Lý giải phim Việt cay đắng doanh thu, phim Thái dễ thắng 62 tỷ đồng
Phim Thái 'Love Destiny: The Movie' đang dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt với 62 tỷ đồng. Giới chuyên gia cho rằng từ trường hợp này cần nhìn nhận về phim nội địa gần đây.
Đến sáng 22/9, tác phẩm điện ảnh Love Destiny: The Movie (tựa Việt: Ngược dòng thời gian để yêu anh) cán mốc doanh thu trên 62 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam. Đáng chú ý, trong top 10 bảng tổng sắp doanh thu hiện tại, không có bóng dáng của bất kỳ một bộ phim Việt nào.
Việc một bộ phim Thái thuộc thể loại rom-com (hài, lãng mạn) với kịch bản nhạt, thiếu chiều sâu, mạch phim lê thê nhưng lại trở thành hiện tượng phòng vé khiến cho giới làm phim, chuyên gia và không ít khán giả yêu điện ảnh trăn trở về thực trạng của phim Việt.
"Nếu nhìn theo hướng bi quan, việc khán giả quay lưng với phim Việt là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Câu chuyện này từng xảy đến một lần vào thập niên 1990 với sự sụp đổ của dòng phim mỳ ăn liền. Nền điện ảnh Việt hiện tại như những chú ếch nằm trong nồi nước sôi chậm nếu không có sự thay đổi đặc biệt về tư duy ở tầm hoạch định chiến lược vĩ mô", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn trao đổi với Zing.
Lý do phim rom-com Thái thắng lớn ở Việt Nam
Bàn về nguyên nhân Ngược dòng thời gian để yêu anh trở thành hiện tượng phòng vé tại Việt Nam với 62 tỷ đồng sau hai tuần công chiếu, đại diện CJ HK Entertainment - đơn vị phát hành tác phẩm - chia sẻ với Zing rằng tác phẩm hội tụ nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi", trong đó phải kể đến là thời điểm ra mắt.
Tác phẩm bắt đầu chiếu sớm từ ngày 2/9, trong bối cảnh các phim ngoại khác dừng lại ở mức trung bình, không phải đối đầu bom tấn và đặc biệt là chất lượng phim Việt quá tệ. Giữa một mặt bằng chung thấp, bộ phim rom-com có chút hài hước, duyên dáng và dễ chịu với khán giả nói chung bỗng trở thành điểm sáng doanh thu là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, phim rom-com của Thái vốn có lượng fan đông đảo từ phiên bản truyền hình trước đó nên nhận được sự ủng hộ từ công chúng ngay từ những ngày đầu thông báo chiếu tại Việt Nam.
"Nhờ sự sôi nổi của cộng đồng fan mà những khán giả bình thường cũng tò mò, muốn ra rạp để xem phiên bản điện ảnh hơn. Hơn nữa, một số content về phim trở nên viral mạnh mẽ sau khi phát hành. Các nhân vật trong phim cũng tạo được sức hút như nam phụ vai hoàng tử, chị hầu gái...", đại diện CJ HK Entertainment cho biết.
Dành thời gian theo dõi Ngược dòng thời gian để yêu anh, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho hay tác phẩm đến từ Thái Lan đang chạm đúng nhu cầu xem phim của khán giả Việt hiện tại. Anh nói ở góc độ của người xem, họ có thể thưởng thức tác phẩm điện ảnh một cách trọn vẹn, đủ thông điệp mà không cần quan tâm đến bản gốc trước đó.
Không những ở Việt Nam, ngay tại quê nhà Thái Lan, Love Destiny: The Movie cũng đạt mức doanh thu trên 10 triệu USD, thành tích ngang ngửa với nhiều tác phẩm bom tấn Hollywood khác. Vì thế, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đánh giá ê-kíp sản xuất phim đã thành công từ những điều đơn giản, "không cố tỏ ra phức tạp cuối cùng lại nhận thất bại như nhiều dự án khác".
"Việc đánh giá một bộ phim là tốt hay chưa tốt không phụ thuộc nhiều vào sự phức tạp của tình tiết. Mấu chốt nằm ở sự dụng công trong việc xây dựng nhân vật. Làm sao đủ để cho khán giả yêu mến nhân vật, bị lôi cuốn và theo dõi đến cuối tác phẩm. Có lẽ như vậy là đủ để trả lời vì sao phim Thái Lan đang thành công tại phòng vé Việt dù thời lượng khá dài", anh nhìn nhận.
Chung quan điểm, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho biết điện ảnh Thái Lan đang chọn cách sản xuất những bộ phim với mô típ đơn giản nhưng kịch bản tốt, diễn xuất của dàn cast có chất lượng ở các tuyến.
Các nhà làm phim Thái Lan có mục đích rõ ràng khi tạo ra những sản phẩm vừa chất lượng vừa ăn khách và có thể chinh phục khán giả nước bạn.
"Nhìn vào thành công của phim Thái ngẫm về thực trạng của điện ảnh Việt hiện tại. Phim Việt đa số gắn với những thông điệp lớn lao, thậm chí nếu chọn đề tài thuần giải trí, chất lượng cũng tệ. Điều đó dẫn đến tình huống phim 'nửa nạc, nửa mỡ'. Khán giả không đã khi xem phim giải trí Việt, còn nói về nghệ thuật thì chẳng đủ sâu sắc để khen", anh Phong Việt nói.
