Lý do xung đột ở Ukraine được ví như 'Chiến tranh UAV lần thứ nhất'
Sau một thời gian dài được cả Nga và Ukraine sử dụng trên chiến trường, máy bay không người lái (UAV) đã thể hiện rõ vai trò và tầm quan trọng, nhất là trong điều kiện lực lượng mặt đất khó triển khai do mưa, tuyết.
Nhận định mới về UAV
Theo đài Sputnik, phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/12, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh rằng sử dụng UAV đã trở nên gần như phổ biến. Theo ông Putin, Nga sẽ phải trang bị kho vũ khí máy bay không người lái liên kết với nhau, sử dụng với mọi quy mô, từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến tiểu đội, trung đội.
Ông Putin nói: “Trong tương lai gần, mỗi binh sĩ sẽ có cơ hội nhận thông tin truyền từ máy bay không người lái. Chúng ta phải thúc đẩy điều này, phấn đấu vì điều này. Các mục tiêu cần được phát hiện càng nhanh càng tốt và thông tin phải được truyền đi ngay lập tức để thực hiện các cuộc tấn công theo thời gian thực”.
Trong khi đó, theo ông David van Weel, trợ lý Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phụ trách các thách thức an ninh mới nổi, các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và được Ukraine sử dụng trên chiến trường đang đóng một vai trò to lớn ở Ukraine.
Ông Van Weel phát biểu với hãng thông tấn Anadolu ngày 21/12 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền về ngành máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ: “Đó là một ví dụ điển hình về những gì mà đổi mới sáng tạo có thể làm trong chiến tranh hiện đại. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cho thấy tương lai của chiến tranh sẽ như thế nào”.
Ukraine đã sử dụng các phương tiện bay chiến đấu không người lái, cụ thể là Bayraktar TB2 do công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, kể từ khi bắt đầu xung đột để tìm và tấn công các trang thiết bị quân sự của Nga, từ lựu pháo đến hệ thống phòng không.
Trước đây, các bên đã sử dụng máy bay không người lái có đạn dược thông minh, khả năng hỗ trợ tác chiến điện tử (EW) trên chiến trường ở Syria, Libya và Karabakh ở Azerbaijan.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng Bayraktar TB2 thậm chí có thể đã đóng một vai trò trong vụ đánh chìm tàu tuần dương Moskva, một tàu quan trọng thuộc hạm đội của Nga ở Biển Đen. TB2 đã cực kỳ phổ biến ở Ukraine và nó thậm chí còn trở thành chủ đề của một bài hát có điệp khúc “Bayraktar, Bayraktar”.
Ông Van Weel nói thêm rằng mặc dù vũ khí thông thường đã được sử dụng rộng rãi trên chiến trường, nhưng các công nghệ hiện đại do NATO cung cấp cho Ukraine từ năm 2014 đã đóng một vai trò quan trọng trong tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine chống lại Nga.
Trước đó, trong cuộc họp giao ban tại Trung tâm Truyền thông Quân đội ngày 15/12, Đại tá Oleksandr Zaruba, đại diện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lợi phẩm, Vũ khí tối tân và Trang bị Quân sự (Ukraine), đã nhận xét về UAV của Nga. Ông nói: “Các nhà nghiên cứu tại trung tâm đang nghiên cứu về các đặc tính kỹ thuật của máy bay không người lái. Kết quả những nghiên cứu này cho thấy UAV không có hạn chế khi bay trong mọi điều kiện thời tiết. Nghĩa là, chúng tôi thấy chúng có thể được sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết”.
Theo ông Zaruba, đối với máy bay, có những hạn chế nhất định, còn với UAV, khi chúng bay qua một số lớp khí quyển nhất định, UAV có thể bị đóng băng hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia Ukraine đã nhìn thấy các thiết bị đặc biệt trong một số mẫu UAV và các thiết bị này có thể làm nóng các cảm biến bên ngoài.
Đồng thời, ông Zaruba một lần nữa nhấn mạnh rằng sương giá hay nắng nóng không ảnh hưởng đến việc Nga sử dụng máy bay không người lái.
Trước đó, ông Yurii Ihnat, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, báo cáo rằng máy bay không người lái cảm tử mà Nga đang sử dụng tại Ukraine không bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, chỉ có thời tiết mà UAV không bay được và nhiệt độ thay đổi nhanh chóng từ trên 0 độ C xuống dưới 0 độ C mới có thể ảnh hưởng đến chúng.
Lợi thế của UAV
Theo hãng tin AP, trong xung đột giữa Nga và Ukraine, máy bay không người lái đã chứng minh là một vũ khí mạnh mẽ, khó ngăn chặn và hiệu quả về chi phí trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu, đồng thời có thể làm lung lay quyết tâm của binh lính.
UAV cũng nhanh chóng vượt qua tên lửa để trở thành vũ khí từ xa được lựa chọn vì có thể đưa UAV tới bất kỳ khu vực chiến đấu nào với số lượng lớn hơn và rẻ hơn nhiều.
UAV có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhưng cũng có thể trở thành vũ khí tấn công khi mang theo chất nổ.
Công nghệ UAV mới giúp bên sử dụng không cần phải hy sinh nhân lực cũng như không phải chi một số tiền khổng lồ để chế tạo máy bay phức tạp tiếp cận mục tiêu.
Báo chí thường nói rằng Nga dùng Shahed do Iran sản xuất ở Ukraine. Với giá chỉ 20.000 USD một chiếc, Shahed có giá chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí của một tên lửa thông thường. Ví dụ, tên lửa hành trình Kalibr của Nga có giá là khoảng 1 triệu USD mỗi tên lửa.
Với chi phí thấp như vậy, Shahed có thể được triển khai với số lượng lớn để áp đảo mục tiêu, cho dù đó là kho nhiên liệu hay cơ sở hạ tầng và các cơ sở như trạm điện hoặc nước. Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng vụ nổ của Shahed đủ mạnh để gây sát thương.
Vào tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết Nga đang đẩy mạnh sản xuất nhiều loại UAV mặc dù không thể thực hiện ngay lập tức.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã chuyển giao hàng trăm chiếc máy bay không người lái cho Ukraine. Trong đó, có UAV cảm tử Switchblade 600 và Phoenix Ghosts.
Ukraine cũng có nhiều loại máy bay không người lái khác, có khả năng trinh sát và phát hiện pháo, như Furia do nước này tự chế tạo.
Tóm lại, UAV có vai trò quan trọng với các bên trong xung đột ở Ukraine, đến mức có tờ báo còn gọi xung đột ở Ukraine là Chiến tranh UAV lần thứ nhất.