Lý giải cú bật bất ngờ trong thời điểm cam go của nền kinh tế Mỹ

Tăng 2,5 triệu việc làm trong tháng 5, thị trường chứng khoán ngập sắc xanh, kinh tế Mỹ đã có cú bật đầy bất ngờ trái với hầu hết các dự đoán trước đó.

Nước Mỹ tăng 2,5 triệu việc làm như thế nào?

Theo dữ liệu thống kê công bố sáng 5/6 (giờ địa phương) của Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã có thêm 2,5 triệu việc làm vào tháng 5/2020 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 13,3%.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Đây vẫn là mức cao nhất Mỹ từng chứng kiến kể từ Đại Suy thoái như một sự minh chứng cho những tổn thất do đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa gây nên song con số này đã phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ so với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 14,7% vào tháng trước.

Trong những tuần đầu tiên "càn quét" qua nước Mỹ, dữ liệu về hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cho thấy có thêm hàng triệu người mới mất việc làm, gia tăng cảm giác tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tăng mạnh. Các con số dự đoán cũng đều cho rằng sẽ có thêm khoảng 7 triệu người Mỹ thất nghiệp vào tháng 5.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã chuyển mình nhanh hơn mong đợi và người dân Mỹ cũng nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của tình hình khi các bang bắt đầu cho phép mở cửa trở lại một số lĩnh vực vào đầu tháng 5.

Mức tăng số lượng việc làm trong tháng 5 ở Mỹ mà nhiều người gọi là "đáng kinh ngạc", "gây sốc", "đầy bất ngờ" là do sự quay lại của 2,5 triệu người lao động "mất việc tạm thời". Một nửa trong số này quay lại làm việc trong các nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh giải trí, khách sạn, vốn trước đó bị đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, trong số 2,5 triệu việc làm tăng lên vào tháng 5 ở Mỹ có 1,2 triệu việc làm liên quan đến ngành nhà hàng khách sạn và giải trí - lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Ngành nhà hàng khách sạn và giải trí đã mất 8 triệu việc làm vào tháng 3 và tháng 4 nhưng số lượng việc làm bắt đầu tăng lên khi các nhà hàng và quán bar được phép mở cửa trở lại như một phần trong các biện pháp mới nhằm làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các ngành xây dựng cũng tăng lại 464.000 việc làm vào tháng 5 sau khi mất 995.000 việc làm vào tháng 4. Trong khi đó, ngành chăm sóc y tế tăng thêm 312.000 việc làm khi các bang bắt đầu cho phép các bác sĩ và nha sĩ mở lại phòng khám. Các phòng khám nha khoa đã mang lại 245.000 công việc vào tháng 5 kể từ khi phải đóng cửa hồi đầu năm nay.

Làn sóng thuê các cửa hàng phụ kiện và quần áo, các đại lý điện thoại di động và các cửa hàng buôn bán nói chung đã giúp ngành bán lẻ có thêm 360.000 việc làm.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng có một ngày tràn ngập sắc xanh khi chứng kiến sự tăng điểm đầy bất ngờ sau báo cáo về tỷ lệ việc làm. Theo CNBC, Nasdaq Composite là chỉ số đầu tiên trong 3 chỉ số chính tăng trở lại khi tăng lên 2 %, tương đương với 198,27 điểm lên 9.814,08 điểm vào ngày 5/6 và lập kỷ lục trong ngày với 9.845,69 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng tăng 829,16 điểm, tương ứng với 3,1% lên 27.110,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, tương ứng với 81,58 điểm lên 3.193,93 điểm.

Đằng sau sức bật “phi thường” của nền kinh tế Mỹ

"Những số liệu ngày hôm nay cho thấy nền kinh tế Mỹ vững vàng hơn mong đợi. Chắc chắn các tín hiệu ban đầu này cho thấy việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã bắt đầu hàn gắn được những tổn thất của thị trường lao động", Seema Shah, trưởng chiến lược gia tại Principal Global Investors nhận định với Business Insider.

Trong khi đó, Jim Cramer - một nhà phân tích của CNBC thì cho rằng: "Chúng ta đã quay trở lại. Tôi nghĩ có nhiều người cảm thấy rằng tình trạng bị sa thải sẽ kéo dài vĩnh viễn nhưng rõ ràng là có quá nhiều nhu cầu khiến các chủ doanh nghiệp phải đưa người lao động trở lại".

Các nhà kinh tế sau khi xem xét các chỉ số Dow Jones đã dự báo rằng số lượng các công việc phi nông nghiệp sẽ giảm 8,3 triệu và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 19,5% so với con số 14,7% của tháng 4, tương đương với 20,7 triệu công việc bị "bốc hơi".

"Nhiều người nghĩ đây là khoảnh khắc lịch sử bắt đầu thời kỳ suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệp 20%".

Dù vậy, khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 giảm xuống 13,5%, nhà phân tích này đánh giá: "Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức gần 13,5% nhưng bạn sẽ phải khen ngợi con số 13,5% nếu so với con số 20% như dự báo".

Eric Winograd - một nhà kinh tế học hàng đầu của AB nhận định: "Dường như các doanh nghiệp bắt đầu thuê lại người lao động sớm hơn và với số lượng lớn hơn mong đợi, một xu hướng có thể còn tiếp tục khi lệnh phong tỏa chấm dứt trên toàn quốc. Nói rõ ra thì thị trường lao động còn lâu mới quay lại bình thường nhưng tốc độ tiến triển này nếu được duy trì thì sẽ cho chúng ta thêm lý do để hy vọng vào nửa cuối năm nay so với những số liệu dự đoán trước đó.

