻ em có thể được xem đến 50 lần và đó là cách tạo lợi nhuận nhanh nhất.
Phil Rant, sở hữu kênh YouTube dành cho trẻ nhỏ.
Vài năm qua, YouTube nhiều lần bị tố để lọt những nội dung phản cảm, độc hại với trẻ em. Đầu năm 2017, một loạt clip sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình được yêu thích như Elsa, Spider Man gắn với nội dung gợi dục, bạo lực được phát hiện.
Gần đây nhất, trào lưu thử thách Momo và những video hoạt hình chế tiếp tục bị phản đối.
“Điểm chung của những video này là chúng không có tính giáo dục”, Reneé Chernow-O’Leary, một chuyên gia giáo dục và từng là giám đốc nghiên cứu tại Sesame Street nhận định.
Vấn đề của YouTube là họ không kiểm soát được hệ thống gợi ý, đồng thời cũng không yêu cầu thông tin chi tiết liên hệ của các kênh làm nội dung hướng trẻ em. Tháng 4/2019, Wall Street Journal đã tìm cách liên lạc 10 kênh YouTube trẻ em đứng đầu trong danh sách của Social Blade, nhưng không thể tiếp cận tới 9 kênh.
Đối với những chương trình truyền hình trước đây, danh tiếng của đơn vị sản xuất có thể là điều đảm bảo đối với những bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trên YouTube thì việc xác định khó hơn. Theo Wall Street Journal, chủ nhân một kênh chuyên bóc hộp đồ chơi từng là ngôi sao phim người lớn. Một số chủ kênh khác từng gặp cáo buộc về lạm dụng hoặc bạo lực với trẻ em.
Hệ thống gợi ý của YouTube cũng bị chỉ trích bởi cách hoạt động bí ẩn, và thực tế là thường xuyên đưa ra các video độc hại hoặc thuyết âm mưu.
"YouTube Kids vừa ngớ ngẩn, vừa đáng lo ngại"
YouTube nhiều lần khẳng định nền tảng này không được tạo ra để hướng tới trẻ em, và gần đây có động thái tắt hết bình luận trong những video có liên quan đến trẻ em.
Năm 2015, YouTube ra mắt nền tảng hướng tới trẻ em có tên YouTube Kids. Tuy nhiên chính YouTube Kids cũng có nhiều nội dung không phù hợp. Theo nhận xét của biên tập viên Keza MacDonald, Guardian thì phần lớn video trên YouTube Kids không kinh tởm như thử thách Momo, nhưng chúng cũng tệ hại hoặc ngớ ngẩn.
Bạn không cần phải thông thái về công nghệ để hiểu rằng YouTube Kids vừa ngớ ngẩn, vừa đáng lo ngại.
Biên tập viên Keza MacDonald, Guardian
Rất nhiều video cho trẻ em được tải lên có chất lượng thấp. Chúng chỉ là những bài hát vớ vẩn với hình ảnh 3D dựng theo những nhân vật được trẻ con yêu thích như Elsa, Spider Man hay Peppa Pig. Chúng được tạo ra để khai thác thuật toán và sở thích của trẻ con, được càng nhiều lượt xem càng tốt và kiếm tiền từ đó.
Để góp phần "lọc" nội dung cho YouTube, công ty này đưa ra hệ thống gắn cờ. Người dùng khi thấy video không phù hợp có thể gắn cờ, như một cách báo cáo để YouTube nhận biết video không tốt. Dù vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng việc gắn cờ sẽ không giải quyết được vấn đề.
"Thất bại của YouTube nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào hệ thống gắn cờ. Chỉ có hệ thống kiểm duyệt trực tiếp, do con người thực hiện mới có thể đảm bảo an toàn cho YouTube Kids", cô Keza MacDonald chia sẻ từ trải nghiệm bản thân.
Tuần trước, Google và Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đã đạt thỏa thuận về khoản tiền phạt hàng triệu USD vì công ty công nghệ này vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Thỏa thuận này được đưa ra sau một cuộc điều tra của FTC về việc liệu gã khổng lồ công nghệ có bảo vệ được dữ liệu trẻ em trên nền tảng của họ hay không.
Tổ chức “Chiến dịch Tuổi thơ Không phải để Kinh doanh” (Campaign for a Commercial-Free Childhood) cũng gửi thư đề nghị FTC phạt Google. Tổ chức này đề xuất xóa tất cả dữ liệu của trẻ em đã bị thu thập, đồng thời yêu cầu thành lập "quỹ 100 triệu USD để sản xuất các nội dung phi thương mại, chất lượng cao dành cho trẻ em".