Lý giải nguyên nhân bệnh viện ở TPHCM thiếu thuốc và vật tư y tế
Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì buổi làm việc với các bệnh viện tại TPHCM về tình hình khám chữa bệnh, cung ứng thuốc và vật tư y tế.
Thiếu thuốc cục bộ, tùy thời điểm
Giám đốc các bệnh viện khẳng định việc thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra cục bộ, tùy thời điểm, tùy mặt hàng, nhưng nhìn chung có một số khó khăn nhất định.
Ở nhóm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, PGS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, thực trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối do người bệnh đổ dồn lên là một bất cập. Bởi lẽ, bệnh viện tuyến cuối sẽ điều trị chuyên sâu chứ không khám chữa bệnh cơ bản. Những bệnh như mãn tính không lây (tiểu đường, tăng huyết áp,...) cần thăm khám ở tuyến cơ sở, tránh gây áp lực cho tuyến trên và khiến người dân chờ đợi mệt mỏi.
Theo TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, gần đây, lượng bệnh có xu hướng tăng khoảng 11-12% so với trước khiến bệnh viện bị động trong đảm bảo cung ứng. TS Nguyễn Quốc Bình phân tích, nếu dự trù thuốc cho khoảng 1.000 bệnh nhân trong 3 tháng mà bệnh nhân tăng cao, thuốc sẽ phải sử dụng và hết sớm. Cũng có tình huống, dù có hợp đồng nhưng đơn vị trúng thầu không giao hàng kịp nên thiếu một số loại thuốc. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khoảng 10-25% các danh mục thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế không đáp ứng được do đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là khó khăn chung của các cơ sở y tế trên cả nước.
Các bệnh viện tại TPHCM cũng đối mặt một số vấn đề. BS Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết, bệnh viện đang đảm bảo thuốc và vật tư y tế một cách tương đối. Khó khăn nhất của bệnh viện này là thiếu dụng cụ kết hợp xương, mặc dù đã tổ chức mua sắm trực tiếp nhưng không đáp ứng đủ. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã báo cáo Sở Y tế TPHCM, trước mắt điều chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A, Bệnh viện Nguyễn Trãi. Song song đó, bệnh viện tiến hành đấu thấu rộng rãi giữa tháng 8 và sẽ đáp ứng được.
Quá tải gây áp lực đến cung ứng thuốc, vật tư y tế
Với cơ sở y tế tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhân/ngày, TS.BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nhận định, tình hình cung ứng thuốc và vật tư y tế đang tốt hơn so với năm 2022-2023. Tuy nhiên, bệnh viện này có công nợ nhiều nên đối với một số thuốc độc quyền, doanh nghiệp không tham gia thầu hoặc tham gia cung ứng thuốc nhỏ giọt. BS Vũ Trí Thanh dẫn chứng, có thời điểm bệnh viện không có thuốc gây tê tủy, phải chuyển sang gây mê cho sản phụ, ảnh hưởng chất lượng điều trị. Mặc dù bệnh viện đã gặp gỡ nhà cung ứng để giải quyết nhưng sau đó vẫn rơi vào tình hình cũ. Ngoài ra, một số vật tư, hóa chất dù trúng thầu nhưng chất lượng không đảm bảo.
“Bệnh viện từng gặp tình huống với chỉ tan dùng khâu tầng sinh môn, kim thì cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày đã đứt trong khi vết thương chưa kịp lành. Còn với hóa chất sát trùng, bệnh viện tiến hành cấy ngay trên dung dịch sát khuẩn mà vi khuẩn vẫn mọc", BS Vũ Trí Thanh giãi bày. Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho rằng, bệnh viện đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ việc nhiều, cán bộ tham gia chấm thầu vừa thiếu người vừa không có kinh nghiệm, tâm lý e ngại sau một số vụ việc liên quan đến đấu thầu. Ngoài ra, vật tư y tế hiện không phân nhóm nên trong quá trình chấm thầu, chỉ cần mô tả kỹ thuật khác một chút thì cán bộ không dám chọn nhà thầu nào. Khi công bố kết quả lại có nhiều ý kiến phản hồi, bệnh viện lại phải dừng để xem xét.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận, vấn đề thuốc, vật tư cung ứng là áp lực lớn với các bệnh viện do tình trạng quá tải, có hiện tượng đẩy người bệnh từ tuyến dưới lên hoặc từ cơ sở này sang cơ sở khác. Bên cạnh đó, một số tỉnh thành hạn chế mua sắm nên người bệnh dồn lên các bệnh viện tại TPHCM, nhất là với chuyên khoa tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Sở Y tế TPHCM đã nắm bắt tình hình mỗi tuần, đưa ra giải pháp, hỗ trợ điều chuyển thuốc, tổ chức mua sắm cung ứng kịp thời cho người bệnh. Sở Y tế TPHCM cũng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các bệnh viện trong mua sắm điều phối thuốc.