Lý giải tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt mục tiêu?
'Hiện hầu hết các tỉnh thành phố cũng đang nỗ lực hết sức để triển khai công tác tiêm chủng, tuy nhiên cũng có một số khó khăn như việc các cháu đã mắc Covid-19 trong thời gian qua phải trì hoãn 3 tháng mới có thể tiêm'- PGS-TS Dương Thị Hồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, độ bao phủ vaccine đối với những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng. PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW lý giải tiến độ tiêm chậm so với mục tiêu.
PV: Thưa bà, tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại các địa phương hiện nay như thế nào?
PGS Dương Thị Hồng: Hiện việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi đã được triển khai tại 63 tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Cho đến nay trên cả nước đã có trên 2 triệu trẻ được tiêm phòng. Theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine tiêm chủng cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi sẽ được triển khai cho trẻ từ độ tuổi cao xuống thấp, tức là các cháu học lớp 6 sẽ được tiêm chủng trước.
Hiện hầu hết các tỉnh thành phố cũng đang nỗ lực hết sức để triển khai công tác tiêm chủng, tuy nhiên cũng có một số khó khăn như việc các cháu đã mắc Covid-19 trong thời gian qua phải trì hoãn 3 tháng mới có thể tiêm.
Chúng tôi dự kiến trong tháng 5 này, sẽ tiêm chủng vaccine mũi 1 cho khoảng 4 triệu trẻ em. Và tiêm tiếp mũi 2 cho khoảng 2 triệu trẻ đã được tiêm vaccine Covid-19. Đến tháng 6 và tháng 7 sẽ tiêm cho các bé đã mắc Covid-19 trong thời gian tháng 3/2022. Với các bé đã tiêm mũi 1, chúng tôi sẽ tiếp tục tiêm mũi 2.
Mong muốn trong tháng 8, với tiến độ mà các địa phương đang thực hiện, trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm nốt mũi 2 vaccine và tiêm vét cho các bé hiện chưa đủ điều kiện tiêm chủng để đạt độ bao phủ vaccine cho trẻ em để phòng bệnh Covid-19.
PV: Theo bà, tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ chưa đạt được như kỳ vọng, nguyên nhân do đâu?
PGS Dương Thị Hồng: Hiện số lượng vaccine cung ứng cho các địa phương đang nhiều hơn số lượng vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ, nguyên nhân chính là hiện nay số lượng các cháu đã mắc Covid-19 trong thời gian vừa qua, các bậc phụ huynh chưa chấp thuận cho con đi tiêm chủng.
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trẻ đã mắc Covid-19 thì sau 3 tháng mới thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19. Thêm nữa, tâm lý của cộng đồng cũng như của cha mẹ hiện nay là bệnh dịch Covid-19 không còn nhiều ca mắc như trước đây, chính vì vậy, các bà mẹ cũng cân nhắc và quan ngại các phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra. Các mẹ đang chờ đợi để xem mức độ an toàn tiêm chủng ra sao rồi sau đó mới cho con đi tiêm.
Có một lý do nữa là các cha mẹ và cộng đồng vẫn còn tâm lý chủ quan vì thấy rằng các cháu bé bị Covid-19 có biểu hiện nhẹ và mức độ không trầm trọng. Tuy nhiên, các cha mẹ chưa lường hết được hậu quả của trẻ khi mắc Covid-19 mà chưa được tiêm chủng, đặc biệt là biến chứng viêm đa cơ quan sau mắc Covid-19. Các cha mẹ cũng như chưa lường được những biến thể của Covid-19 trong tương lai.
Chính vì những lý do trên, độ bao phủ vaccine đối với những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng.
PV: Cho đến nay, không ít phụ huynh vẫn còn cân nhắc việc tiêm cho con, về độ an toàn của vaccine và e ngại phản ứng sau tiêm, bà chia sẻ như thế nào về điều này?
PGS Dương Thị Hồng: Chúng tôi đã có dịp chia sẻ đối với các bậc cha mẹ trên các phương tiện thông tin đại chúng là đối với các phản ứng sau tiêm, các bà mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Các phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 ở nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi hoàn toàn tương tự như với nhóm trẻ lớn và người lớn. Các cháu chỉ gặp các phản ứng rất thông thường như sau khi tiêm các loại vaccine khác, đó là các phản ứng sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm.
Phản ứng toàn thân có thể gặp là sốt, hoặc khó chịu hay mệt mỏi một chút. Có cháu có biểu hiện chán ăn trong một khoảng thời gian ngắn và hầu như tất cả những biểu hiện này giảm dần theo thời gian và thường tự khỏi từ 1-2 ngày sau khi tiêm chủng.
Những phản ứng hiếm gặp chúng tôi đã đề cập là phản ứng phản vệ đối với cá thể cơ địa của mỗi bé cũng có thể xảy ra nhưng với tỷ lệ rất thấp chỉ có 1/1.000.000 liều vaccine sử dụng.
Phản ứng hiếm gặp nữa đó là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cũng rất rất hiếm gặp và cho đến nay chúng tôi cũng chưa ghi nhận phản ứng hiếm gặp này ở quốc gia nào sử dụng vaccine Covid-19 chia sẻ trên hệ thống báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như ghi nhận của nhà sản xuất.
Chương trình tiêm chủng mở rộng và Bộ Y tế đã tập huấn cách xử trí các phản ứng trầm trọng cho tất cả các cán bộ y tế thực hành tiêm chủng trong thời gian vừa qua kể cả tiêm chủng cho trẻ lớn và vừa rồi cũng được tập huấn để xử trí các phản ứng sau tiêm cho các cháu bé nên cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.
Có một điều tôi muốn chia sẻ với cộng đồng và các bậc cha mẹ, đó là thực tế với 2 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi trong thời gian qua, đặc biệt cho các cháu 11-12 tuổi chỉ ghi nhận các phản ứng thông thường và với tỷ lệ tương đối thấp từ 1-5% (theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tỷ lệ phản ứng thông thường có thể lên tới 30-50%).
Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận phản ứng nghiêm trọng nào trong nhóm trẻ từ 5-dưới 12 tuổi. Các nhân viên y tế luôn được nhắc nhở phải tư vấn kỹ, đầy đủ cho các bậc cha mẹ để theo dõi đúng sau khi tiêm và sẵn sàng xử trí những phản ứng bất thường cho trẻ sau tiêm khi quay lại các cơ sở y tế.
PV: Mục tiêu đến tháng 6, tất cả số trẻ đủ điều kiện và đồng ý tiêm chủng sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và dự kiến tiêm đủ 2 mũi cho gần 5,7 triệu trẻ. Đến tháng 8, sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện và đồng ý tiêm trong độ tuổi. Nếu so với tốc độ tiêm như hiện nay, mục tiêu này liệu có hoàn thành, thưa bà?
PGS Dương Thị Hồng: Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng mục tiêu này sẽ đạt được. Vaccine sẽ được cung ứng đầy đủ, đó là 2 loại vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna dành cho trẻ em theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất.
Hệ thống y tế cũng đã sẵn sàng để triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi từ công tác chuẩn bị, lập kế hoạch và phối hợp với ngành giáo dục để triển khai và các khâu đảm bảo cho công tác tiêm chủng
Như vậy, với công tác chuẩn bị tốt như vậy, việc tổ chức tiêm chủng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mà chúng ta đặt ra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Nhân đây, tôi muốn chia sẻ một điều rất quan trọng đó là để bảo vệ con em mình có kháng thể ổn định phòng Covid-19, đảm bảo được miễn dịch cộng đồng, để các cháu có thể tham gia điều kiện học tập ở trường, nhất thiết các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Đặc biệt, chúng ta cũng không thể lường hết được các biến thể của virus. Thực tế vừa qua cho thấy, vaccine là một công cụ rất hiệu quả giúp bảo vệ và phòng bệnh Covid-19. Giúp những người đã tiêm vaccine nếu mắc bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh này. Vì vậy chúng tôi tha thiết đề nghị, các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình đồng hành với ngành y tế, đồng thuận đưa các bé đi tiêm chủng để chủ động bảo vệ các cháu phòng bệnh Covid-19.
Chỉ với sự đồng thuận cao của các bậc cha mẹ, với sự sẵn sàng tổ chức triển khai tiêm chủng và công tác chuẩn bị nguồn vaccine cung ứng đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo được mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà./.