Ukraine vừa đệ trình một yêu cầu liên quan đến tăng cường năng lực phòng thủ thông qua hệ thống phòng không 60 năm tuổi MIM-23 Hawk, đã bị nhiều nước NATO loại biên nhưng thực sự có thể đóng một vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh bầu trời.
Yêu cầu này từ Ukraine đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp Ramstein-6.
Trước đó Ukraine muốn nhận tổ hợp như MIM 104 Patriot hiện đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến tại Mỹ và một số quốc gia NATO khác, có chi phí khoảng 1 tỷ USD cho mỗi khẩu đội và ít không thuộc diện vũ khí dư thừa.
MIM-23 Hawk từng là tổ hợp phòng không chủ lực của Mỹ và các nước NATO trong gần như toàn bộ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Một lượng lớn tổ hợp phòng không này đã được sản xuất, phục vụ tại nhiều quốc gia. Mặc dù Mỹ đã cho tổ hợp này ngừng hoạt động vào những năm 1990, nhưng MIM-23 vẫn còn trong thành phần tác chiến của hơn 20 nước.
MIM-23 Hawk được đưa vào phục vụ từ năm 1960, trong thời gian đó nó đã trải qua 4 lần hiện đại hóa lớn, lần cuối cùng diễn ra vào những năm 1990.
Quá trình hiện đại hóa rộng rãi gần đây nhất đối với tổ hợp tên lửa phòng không này bao gồm số hóa hệ thống điều khiển, cho khả năng đánh chặn đồng thời một số mục tiêu và tiêu diệt các đối tượng bay tầm thấp.
Nhờ việc "vi tính hóa" MIM-23 Hawk, hệ thống phòng không cổ điển này thực sự phát triển lên tầm cao mới, phiên bản này được gọi là Hawk XXI, hiện vẫn đang được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng.
Thay đổi rất đáng giá chính là tích hợp radar AN/MPQ-64 Sentinel hiện đại, khí tài này cũng được sử dụng trong hệ thống phòng không NASAMS hiện đại, ngoài ra là số hóa chung tất cả các thiết bị của tổ hợp.
Đồng thời, hỏa lực của tổ hợp tiếp tục dựa vào tên lửa phòng không MIM-23, được cập nhật và hiện đại hóa liên tục cho đến giữa những năm 1990.
Cấu hình hiện tại của radar trang bị cho MIM-23 Hawk là cực kỳ khó dự đoán, thông số duy nhất liên quan đến khả năng chiến đấu của hệ thống đều nằm ở tên lửa đánh chặn.
Hệ thống có phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên đến 45 - 50 km, độ cao tối đa 20 km, tốc độ tên lửa đạt Mach 2,4. Đạn đánh chặn được dẫn hướng đến mục tiêu bằng đầu dò bán chủ động.
Nhưng lợi thế quan trọng nhất của tổ hợp phòng không này chính là ở chỗ hơn 40.000 tên lửa đã được sản xuất, tức là nguồn cung đạn cho nhu cầu của Quân đội Ukraine hiện rất dồi dào.
Đồng thời, nhược điểm rõ ràng của MIM-23 Hawk đó là nó đã được cho ngừng hoạt động và đưa vào tình trạng niêm cất. Thực tế trên có nghĩa là cần phải tiến hành bảo tồn và phục hồi đối với vũ khí.
Ngoài ra hệ thống Hawk càng cũ càng khó khôi phục và bảo trì. Ví dụ, phiên bản năm 1970 của MIM-23 nhận những cải tiến bao gồm: radar chiếu xạ AN/MPQ-46, radar cảnh giới AN/MPQ-50, máy đo cự ly AN/MPQ-51, radar phát hiện mục tiêu tầm thấp AN/MPQ-48...
Ngoài ra còn có trạm xử lý thông tin và đài chỉ huy AN/TSW-8, đài radar tiền phương AN/MPQ-48, đài điều khiển AN/MSW-11, và các bệ phóng M192 với 3 tên lửa phòng không, công nghệ trên đã khá lạc hậu và cần nhiều công sức cho việc nâng cấp.
Trong khi đó phiên bản Hawk XXI được tích hợp đài chỉ huy, radar quan sát AN/MPQ-64 Sentinel, radar bắt độ cao thấp AN/MPQ-62, một hoặc hai radar chiếu xạ AN/MPQ-61 và một số bệ phóng . Lưu ý rằng số lượng mục tiêu có thể bắn cùng lúc phụ thuộc vào số lượng radar chiếu xạ.
Khi phải đánh chặn các mục tiêu như tên lửa hành trình và máy bay không người lái cảm từ, và không sử dụng MIM-23 như một hệ thống phòng không ở khu vực tiền tuyến, thì Hawk hoàn toàn có thể đảm đương nhiệm vụ này.
Bạch Dương