Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, một số nguồn tin đã thu hút sự chú ý đến việc Quân đội Trung Quốc (PLA), triển khai máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-7, cho các chuyến bay gần Đài Loan và có thể để kiểm tra khả năng phòng thủ của hòn đảo này.
Một cuộc tập trận bao vây đảo vào ngày 17/6 vừa qua, bao gồm 4 chiếc tiêm kích hạng nhẹ J-7 cùng với các máy bay quân sự khác của PLA, bao gồm máy bay chiến đấu hạng nặng J-16 và máy bay tác chiến điện tử Y-8. Tạo thành chiến thuật cao-thấp, xa-gần.
Theo một nguồn tin quân sự, được truyền thông Hong Kong trích dẫn cho biết, có thể những chiếc J-7 được Không quân Trung Quốc triển khai, để kiểm tra phản ứng từ phía không quân và phòng không của Đài Loan.
“Bốn chiếc J-7 đã thực hiện các chuyến bay ngắn, sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, nhằm mục đích kiểm tra phản ứng của không quân Đài Loan, xem liệu tất cả các máy bay của đảo Đài Loan có xuất kích đánh chặn hay không”, nguồn tin cho biết.
Trong khi một số nhà phân tích suy đoán rằng, việc triển khai J-7 có thể liên quan đến việc PLA chuyển đổi các máy bay J-7 cũ, thành máy bay không người lái, có thể sử dụng trong chiến đấu.
J-7 là thiết kế dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba MiG-21 Fishbed, được Liên Xô chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc từ đầu thập niên 1960. Đây là loại máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới khi đó và được Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1959.
Các biến thể J-7 đang hoạt động trong lực lượng không quân PLA ngày nay, có tính năng mạnh hơn đáng kể so với MiG-21. Những phiên bản J-7 mới nhất, được xếp vào hàng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư về mức độ hiện đại; nhất là hệ thống điện tử hàng không, radar và vật liệu chế tạo máy bay.
J-7G là biến thể mới nhất và tiên tiến nhất của dòng J-7; phiên bản này kết thúc sản xuất vào năm 2013. Trong khi máy bay huấn luyện JL-9, có nguồn gốc gần gũi từ thiết kế J-7 và vẫn được Trung Quốc sản xuất cho đến ngày nay.
J-7G sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, như vật liệu chế tạo máy bay bằng composite nhiều hơn, buồng lái bằng kính hoàn toàn, cánh tam giác kép mới, ba màn hình HUD đa chức năng và HOTAS, kính ngắm gắn trên mũ bay, tiết diện radar thân máy bay giảm và thùng nhiên liệu cải tiến, cùng các tính năng tiên tiến khác, làm cho nó khác biệt với J-7 thời Chiến tranh Lạnh.
Hiện còn vài trăm chiếc J-7, vẫn còn đang được biên chế trong Không quân Trung Quốc; hiện chúng được loại bỏ dần khỏi biên chế và chuyển cho các đơn vị huấn luyện, để thay thế bằng các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ như J-10C và J-16 hiện đại hơn. Tuy nhiên J-7 vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc.
Việc triển khai J-7 cùng với J-16 và Y-8 có thể tạo cơ hội cho những phi công này, luyện tập phối hợp chiến đấu trong các nhiệm vụ chung và tăng khả năng tương tác; cũng như cho phép PLA bày tỏ niềm tin vào khả năng tồn tại của mẫu máy bay J-7 trong chiến tranh hiện đại.
Trên thực tế, các biến thể mới hơn của J-7, hiện đại hơn nhiều so với nhiều loại máy bay chiến đấu của không quân Đài Loan, vốn dựa trên các biến thể của F-16 và F-5 những năm 1970, chiến đấu cơ Mirage 2000 và máy bay chiến đấu bản địa Ching Kuo, được phát triển vào những năm 1990.
Tuổi đời của số máy bay chiến đấu của Đài Loan và các vấn đề về bảo trì, đặc biệt là đối với những chiếc Mirage 2000 mua của Pháp, có chất lượng đáng ngờ hơn, đã dẫn đến tỷ lệ tai nạn cao và buộc Đài Loan phải để một số máy bay này nằm đất trong một số trường hợp.
J-7 dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động trong lực lượng Không quân Trung Quốc vài năm tới và được đánh giá cao nhờ sự kết hợp của các công nghệ thế hệ thứ tư hiện đại với chi phí vận hành và yêu cầu bảo dưỡng rất thấp.
Việc thay thế các máy bay chiến đấu J-7 bằng các máy bay chiến đấu hạng nặng và mới hơn, nhất là chiến đấu cơ J-16, khiến các phi đội máy bay chiến đấu Trung Quốc tăng lên gấp nhiều lần cả yêu cầu bảo dưỡng và chi phí hoạt động, mặc dù sự gia tăng hiệu suất chiến đấu cũng rất đáng kể.
Theo giới phân tích quân sự, với việc dùng "ông già" J-7 bay tuần tra xung quanh đảo Đài Loan, mục đích của Trung Quốc cũng dùng loại máy bay rẻ tiền này, để "tiêu hao" giờ bay của số máy bay chiến đấu ít ỏi của Không quân Đài Loan, đồng thời gây căng thẳng cho phi công Đài Loan.
Việc một chiếc F-16 của Đài Loan F-16A, do đại tá Chiang Cheng-chih điều khiển, đã đâm xuống biển vào tháng 11/2020, cũng có thể do tâm lý căng thẳng, do phải đối phó với máy bay chiến đấu Trung Quốc trong thời gian qua của Đài Loan. Nguồn ảnh: Pinterest.
Máy bay chiến đấu J-7 của Trung Quốc tới nay vẫn là loại chiến đấu cơ đông nhất trong biên chế lực lượng này. Nguồn: QQ.
Tiến Minh