Lý do xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh
VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm nay. Nguyên nhân là nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á.
Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, việc phục hồi xuất khẩu đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 5,7% trong quý I năm nay.
Xuất khẩu bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2023 dẫn đến việc các cảng ở Việt Nam tăng công suất. VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm nay. Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý là 7% trong quý I và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Trong tháng 4, chỉ số “đơn đặt hàng mới” của PMI các thị trường mới nổi toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.
“Chúng tôi nhấn mạnh, doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển của các công ty logistics Việt Nam cũng kiếm được doanh thu đáng kể từ vận chuyển hàng hóa, bên cạnh nguồn doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ. VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty gần như không đổi trong năm nay, bất chấp hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn”, ông Michael Kokalari nói.
Thêm vào đó, việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao thường được vận chuyển bằng đường hàng không. Theo VinaCapital, tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam (tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước) đang vượt xa tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước).
Xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm, gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước, đang hỗ trợ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Cuối cùng, nguồn cung đất khu công nghiệp sẵn có còn hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở phía Bắc - nơi thu hút phần lớn dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao mới, hiện đang ở mức trung bình trên 80% và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở khu vực TPHCM là trên 90%. Sự kết hợp giữa việc ít bị ảnh hưởng bởi giá của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và tỷ lệ lấp đầy cao đã đẩy giá thuê khu công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam tăng lần lượt 35% và 15% vào năm ngoái.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-xuat-khau-cua-viet-nam-tang-manh-post1643295.tpo