Lý giải điều lạ đằng sau cuộc chiến tên lửa giữa Ukraine và Nga
Các động thái trả đũa qua lại gần đây chủ yếu bao gồm việc Kiev sử dụng tên lửa đạn đạo do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga và Moskva phóng tên lửa thế hệ mới tấn công Ukraine. Nhưng điều lạ là không động thái nào có vẻ ảnh hưởng đến cuộc chiến trên bộ.
Những đám mây thấp trên thành phố sáng lên trong tích tắc, sau đó hàng chục đầu đạn phát sáng lao xuống từ bầu trời. Tiếng nổ không giống bất kỳ tiếng nổ nào mà người dân từng nghe thấy trước đây vang lên trên các con phố của Dnipro, thành phố miền trung Ukraine với dân số khoảng một triệu người.
Những diễn biến chính của cuộc tấn công vào sáng 21/11 đã sớm được công bố: Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung từ kho vũ khí được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân, mặc dù không có đầu đạn hạt nhân được gắn.
Cuộc tấn công của Nga gây ra ít thiệt hại, nhưng nó đã khép lại một tuần chóng mặt những động thái ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến ở Ukraine, chuyển trọng tâm xung đột từ các cuộc tấn công trên bộ sang một cuộc chiến tên lửa theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Trong hai ngày trước đó, Ukraine đã bắn các tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga. Ông Putin đã nói rõ rằng cuộc thử nghiệm tên lửa của Nga là để đáp trả những cuộc tấn công đó - một lời cảnh báo với phương Tây rằng hãy xem xét lại viện trợ quân sự cho Kiev.
Các cuộc đấu tên lửa tầm xa đã diễn ra song song với cuộc chiến ở tiền tuyến, nhưng có ít ảnh hưởng rõ rệt trên thực địa, cho thấy chúng phục vụ mục đích chính trị hơn là mục đích quân sự.
ATACMS khó giúp Ukraine thay đổi cục diện
Ukraine đang hy vọng đạt được lợi ích quân sự để tạo đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào. Moskva thì đang gia tăng các cảnh báo hạt nhân trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và cho biết ông có ý định làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.
Tại Ukraine, cuộc tấn công vào Dnipro đã gây ra sự lo lắng, nhưng khi kết thúc, nó đã không thay đổi nhiều trong cuộc chiến: Các nhà phân tích cho biết cả tên lửa do Mỹ cung cấp mà Ukraine mới được phép bắn vào Nga cũng như tên lửa thử nghiệm mà Nga phóng đáp trả đều không đủ số lượng để có tác động quân sự đáng kể.
Nhưng nhìn chung, Ukraine vẫn ở thế bất lợi đáng kể trên chiến trường, nơi lực lượng ít ỏi của họ đang dần phải rút lui trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga.
Ngay cả với sự cho phép mới từ các đồng minh để tấn công sâu hơn vào Nga, "Ukraine đang nhanh chóng tiến đến điểm mà nếu không giải quyết được vấn đề nhân lực, thì họ sẽ phải vật lộn để bảo vệ toàn bộ mặt trận" - Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một nhóm phân tích liên kết với quân đội Anh, đánh giá về triển vọng của Ukraine. Phân tích của RUSI cho biết nếu không có thêm binh lính, "sự sụp đổ trong các vị trí chiến đấu sẽ diễn ra nhanh hơn".
Các cuộc tấn công của Nga hôm 23/11 đã lan đến vùng ngoại ô của một thành trì khác của Ukraine, Velyka Novosilka, theo bản đồ chiến trường. Và sau nhiều tuần giao tranh, quân đội Nga đã gần bao vây thị trấn Kurakhove, một thành trì khác của Ukraine.
Động lực của Nga khi triển khai tên lửa mới
Phát biểu hôm 23/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng ông Putin đã tính toán thời điểm cho cuộc tấn công vào 21/11.