"Điều này cho thấy sự suy thoái đã trôi qua và sự phục hồi đã bắt đầu", Mark Zandi - nhà kinh tế học trưởng tại Công ty Phân tích Moody đánh giá.

Rõ ràng, sự chuyển mình nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ đã làm dấy lên nhiều hy vọng cho các chuyên gia, các nhà đầu tư và cả các chính trị gia đang tranh cử.

Tỷ lệ việc làm ở Mỹ tăng lên trong tháng 5 chính là “cơn mưa” trong “nắng hạn” của Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ đang quay cuồng trong những cuộc khủng hoảng khiến cả đất nước sục sôi giữa bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã cận kề. nhận định cú bật kinh tế này sẽ "đưa nước Mỹ đến giai đoạn tăng trưởng trong dài hạn".

"Chúng ta sẽ quay trở lại với một nền kinh tế lớn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, không gì cần phải đóng cửa nữa và tôi cho rằng chúng ta sẽ có những tháng rất tuyệt vời phía trước".

Ông Trump gọi các báo cáo về việc làm của nước Mỹ là "một sự xác nhận cho tất cả những việc mà chúng ta đã và đang thực hiện", đồng thời khẳng định: "Ngày hôm này có lẽ là sự quay trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông Trump cũng tự khen ngợi mình là nhân tố chủ chốt với sức bật của nền kinh tế như một "tên lửa”.

Trong khi đó, Erica Groshen, một cựu ủy viên thuộc Cục Thống kê Lao động Mỹ, nay làm việc tại Trường Quan hệ Lao động và Doanh nghiệp thuộc Đại học Cornell cho rằng có một nhân tố quan trọng khác không nên bị bỏ qua để lý giải về xu hướng tăng việc làm trở lại này.

"Với tôi, một điều quan trọng rút ra được là thực sự thì các bước chính sách đã được thực hiện khá hiệu quả".

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 3,6 nghìn tỷ USD để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, trong đó bao gồm hàng trăm tỷ hỗ trợ cho các hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, các gói kích thích kinh tế, các khoản vay có thể miễn trả (forgivable loans) cho các doanh nghiệp nhỏ thuê nhân công cùng với một số khoản hỗ trợ cho chính quyền các bang và địa phương.

Vẫn chưa thể vội mừng

Dù nền kinh tế Mỹ đang đứng trước những tín hiệu khả quan nhưng Rachel Greszler, một chuyên gia tại Quỹ Di sản nhận định: "Trong khi cuộc khủng hoảng vẫn chưa qua đi, người Mỹ cần những cơ hội việc làm chứ không phải những sáng kiến đối phó với thất nghiệp. Quốc hội nên giảm dần các kế hoạch hỗ trợ ngân sách và sửa chữa những sai lầm về chính sách cũng như các gói kích thích kinh tế trước đây, vốn không có tác dụng đối với sự phục hồi kinh tế”.

Mức trợ cấp 600 USD hàng tuần với những hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp là một "điểm mắc kẹt" bởi con số này cho thấy số tiền trả cho những người thất nghiệp thậm chí còn cao hơn mức lương của nhiều người lao động thu nhập thấp. Do đó, những người theo tư tưởng bao thủ e ngại điều này có thể khiến việc quay lại làm việc trong đại dịch ít thu hút hơn.

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo, các báo cáo về việc làm quá tích cực có thể tạo nên tâm lý an tâm giả rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Trên thực tế, tình trạng việc làm ở một số cộng đồng tại Mỹ vẫn chưa được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp ở cộng đồng người da đen vẫn ở mức 16,8%, một tỷ lệ cao trong suốt thập kỷ qua.

Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp 13,5% vẫn cao hơn 1/3 so với tháng tệ nhất của thời kỳ Đại Suy thoái. Sự hồi phục nhanh chóng của những tổn thất tồi tệ nhất không có nghĩa là nền kinh tế sẽ quay trở lại mạnh mẽ như thời kỳ trước đại dịch.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng bất chấp là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với hơn 1,9 triệu người mắc bệnh và hơn 111.000 người tử vong (tính đến ngày 6/6), nền kinh tế Mỹ vững vàng hơn so với hầu hết các dự đoán trước đó. Mỹ đã chứng minh được phần nào khả năng nội tại cũng như sức bật trong những thời điểm cam go nhất của lịch sử.

Chẳng phải ngẫu nhiên, tỷ phú Warren Buffett từng thừa nhận rằng "nước Mỹ chưa từng phải đối mặt với bất kỳ điều gì tương tự như đại dịch Covid-19" nhưng Mỹ từng đối mặt và vượt qua "những vấn đề khó khăn hơn nhiều".

"Tôi vẫn tin rằng không gì có thể ngăn được nước Mỹ. Điều kỳ diệu, phép lạ mang tên nước Mỹ sẽ luôn chiếm ưu thế và lần này cũng vậy [...] Năm 2008 - 2009, con tàu kinh tế của chúng tôi đã trật khỏi đường ray nhưng lần này, chúng tôi sẽ đưa con tàu đó quay lại đúng hướng", tỷ phú Mỹ khẳng định./.

Kiều Anh/VOV.VN
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ly-giai-cu-bat-bat-ngo-trong-thoi-diem-cam-go-cua-nen-kinh-te-my-1056691.vov