Lý giải hiện tượng mưa đá dày đặc chưa từng có, phủ trắng khắp nơi như tuyết ở Lai Châu

Chuyên gia khí tượng nhận định thời gian tới có thể tiếp tục xuất hiện những trận mưa rào và dông, khả năng kèm theo mưa đá như tối 2/3.

Liên quan đến tình hình mưa đá ở tỉnh Lai Châu, chuyên gia khí tượng nhận định đã tìm ra nguyên nhân xảy ra hiện tượng này. Theo chuyên gia khí tượng, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu, bao gồm các hạt băng có kích thước khác nhau.

Lai Châu xuất hiện mưa đá dày đặc, phủ trắng đường đi và mái nhà vào sáng 3/3. Ảnh: Fanpage Lai Châu.

Lai Châu xuất hiện mưa đá dày đặc, phủ trắng đường đi và mái nhà vào sáng 3/3. Ảnh: Fanpage Lai Châu.

Hầu hết vùng miền ở nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, miền Bắc lại thường phải chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về kết hợp với gió hội tụ tây nam trên cao. Chính sự kết hợp này hình thành nên mưa đá.

Hiện tượng mưa đá cũng thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và dông, kèm theo mưa đá.

Cơn mưa đá lịch sử ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Cơn mưa đá lịch sử ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Những ngày cuối tháng 2, miền Bắc đã đón một đợt nắng ấm lên đến 27-29 độ C, một số thời điểm oi nóng như mùa hè. Vì vậy, khi có tác động của không khí lạnh mang theo hơi ẩm tràn xuống đột ngột, khu vực xảy ra hiện tượng mưa dông, sấm chớp và một số nơi xảy ra mưa đá.

Về lượng mưa đá dày đặc ở Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc, do đêm 2/3 và sáng 3/3 các tỉnh miền Bắc có đợt không khí lạnh tăng cường yếu tạo vùng hội tụ gió trên cao phát triển mạnh. Mây đối lưu phát triển mạnh vượt qua nhiệt độ thấp tạo thành mưa đá. Hiện tượng mưa đá ở Lai Châu là chưa từng thấy từ trước tới nay bởi số lượng mưa đá rất lớn.

Trên Zing, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), cho biết đợt không khí lạnh này khá yếu và chỉ gây rét cho các tỉnh miền Bắc trong 1-2 ngày. Nền nhiệt thấp nhất tại đồng bằng ở ngưỡng 14-17 độ C, trạng thái mưa rét kéo dài đến hết ngày 4/3.

Đến ngày 5/3, mưa giảm và nhiệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh. Những ngày sau đó, khu vực tiếp diễn kiểu thời tiết nắng ấm và đến ngày 9/3, nền nhiệt tại đồng bằng có thể tăng lên ngưỡng 29-32 độ C. Một số nơi ở Tây Bắc Bộ khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ khi nhiệt độ lên đến 33-35 độ C.

"Xu hướng nhiệt độ cao, sau đó là các đợt không khí lạnh có độ ẩm lớn ảnh hưởng ngắn ngày sẽ gây ra sự xáo trộn không khí mạnh mẽ. Trong tháng 3, khu vực có thể tiếp tục xuất hiện những trận mưa rào và dông, khả năng kèm theo mưa đá như tối 2/3", ông Năng cho biết.

Mưa đá làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Mưa đá làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Nói thêm về hiện tượng này, ông Phàn A Long, Chủ tịch UBND xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho Nhịp sống Việt biết, vào khoảng 8h40 phút sáng 2/3 trên địa bàn xã xảy ra tình trạng mưa đá. Đến khoảng 9h20 phút thì tạnh mưa.

Theo đó, cơn mưa đá đã phủ dày đặc khắp nơi từ sân nhà ra đường phố. Đá đóng lại thành 1 lớp dày trắng xóa như tuyết, nhiều người chia sẻ đây là cơn mưa đá lớn chưa từng thấy tại địa phương này.

Không những thế, cũng theo hình ảnh được người dân Lai Châu chia sẻ, mưa đá còn phá hoại không ít rau màu và tài sản của người dân.

Cũng do mưa đá, việc đi lại, tham gia giao thông đã gặp nhiều khó khăn hơn do trơn trượt. Một số người cho rằng có lẽ phải chờ trời nắng để đá tan ra thì sinh hoạt của người dân mới có thể trở về như cũ.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ly-giai-hien-tuong-mua-da-day-dac-chua-tung-co-phu-trang-khap-noi-nhu-tuyet-o-lai-chau-20200304084251308.htm