"Tôi chắc chắn rằng ông ấy muốn đẩy chúng tôi ra khỏi đây (Kursk) trước ngày 20/1/2025", ông Zelensky nói, "Điều rất quan trọng đối với ông ấy là chứng minh rằng ông ấy đang kiểm soát tình hình".
Valentyn Badrak, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Nga, phát biểu trên truyền hình Ukraine: “Ông Putin muốn gây ảnh hưởng đến ông Trump và mặc cả nhiều hơn nữa”.
Trong suốt mùa thu, phương Tây cáo buộc quân đội nước thứ ba đã bắt đầu đến Nga, trong đó một phần lớn được triển khai cho chiến dịch tại Kursk, nhằm trục xuất lực lượng Ukraine xâm phạm biên giới và đang chiếm giữ một phần lãnh thổ Nga.
Các quốc gia phương Tây coi việc Nga đưa quân chiến đấu từ một quốc gia thứ ba tham gia là lý do chính đáng để cho phép Ukraine sử dụng một loại tên lửa đạn đạo của Mỹ có tên là ATACM (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) để bắn vào Nga, mặc dù thỏa thuận chỉ giới hạn ở khu vực mà quân đội bên thứ ba được triển khai. London cũng nhanh chóng theo bước Washington với việc mở quyền bắn tên lửa hành trình Storm Shadow vào Nga.
Ukraine không mất nhiều thời gian để tung đòn đầu tiên, tấn công kho đạn dược của Nga bằng tên lửa đạn đạo của Mỹ và vào một sở chỉ huy bằng tên lửa hành trình của Anh.
Nga đã phản ứng bằng cách chính thức hóa một học thuyết mới, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, sau đó bắn thử tên lửa Oreshnik. Tuy nhiên, các nhà phân tích Ukraine cho biết thiệt hại sau cuộc tấn công có vẻ không đáng kể.
Đòn tấn công mang tính cảnh báo
Roman Kostenko, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo tại Quốc hội Ukraine, cho biết chính quyền Ukraine đang điều tra xem tên lửa của Nga có chỉ mang đầu đạn giả hay không. Nếu đầu đạn phát nổ, chúng chỉ phát nổ với lực rất nhỏ, ông nói.
Ông Kostenko chỉ vào một bức ảnh cho thấy một hố bom do tác động của cuộc tấn công gây ra. Nó rộng khoảng 2 mét, trên một vỉa hè vẫn phủ đầy lá mùa thu và không có thiệt hại nào khác có thể nhìn thấy ở gần đó. Theo ông, hố bom nhỏ này cho thấy một vật thể đã đâm xuống đất bằng lực mạnh, nhưng không nhất thiết phải phát nổ.
Ông Kostenko nói rằng "nếu tên lửa rỗng thực sự được bắn, chúng ta nên hiểu đó hoàn toàn là một cuộc tấn công" mang tính cảnh báo, không có mục đích quân sự thực sự.
Ukraine hiện không có hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn các tên lửa như vậy. Hôm 22/11, Tổng thống Zelensky cho biết bộ trưởng quốc phòng của ông đã yêu cầu các đối tác phương Tây bổ sung thêm hệ thống để chống lại các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Trong khi đó, các tên lửa của Mỹ mà Ukraine được phép phóng vào Nga sẽ có một số tác động. Họ đã buộc Nga phải di chuyển máy bay khỏi các sân bay gần biên giới và có thể giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở Kursk.
Nhưng một số nhà phân tích quân sự cho biết Ukraine có quá ít ATACMS để có thể gây tổn hại đáng kể đến hậu cần quân sự của Nga gần biên giới. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng trăm đơn vị ATACMS và một số ước tính cho thấy số lượng còn lại chỉ không đầy 100.
"Mỹ không thể cung cấp cho chúng tôi số lượng cần thiết", Đại tá Serhiy Hrabsky, một nhà bình luận về cuộc xung đột Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Theo ông, hiện tại, những tên lửa này không thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến.