Lý giải 'bệnh' lười đọc sách của thanh niên hiện nay
Trong một lần khảo sát về nhu cầu đọc sách của sinh viên tại một trường đại học của Hà Nội, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã bị giật mình khi biết một sinh viên chỉ đọc chưa đến một cuốn sách một năm và đó lại là sách ngôn tình.
Tại buổi giao lưu vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, từ lâu, văn hóa đọc xuống cấp là điều nhìn thấy. Ngay cả với sinh viên, những người đang có nhiều thời gian để trau dồi kiến thức nhất cũng rất ít đọc sách. Bằng chứng là, trong một cuộc khảo sát, kết quả cho thấy, mỗi sinh viên chỉ đọc chưa tới gần 1 cuốn sách một năm. Cuốn sách ấy không phải là các đầu sách văn học, sách kỹ năng sống... mà lại là sách ngôn tình. Các cuốn tiểu thuyết mà nhiều thế hệ độc giả say sưa tìm đọc hầu như nằm ngoài sự quan tâm của các bạn trẻ.
"Đó là điều đáng buồn vì tri thức nhân loại nằm ở những cuốn sách quý. Không phải ngẫu nhiên mà hết thế hệ này đến thế hệ khác truyền tay nhau những cuốn sách như thế. Nhưng nhiều sinh viên không màng đọc, lại đi đuổi theo những cuốn sách ngôn tình sến sẩm", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Cũng theo Đỗ Doãn Hoàng, anh lớn lên nhờ sách bên cạnh việc lăn lộn cùng nghề báo. Những kinh nghiệm trong cuộc sống và trong công việc đều được đúc rút và bày ra trước mắt bạn đọc. Mỗi người chỉ cần chăm chỉ đọc sách sẽ rút ra nhiều bài học cho mình và bớt vấp ngã trong cuộc đời, trong quá trình lao động.
Cũng tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt cho rằng: “Kiến thức là vô hạn cho nên cần phải đọc sách hàng ngày, hàng giờ để tích lũy dần dần như “tầng địa chất” mà thiên nhiên đã bồi đắp qua năm tháng. Khi đã có kiến thức sẽ làm chủ được mọi thứ. Thế giới phẳng, toàn cầu hóa… cần phải làm chủ kiến thức để làm chủ tư duy, làm chủ sáng tạo, khi đó có thể kết nối, làm bạn với mọi nước trên thế giới trên cùng một hành tinh là “trái đất”.
2 vị khách mời cũng đồng tình cho rằng, để thúc đẩy văn hóa đọc, cần phải tạo ra không gian đọc sách trước. Điều đó có nghĩa cần tạo ra một địa điểm để mọi người đến thấy thích. Không gian có vai trò tác động đến con mắt, đến cảm nhận và sẽ khiến mỗi người quan tâm đến sách nhiều hơn. Ví dụ, bố mẹ trong lúc chờ con chơi có thể tranh thủ tiếp cận với sách, ngồi uống cà phê có thể vô tình đọc được một cuốn sách hay, từ đó có hứng thú với sách.
Sách là hàng hóa đặc biệt của tri thức nên cũng cần phải có không gian đặc biệt để tiếp nhận. Theo bà Nguyễn Kim Thoa, ngoài mục đích kinh doah ngành hàng sách, việc tạo ra không gian đọc sách thú vị cho cả gia đình, cho nhiều tầng lớp độc giả còn mang ý nghĩa nâng niu sách, trân trọng sách. Đó chính là trách nhiệm của những doanh nghiệp xuất bản trong bối cảnh văn hóa đọc sách hiện nay đang "nguội lạnh".