Lý giải hiện tượng thanh niên châu Á rút lui khỏi thế giới thực tại
Hikikomori trong tiếng Nhật là những người tách mình ra khỏi xã hội, đôi khi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện ở châu Á và ước tính có hơn 1,5 triệu hikikomori sống ở Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Vậy hiện tượng này do đâu và liệu có thể đảo ngược trong bối cảnh ngày càng già hóa dân số?
Tự áp đặt ở thiếu niên Hồng Kông
“Tôi cảm thấy rất chán nản, bối rối, không biết mình muốn gì nữa” - Charlie (19 tuổi, người Hồng Kông - Trung Quốc) nói. Charlie bắt đầu sống thu mình từ lúc 15 tuổi sau khi tranh cãi với một giáo viên và tình cờ nghe các bạn cùng lớp chỉ trích. Lúc đầu Charlie cố gắng đến trường 1 hoặc 2 lần/tuần, nhưng đến năm 2019 cậu đã hoàn toàn nhốt mình trong phòng ngủ.
Trong 4 tháng liền, chàng trai này không trả lời tin nhắn của bạn bè hay tâm sự với bất cứ ai, cảm giác không ai có thể hiểu được mình. Thỉnh thoảng lắm cha mẹ Charlie mới giục cậu ra ngoài hoặc đi học. Charlie cùng bố mẹ và bà ngoại sống chung trong một căn hộ nhỏ. Cậu nằm chung giường tầng với bà ngoại và cả ngày vùi mình trong chăn, thậm chí còn dùng bữa trên giường, chỉ đứng dậy đi vệ sinh và mang bát đĩa vào bếp. Giống như nhiều hikikomori, thanh niên này ngủ cả ngày và thức dậy vào lúc hoàng hôn. Rồi đến đêm, khi cả nhà đi ngủ, cậu lại dành hàng giờ lướt điện thoại.
Theo Phó Giáo sư Paul Wong của Đại học Hồng Kông, ước tính có tới 50.000 hikikomori sống ở đặc khu này. Họ chủ yếu là học sinh cấp 2 và cấp 3. Ông Paul Wong cho rằng, nhiều bậc cha mẹ ở Hồng Kông quá tập trung vào kết quả học tập đến mức con cái họ không làm “bất cứ điều gì ngoài việc học”. Khi học sinh tự cô lập mình, phụ huynh mắng mỏ, thậm chí trừng phạt, điều này chỉ đẩy các em đi xa hơn.
Ah Mun (30 tuổi) hiện đang làm việc tại trung tâm dịch vụ xã hội của nhà thờ, cũng từng có khoảng thời gian suốt 3 năm vùi mình trong phòng ngủ. Có lúc bố mẹ anh cắt Internet, hy vọng con mình ra ngoài nhưng không có tác dụng. “Sau một thời gian, dù muốn đi ra ngoài, nhưng tôi không dám… vì không có can đảm” - anh kể. Một lần, em gái Ah Mun liên hệ với một nhà thờ chuyên giúp đỡ những thanh niên bị cô lập.
Ban đầu, Ah Mun ngại gặp mặt người ngoài, nhưng sau khi các nhân viên xã hội nhiều lần đến thăm, anh mạo hiểm rời khỏi phòng mình. “Lần đầu tiên tôi bước ra ngoài, cảm giác rất mới lạ… mọi nơi đều trông khác hẳn”. Đó là 6 năm trước và phải mất 1 năm thanh niên này mới hồi phục hoàn toàn. Giờ đây, Ah Mun đã giúp những hikikomori khác thoát khỏi sự cô lập do chính họ tự áp đặt.
Gánh nặng với đàn ông Nhật Bản
Khi cha mẹ Toyoaki Yamakawa lâm bệnh, anh chuyển từ Tokyo về quê nhà Fukuoka để chăm sóc họ. Là con một, anh đột nhiên cảm thấy “gánh nặng lớn” khi chăm sóc họ, bao gồm cả vấn đề tài chính. Theo thời gian, anh rút lui và ở trong nhà suốt 5 năm, bắt đầu từ tuổi 35.
“Lúc đầu, tôi nhốt mình trong phòng ngủ. Tôi không còn sức để làm bất cứ điều gì nên hầu như chỉ ngủ cả ngày” - Yamakawa kể. Vợ anh đề nghị anh chỉ cần chuẩn bị bữa ăn và đổ rác, ít ra có “vai trò gì đó trong nhà”. “Nhờ điều này, tôi tin rằng mình đã không trở thành một người không thể hoặc sẽ không làm bất cứ điều gì” - anh nói. Nhưng sau đó, Yamakawa có dũng khí để thoát ra khỏi sự cô lập nhờ có những sở thích mới. Khi chơi game, anh được người khác khen ngợi khả năng.
Anh bắt đầu trồng cây, tạo ra khu vườn nhỏ có hoa, thảo mộc, trái cây và thậm chí cả các loại rau. Yamakawa cũng thích làm tất cả các loại món ăn, từ bánh bao, sashimi cho đến bột bánh pizza. “Khi tôi bắt đầu quan tâm đến nhiều thứ khác, tôi tự nhiên đi ra ngoài và năng lượng của tôi được phục hồi” - Yamakawa nhớ lại.
