Lý do VKSND kháng nghị vụ đất vàng trên phố Bà Triệu?
VKSND TP Hà Nội vừa ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ chuyển nhượng hàng trăm m2 trên phố Bà Triệu, Hà Nội.
Trước đó, trong các ngày từ 18/4 đến 4/5, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai vợ chồng bị cáo: Lương Thế Hiển, tức Lương Xuân Hiển, Lương Đức Hiển, SN 1960, cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đã nghỉ hưu, 18 năm tù; Nguyễn Thị Liên, SN 1960, vợ bị cáo Hiển, 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Điều 175, khoản 4, Bộ luật Hình sự.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 9/2017, ông Nguyễn Thanh Thủy nhờ bị cáo Hiển làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và góp các Giấy Chứng nhận quyền sử dụng Nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiển đồng ý giúp với mức giá “ngoại giao” là 7 tỷ đồng.
Để hợp thức việc nhờ Hiển đứng tên làm giúp làm các thủ tục trên, Hiển và ông Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nguyễn Thị Liên, vợ Hiển, do Hiển nhờ ký, viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với Liên và Hiển. Sau khi làm xong thủ tục mua nhà, Hiển không trả lại nhà đất cho ông Thủy mà chiếm đoạt, đem bán cho anh Lê Hải An với giá hơn 320 tỷ đồng. VKSND cáo buộc, vợ chồng bị cáo Hiển đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khu đất của ông Thủy với giá trị hơn 127 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng, bị cáo Liên thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Hiển không thừa nhận cáo trạng và cho rằng có việc hợp tác kinh doanh với ông Thủy, có việc thanh lý hợp đồng và việc ông Thủy nhượng lại 50% cổ phần. Bị cáo Hiển khai đã đưa 200 tỷ đồng cho ông Thủy, do đó bị cáo có quyền bán tài sản trên.
Trong Quyết định, VKSND nhận định, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lương Thế Hiển 18 năm tù là phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Liên, tòa án tuyên phạt tám năm tù là chưa phù hợp với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo và chưa thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.
Theo VKSND, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Liên tham gia với vai trò giúp sức có mức độ và có quan hệ là vợ-chồng với bị cáo Hiển, nên việc bị cáo Liên phải ký vào các hợp đồng, giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, là để đảm bảo đúng thủ tục pháp lý khi chồng là bị cáo Hiển nhờ ký và bị cáo Liên không hưởng lợi từ tài sản mà bị cáo Hiển chiếm đoạt được của bị hại.
Bị cáo Liên không tham gia, trao đổi, thỏa thuận, giao dịch liên quan đến ký các giấy tờ mua bán nhà đất trên với bị cáo Hiển, với ông Thủy và với anh An.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Liên đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, thấy được sai phạm và trách nhiệm của mình, khai báo thành khẩn nói lên sự thật khách quan của vụ án, ăn năn, hối cải; tích cực hợp tác với CQĐT trong việc phát hiện tội phạm và giải quyết vụ án, thu hồi tài sản do hành vi phạm tội mà có và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
VKSND nêu, tại phiên tòa, ông Nguyễn Thanh Thủy, bị hại, cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Liên. Bị cáo Liên có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội với vai trò thứ yếu, có mức độ, có đủ điều kiện áp dụng Điều 54 khoản 2, Điều 65-Bộ luật Hình sự để cho bị cáo Liên được hưởng án treo.
Do vậy, bản án hình sự sơ thẩm tuyên mức hình phạt tám năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Liên là quá nặng, không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, cũng như chưa đảm bảo tính công bằng giữa các bị cáo trong cùng vụ án, chưa phù hợp chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.
Do đó, VKSND TP quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo Liên được hưởng án treo như đề nghị của đại diện VKSND tại phiên tòa sơ thẩm.
Liên quan đến vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Liên cũng kháng cáo xin được hưởng án treo như đề nghị của đại diện VKSND tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Lương Thế Hiển kháng cáo toàn bộ bản án. Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Thanh Thủy có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Hiển, đồng thời tòa cấp phúc thẩm bổ sung kiến nghị cơ quan Đăng ký đất đai có thẩm quyền thực hiện cấp lại “sổ đỏ” các mảnh đất nói trên cho ông Thủy.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng làm đơn kháng cáo, trong đó anh Lê Hải An kháng cáo toàn bộ phần dân sự liên quan đến quyền lợi của anh. Ba người con của bị cáo Lương Thế Hiển kháng cáo về việc kê biên một số nhà đất, căn hộ chung cư... có liên quan đến họ.