Lý do Triều Tiên và Hàn Quốc bắn đạn pháo đáp trả nhau
Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắn cảnh báo nhau dọc theo ranh giới biển phía tây. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ có thể xảy ra sau vụ phóng thử của Bình Nhưỡng.
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết hải quân nước này đã bắn cảnh cáo vào 3h42 sáng 24/10 để buộc một tàu buôn của Triều Tiên phải lùi lại sau khi con tàu vượt qua Đường giới hạn phía bắc (NLL) gần đảo Baengnyeong.
Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Triều Tiên thông báo vào khoảng 5h15 cùng ngày, các đơn vị phòng thủ bờ biển nước này đã bắn 10 quả đạn từ pháo phản lực phóng loạt về nơi phát hiện "chuyển động của đối phương trên biển".
Họ cũng cáo buộc tàu hải quân Hàn Quốc lấy cớ ngăn cản một con tàu không xác định để xâm nhập vào vùng biển của Triều Tiên, theo AP.
Phản ứng của Hàn Quốc
Sau vụ việc, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết hành động nã pháo của Triều Tiên vào ngày 24/10 đã vi phạm thỏa thuận năm 2018 về giảm bớt thù địch quân sự.
JCS gọi đây là hành động khiêu khích gây tổn hại đến hòa bình và ổn định không chỉ trên bán đảo mà còn cả cộng đồng quốc tế, Yonhap đưa tin.
“Chúng tôi một lần nữa thúc giục Triều Tiên ngay lập tức dừng các hành động khiêu khích và cáo buộc liên tục, gây đe dọa hòa bình cùng sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như của cộng đồng quốc tế”, JCS nêu rõ.
Họ xác nhận các quả đạn pháo của Triều Tiên không rơi xuống vùng biển của Hàn Quốc nhưng Seoul đang tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự.
Phản ứng của Triều Tiên
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc kích động thù địch gần biên giới đất liền của họ, bằng các cuộc thử nghiệm pháo binh và phát loa tuyên truyền.
“Chúng tôi đã hạ lệnh triển khai biện pháp đáp trả ban đầu để xua đuổi tàu chiến của đối phương bằng việc bắn 10 quả đạn từ nhiều bệ phóng rocket gần vùng biển nơi đối phương di chuyển”, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu nói trong phát biểu được hãng thông tấn KCNA đăng tải.
"Bộ Tổng tham mưu KPA một lần nữa gửi lời cảnh báo nghiêm trọng tới những kẻ thù đã xâm nhập bằng hải quân, sau các hành động khiêu khích gần đây như nã pháo và phát loa trên mặt đất", tuyên bố của Triều Tiên cho biết.
Trước đó, Hàn Quốc xác nhận rằng họ đã triển khai các cuộc tập trận pháo binh vào tuần trước như một phần trong cuộc diễn trận quân sự thông thường. Tuy nhiên, nước này phủ nhận việc nối lại chương trình phát loa mà cả hai bên đã tạm dừng theo thỏa thuận năm 2018.
Triều Tiên cũng cho biết các vụ thử vũ khí gần đây của họ, liên quan đến đạn pháo và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, là phản ứng đáp trả trước các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ - động thái mà nước này coi là một cuộc “diễn tập tấn công”.
Các chuyên gia nói gì?
Nhà phân tích Cheong Seong Chang tại Viện Sejong ở Hàn Quốc cho biết có khả năng việc tàu Triều Tiên vượt qua ranh giới trên biển không phải do sơ ý. Bởi việc một tàu buôn của Triều Tiên vượt qua ranh giới vào đầu ngày mà không có sự cho phép của quân đội nước này là điều “không thể tưởng tượng được".
Ông Cheong cho biết Triều Tiên dường như đang ngày càng quyết đoán hơn sau các vụ thử tên lửa gần đây. Trước đó, nước này tuyên bố họ đã mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tấn công các mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ.
Chuyên gia cũng lưu ý Bình Nhưỡng nhận thức được mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc khiến Washington sẽ khó nhận được sự hợp tác từ hai cường quốc trong khu vực về vấn đề Triều Tiên.
“Quân đội Hàn Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn đụng độ", ông Cheong nói.
Bên cạnh đó, một số nhà quan sát cho rằng Triều Tiên có thể kéo dài thời gian thử nghiệm, tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên trong 5 năm, hoặc có các hành động khiêu khích khác gần biên giới biển phía tây cùng một số nơi khác khi quân đội Hàn Quốc - Mỹ tiếp tục phối hợp tập trận quân sự.
“Việc Bình Nhưỡng sẽ viện dẫn lý do là các mối đe dọa bên ngoài và nâng cao sự tự tin về khả năng quân sự có thể thúc đẩy những rủi ro lớn hơn”, Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nhận định.
"Việc Triều Tiên thăm dò các tuyến phòng thủ vành đai của Hàn Quốc có thể dẫn đến những diễn biến ngoài kiểm soát", ông nói thêm.
Một số chuyên gia nhận định các vụ phóng thử của Triều Tiên cũng cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un không có ý định sớm nối lại hoạt động ngoại giao bị đình trệ với Washington, vì ông muốn tập trung vào việc hiện đại hóa hơn nữa kho vũ khí hạt nhân nhằm tăng cường đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai.
Vào tuần tới, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận không quân chung với sự tham gia của khoảng 240 máy bay chiến đấu, bao gồm chiến đấu cơ F-35. Các cuộc tập trận nhằm mục đích kiểm tra khả năng phối hợp hoạt động của hai nước và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, quân đội Hàn Quốc cho biết.
Những năm gần đây, Washington và Seoul đã thu hẹp hoặc hủy bỏ các cuộc tập trận thường xuyên trong nỗ lực duy trì chính sách ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên, cũng như để phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kể từ khi chính sách này thất bại và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, lên nhậm chức hồi tháng 5, các cuộc tập trận đã được mở rộng.
Đường giới hạn phía bắc là gì?
Đường giới hạn phía bắc (NLL) được coi là đường phân định vùng biển giữa Triều Tiên với Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.
Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu đã vẽ ranh giới sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Tuy nhiên, từ những năm 1990, Bình Nhưỡng tuyên bố không chấp nhận NLL, lập luận rằng đường ranh giới nên được vẽ lại xa hơn về phía nam, Reuters đưa tin.
Trong nhiều năm qua, ranh giới ngoài khơi bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên - nguồn gốc của sự thù địch kéo dài - đã chứng kiến một số cuộc đụng độ giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Hai trong số những sự kiện chết người xảy ra trong khu vực là vụ Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Hàn Quốc và vụ phóng ngư lôi được cho là nhằm vào tàu hải quân Hàn Quốc. Cả hai đều diễn ra vào năm 2010 và khiến 50 người Hàn Quốc thiệt mạng.