Khán giả quay lưng với phim Việt?
Bức tranh điện ảnh Việt trong 3 quý của năm 2022 nhìn chung khá ảm đạm. Chất lượng xuống dốc, doanh thu tỷ lệ nghịch với chi phí đầu tư, nhiều tác phẩm PR quá đà so với kết quả khiến cho niềm tin của khán giả về phim Việt ngày càng lung lay.
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng việc lựa chọn một tác phẩm nước ngoài để giải trí trong thời điểm này sẽ khiến khán giả bớt áp lực hơn so với việc mua vé vào rạp xem phim Việt.
Anh đánh giá thời gian qua, một bộ phim Việt ra mắt luôn đi kèm với quá nhiều tranh cãi, khen chê. Nguyên nhân đến từ chất lượng phim lẫn chiến lược truyền thông của nhà sản xuất, đơn vị phát hành. Điều hành vô hình trung trở thành "gánh nặng" tinh thần đối với nhiều khán giả yêu điện ảnh.
Tuy nhiên, Khoa Nguyễn nhìn nhận khán giả Việt không bao giờ quay lưng với phim Việt.
"Phim ảnh là một bộ phận của văn hóa. Lẽ dĩ nhiên, không có con người nào lại từ bỏ văn hóa bản địa của mình cả. Họ có thể khen chê, nhưng tận trong thâm tâm, việc xem một bộ phim Việt vẫn luôn là một nhu cầu thiết thân, không thể từ bỏ. Vậy nên, phim Việt nói chung và phim Việt chiếu rạp nói riêng, theo tôi, luôn có một chỗ đứng quan trọng trong lòng khán giả", anh cho biết.
Trái ngược với Khoa Nguyễn, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn có cái nhìn bi quan hơn về thực trạng điện ảnh Việt. Anh nói đánh giá khách quan, tỷ lệ phim tốt của Việt Nam còn thấp quá so với nước láng giềng.
Nếu giới làm phim không có sự thay đổi về chiến lược phát triển, đầu tư chất lượng tác phẩm, coi trọng yếu tố cốt lỗi, viễn cảnh về việc khán giả trong nước quay lưng với điện ảnh Việt là điều hoàn toàn có thể xảy đến trong tương lai gần.
Tương tự, anh Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Phim Việt bao năm qua vẫn gặp đúng trường hợp là số lượng phim tốt quá ít và dở quá nhiều. Từ đó, thị trường vừa khởi sắc về doanh thu và chất lượng phim một chút thì sau đó lại bị hàng loạt phim có chất lượng thấp kéo tụt xuống. Khán giả không quay lưng với phim Việt tốt. Họ chỉ quay lưng với phim Việt dở, và đó là điều rất bình thường suốt bao năm qua".
Thể loại rom-com không còn được nhà làm phim Việt ưa chuộng
Khoảng vài năm trở lại đây, thể loại phim rom-com không còn là lựa chọn của các đạo diễn, giới làm phim Việt. 1990 là phim hài, lãng mạn gần nhất ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán của đạo diễn Nhất Trung nhưng bị khán giả ngó lơ.
Theo Nguyễn Phong Việt, thể loại phim rom-com đòi hỏi nhà làm phim phải có sự tính toán kỹ lưỡng giữa ba yếu tố then chốt là hài hước, tình cảm và độ kịch tính. Ngoài ra, mẫu số chung của các phim rom-com ăn khách phụ thuộc phần lớn vào diễn xuất của diễn viên.
Tuy nhiên, hạn chế của diễn viên trong nước là một màu. Họ cứ thế mang màu sắc diễn xuất này áp dụng cho mọi thể loại vai. Kịch bản phim tốt luôn trong tình trạng khan hiếm.
Các nhà đầu tư, sản xuất chủ yếu đang chọn thể loại phim dựa theo sự trồi sụt của doanh thu phòng vé, ít quan tâm đến việc cùng nhau cố gắng tạo ra thị trường phim nội địa đa dạng về đề tài, thể loại.
Đạo diễn Khoa Nguyễn nhìn nhận thông thường, giới làm phim khi thấy một tác phẩm nào đó thắng lợi phòng vé, họ sẽ có khuynh hướng tạo ra những bộ phim tương tự, cùng thể loại. Khi dòng phim đó bị bão hòa, không có khả năng hút khách, nhà sản xuất lại nhảy qua một thể loại khác.
Vì thế, sau thắng lợi phòng vé của Ngược dòng thời gian để yêu anh, nam đạo diễn dự đoán, vài năm tới, nhiều nhà làm phim sẽ trở lại với thể loại phim rom-com sau sự thất bại bết bát của dòng phim kinh dị, hành động.
Theo đạo diễn Hữu Tuấn, thất bại của phim Việt không dừng lại ở thể loại. Dù rom-com hay kinh dị, hành động, điều then chốt là chất lượng tác phẩm.
"Tôi nghĩ rằng khán giả luôn chờ những phim như vậy để mua vé. Họ sẽ luôn coi thường những người làm phim kiểu chộp giật, láu cá, chỉ muốn móc túi người xem bằng sự lừa dối. Không có thể loại phim nào an toàn hay rủi ro cả. Chỉ có những người làm phim tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi tính sai bài toán kinh doanh, bỏ quá nhiều vốn vào một bộ phim không đủ nội lực chinh phục khán giả và cạnh tranh trên thị trường", anh tổng kết.