Lý giải nguyên nhân lọc gió vẫn sạch mà điều hòa ô tô không mát

Lọc gió của điều hòa chỉ có tác dụng lọc bụi bẩn nên khi bộ phận này sạch không có nghĩa hệ thống điều hòa ô tô vẫn mát.

Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân làm cho điều hòa không mát như: Thiếu ga, giàn nóng bị bám nhiều bụi bẩn không thể giải nhiệt, quạt giàn nóng không chạy hoặc có chạy nhưng yếu, giàn lạnh đóng bụi thành mảng dày đặc nên quạt không thể thổi không khí qua, lốc lạnh của hệ thống điều hòa chạy yếu hoặc bị hỏng hay bộ cảm biến nhiệt...

Do đó, khi thấy lọc gió điều hòa sạch mà xe không mát hoặc điều hòa có mùi khó chịu, chủ xe cần đưa xe đến các đại lý ô tô, các trung tâm dịch vụ, bảo dưỡng để được các kỹ thuật kiểm tra, xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý.

Nguyên nhân khiến điều hòa ô tô không mát

Mặc dù đã bật điều hòa với chế độ cao nhất nhưng điều hòa ô tô vẫn không mát hoặc mát kém. Vậy nguyên nhân tại sao?

Nên kiểm tra, bảo dưỡng điều hòa ô tô thường xuyên. (Ảnh minh họa).

Nên kiểm tra, bảo dưỡng điều hòa ô tô thường xuyên. (Ảnh minh họa).

Dàn nóng và dàn lạnh bị bẩn

Nếu bạn thấy điều hòa ô tô không mát sâu thì có thể do dàn nóng và dàn lạnh bị bẩn. Việc dàn nóng bẩn sẽ dẫn đến tỏa nhiệt kém, giảm hiệu quả làm mát của gas, nếu dàn lạnh bị bẩn sẽ khiến không khí lạnh không lan tỏa được ra xung quanh để tỏa ra khoang xe. Gặp phải trường hợp điều hòa ô tô không mát sâu bạn cần xịt rửa dàn nóng và dàn lạnh sạch sẽ.

Lọc gió điều hòa bám bụi

Bụi bẩn bám vào lưới lọc không được vệ sinh thường xuyên là một trong những nguyên nhân khiến điều hòa ô tô không mát. Do đó, cần kiểm tra tấm lọc gió điều hòa và vệ sinh tấm lọc để đảm bảo khả năng làm mát của hệ thống luôn ổn định. Bên cạnh đó, người dùng nên thay lọc gió sau mỗi khoảng 16.000 đến 24.000 km.

Trường hợp xe thường xuyên vận hành trong môi trường nhiều khói bụi thì nên vệ sinh lọc gió hàng tuần và thay mới trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Thiếu gas, gas điều hòa bị rò rỉ

Điều hòa ô tô lúc mát lúc không hay điều hòa làm mát kém có thể do thiếu gas. Khi điều hòa ô tô hết gas bạn sẽ thấy mắt gas sủi đục lăn tăn nhiều bọt. Bạn cần kiểm tra và nạp thêm gas cho điều hòa ô tô, thậm chí có thể thay gas mới.

Nguyên nhân điều hòa ô tô không mát cũng có thể do gas điều hòa bị rò rỉ. Nếu phát hiện dấu hiệu xe bị rò rỉ gas cần mang đến các garage sửa chữa kiểm tra.

Nạp thừa gas lạnh

Nguyên nhân điều hòa xe ô tô không mát cũng có thể do nạp thừa gas lạnh. Nạp thừa gas lạnh, áp suất bình gas cao hơn bình thường khiến lốc lạnh bị ngắt. Để biết điều hòa có nạp thừa gas lạnh hay không thì bạn kiểm tra xem lốc lạnh có bị đóng ngắt liên tục không.

Phin lọc gas bị bẩn sẽ khiến hiệu quả lọc không cao, làm tắc nghẽn gas lạnh, thậm chí làm tắc nghẽn gas lạnh.

Rơ le nhiệt gặp vấn đề

Rơ le nhiệt gặp vấn đề khiến hệ thống bị tính toán sai lệch mức nhiệt. Do đó rơ le nhiệt gặp vấn đề cũng là một trong những nguyên nhân khiến điều hòa ô tô không mát. Chủ xe nên kiểm tra hệ thống điện cũng như rơ le để xác định nguyên nhân và khắc phục.

Đai máy nén bị hỏng

Điều hòa ô tô mất lạnh có thể do đai máy nén bị hỏng. Dây curoa trong máy nén có nhiệm vụ truyền động, giúp máy hoạt động, tuy nhiên khi nó gặp vấn đề sẽ ô tô sẽ không thể khởi động được và khiến điều hòa không mát.

Nguyên nhân khác cũng có thể do cầu chì bị cháy ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy nén. Đây là nguyên nhân khiến điều hòa ô tô dù khởi động nhưng không làm mát được.

Động cơ quá nóng

Điều hòa ô tô làm mát kém, điều hòa ô tô lúc mát lúc không có thể do động cơ quá nóng khiến quạt tản nhiệt hoạt động kém hiệu quả. Động cơ quá nóng khiến bộ phận bình ngưng tụ vận hành sai lệch, xe phát ra khí nóng, khả năng làm mát của điều hòa lúc được lúc không.

Như vậy, khi thấy điều hòa ô tô làm mát không sâu hay điều hòa ô tô không mát chủ xe có thể dựa vào những dấu hiệu trên để xác định bộ phận hư hỏng. Những trường hợp không thể khắc phục tại nhà, chủ xe có thể mang đến các gara chăm sóc xe hơi để kiểm tra, sửa chữa.

Cách sử dụng điều hòa ô tô đúng cách

Để đảm bảo thiết bị luôn hoạt động bền bỉ và hạn chế hư hỏng, chủ xe nên lưu ý những điều sau:

Bật điều hòa ô tô sau khi khởi động xe: Điều hòa ô tô sẽ giảm tuổi thọ nếu bạn bật điều hòa trước hoặc cùng thời điểm khởi động xe. Điều này khiến năng lượng của ắc quy bị tiêu tốn nhiều, dễ hư hỏng. Ngoài ra, khi di chuyển trong vùng ngập nước để tránh rác bẩn xâm nhập vào quạt gió, làm hỏng thiết bị, chủ xe nên tắt hệ thống điều hòa ô tô.

Vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên: Nếu xe thường xuyên di chuyển trong môi trường nhiều khói bụi, chủ xe nên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điều hòa thường xuyên để kịp thời xử lý hỏng hóc cũng như tiết kiệm được khối lượng lớn nhiên liệu tiêu thụ của xe.

Tắt điều hòa trước khi tắt động cơ: Điều này giúp xe tiết kiệm nhiên liệu và tránh sử dụng nhiều điện từ ắc quy. Bên cạnh đó, tắt điều hòa và mở cửa trước khi dừng xe khoảng 5 phút sẽ giúp cabin xe thông thoáng, hạn chế ẩm mốc và mùi hôi trong xe.

Chọn nhiệt độ và chế độ quạt gió phù hợp: Trong quá trình sử dụng điều hòa ô tô nên chọn nhiệt và chế độ quạt gió phù hợp tiết kiệm năng lượng. Để giảm tải cho hệ thống điều hòa nên kết hợp sử dụng điều hòa với quạt gió.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ly-giai-nguyen-nhan-loc-gio-van-sach-ma-dieu-hoa-o-to-khong-mat-ar882943.html