Giống như Yamakawa, nhiều hikikomori trưởng thành ở Nhật Bản rút lui sau khi mất việc hoặc gặp khó khăn để chu cấp cho gia đình. Phó Giáo sư Teppei Sekimizu tại Đại học Meiji Gakuin cho biết, xu hướng này phản ánh những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn như chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và mức lương trì trệ ở Nhật Bản. Một cuộc khảo sát gần đây của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, nước này có gần 1,5 triệu hikikomori. Không giống như những hikikomori tuổi teen ở Hồng Kông, những hikikomori ở Nhật Bản có độ tuổi rộng hơn nhiều. Theo ông Sekimizu, một số bậc cha mẹ ở độ tuổi 80 được cho là phải hỗ trợ “con trẻ” hikikomori ở độ tuổi 50.
Phó Giáo sư Takahiro A.Kato tại Đại học Kyushu cho biết, đàn ông Nhật Bản đặc biệt gặp áp lực về việc phải làm việc chăm lo cho gia đình. Những người thất bại sẽ xấu hổ và nghĩ rằng mình không đủ giỏi. Yamakawa cũng cho rằng, các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản đã góp phần khiến anh bị cô lập, chẳng hạn như quan niệm ai đó không nên làm phiền người khác. “Tôi cảm thấy áp lực vì là con trai duy nhất nên phải tự chăm sóc bố mẹ mà không cần nhờ người khác giúp đỡ” - anh nói.
Phó Giáo sư Sekimizu cũng nói rằng, cách gia đình phản ứng với hikikomori rất quan trọng. Nếu các thành viên trong gia đình hỗ trợ về mặt tinh thần, hikikomori có thể tái hòa nhập xã hội dễ dàng hơn. Nhưng nếu gia đình “đổ lỗi cho người đó”, hikikomori có thể sẽ cắt đứt các mối quan hệ của họ, cảm thấy buộc phải tìm một nơi để chỉ ở một mình. Về điều này, Yamakawa cho biết, thời gian đó cha mẹ anh cho rằng anh là người lười biếng và “yếu đuối về tinh thần”.
“Tôi cảm thấy lo lắng và cay đắng vì không thể làm gì được” - anh nhớ lại. Một điều giúp anh ấy hồi phục là “bảng mục tiêu” về những gì mình muốn đạt được mỗi ngày, mỗi tuần, tháng và năm… Năm nay 44 tuổi, Yamakawa đã thành lập tổ chức riêng của mình để giúp đỡ những hikikomori khác. Với người đàn ông này, những năm tháng đó thật khó khăn, đặc biệt là đối với gia đình anh, nhưng điều đó đã khiến anh thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Độ nhạy cảm ở một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc
Sung O-hyun (32 tuổi) là một hikikomori vì đã sống ẩn dật khoảng 5 lần vì nhiều lý do khác nhau. Lần rút lui xã hội đầu tiên của Sung O-hyun là ở trường cấp 2, khi anh nghỉ học và không rời khỏi nhà trong 1 tháng. Ở tuổi 27, anh gặp thất bại trong công việc và lại rút lui đến một nơi an toàn.
“Tôi thất vọng về bản thân rất nhiều, chán nản và mất tự tin để làm việc trở lại nên chỉ nhốt mình trong phòng” - Sung O-hyun nói. Sống cùng gia đình, anh cảm thấy xấu hổ khi gặp họ nên chỉ rời khỏi phòng để ăn hoặc đi vệ sinh khi họ đã ra khỏi nhà hoặc đi ngủ. Thấy bản thân gặp khó khăn, Sung O-hyun tìm kiếm hikikomori trên mạng và tình cờ gặp công ty K2 International của Nhật Bản, chuyên hỗ trợ những thanh niên không chịu đến trường, xa lánh xã hội hoặc có vấn đề về phát triển.
Họ có một chương trình sống chung ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc. Anh tham gia chương trình vào năm 2019. Tại ngôi nhà chung có 9 cư dân, cuộc sống được thiết kế để những người ẩn dật gắn kết với nhau, khuyến khích sự tương tác xã hội. Họ làm nhiều việc cùng nhau như cùng xem phim, cùng ăn, cùng trò chuyện, chia sẻ những khó khăn. Nhưng rồi, Sung trở lại căn nhà chung lần nữa vào năm 2023 sau một thời gian sống ẩn dật khác.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Y tế và xã hội Hàn Quốc, vào năm 2022, 2,4% người Hàn Quốc từ 19 - 34 tuổi sống ẩn dật, tương đương khoảng 244.000 người. Phó Giáo sư tâm lý học Hur Ji-won tại Đại học Hàn Quốc cho biết, nhiều người thuộc thế hệ trẻ có xu hướng cầu toàn, lại nhạy cảm với những lời chỉ trích, phê bình và sợ thất bại. Năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua quy định về hỗ trợ tài chính cho một số thanh niên ẩn dật đủ điều kiện, bao gồm chi phí sinh hoạt lên tới 650.000 won (475 USD)/tháng để giúp họ “tái hòa nhập xã hội”.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, sự phát triển của Internet và sự suy giảm tương tác mặt đối mặt có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu. Phó Giáo sư Takahiro A. Kato cho biết, theo thời gian, việc tự cách ly trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng có vẻ không còn quá bất thường. “Trong tương lai, giả sử vào năm 2050, sau nhiều sự kiện như đại dịch và chiến tranh, việc không ra ngoài có thể trở thành điều bình thường. Tôi nghĩ việc trở thành một hikikomori sẽ trở thành một lối sống trong tương lai” - ông Takahiro A. Kato dự đoán. Nhưng liệu điều đó có khiến người bằng lòng chấp nhận hay cần ra tay ngăn chặn sớm?
Theo CNN