Lý giải trào lưu chiến thuật độc đáo của Euro 2020
Vòng chung kết Euro 2020 đang chứng kiến một xu hướng chiến thuật thú vị, đó là sự nổi lên của các mẫu sơ đồ 3 trung vệ.
Gốc gác của mẫu sơ đồ này có thể truy về tận giai đoạn 1900-1920. Thế nhưng, thập niên 1980 có lẽ là khoảng thời gian mà các mẫu sơ đồ 3 trung vệ nổi tiếng gần gũi hơn cả với bóng đá hiện đại.
Thường thì các nhà sử học bóng đá hay ghi nhận về Carlos Bilardo, vị huấn luyện viên đã cùng thiên tài Diego Maradona vô địch thế giới năm 1986. Khi ấy, Argentina đã chơi cực hay với sơ đồ 3 trung vệ.
Nhưng Bilardo không phải người đầu tiên, cũng không phải duy nhất. Ở châu Âu, có tới 2 cái tên khác cũng nhận rằng sơ đồ 3 hậu vệ hiện đại là sản phẩm của họ.
Người thứ nhất là Ciro Blazevic. Ông nổi tiếng với câu nói rằng, “3-5-2 được khai sinh vào năm 1982 bởi Ciro Blazevic”. Năm nay đã 83 tuổi, Blazevic được giới mộ điệu Croatia thân mến gọi là “HLV của mọi HLV”. Blazevic được coi là người đã khiến cho chiến thuật bóng đá vùng Balkans luôn phổ cập các sơ đồ 3 trung vệ, bất chấp trào lưu chung của thế giới.
Người thứ hai là ông Sepp Piontek, vị huấn luyện viên làm nên biệt danh “Thuốc nổ Đan Mạch” cho đội tuyển vùng Bắc Âu. Cựu tuyển thủ Tây Đức đảm nhiệm vai trò thuyền trưởng đội tuyển Đan Mạch suốt 11 năm từ 1979 đến 1990. Ảnh hưởng của ông lớn tới mức, ngay sau khi đăng quang tại Euro 1992, HLV trưởng Richard Møller Nielsen đã lập tức tri ân Piontek đầu tiên. Nielsen chính là trợ lý của Piontek trong suốt thời kỳ trước đó.
Quay trở lại với thời điểm hiện tại, Đan Mạch đang là đội bóng đáng yêu nhất của Euro 2020, khi họ đứng lên mạnh mẽ bất chấp tai nạn của nhạc trưởng Christian Erikssen. Một điểm đáng chú ý: Đan Mạch là một trong số 12 đội đang chơi với sơ đồ 3 trung vệ tại giải đấu năm nay, tức chiếm tới 50% tổng số đội!
Một trường hợp cũng đáng chú ý là đội tuyển Ý. Khi kiểm soát bóng, HLV Roberto Mancini yêu cầu hậu vệ trái Spinazzola dâng lên cao như tiền vệ, còn hậu vệ phải thì lại đứng thấp, vô hình trung khiến sơ đồ 4 hậu vệ trở thành 3.
Điều quan trọng là sơ đồ này được sử dụng để làm gì? Điểm khác biệt lớn của bóng đá hiện đại so với thời kì của Bilardo, Blazevic và Piontek là thể chất của cầu thủ. Ngày xưa, các hậu vệ sẽ chỉ đứng ở sân nhà, tiền vệ ở giữa sân và tiền đạo trên cao.
Ngày nay, các cầu thủ đủ thể lực để di chuyển nhiều hơn, khối đội hình luôn được giữ cự ly gần nhau hơn. Các hậu vệ cũng di chuyển vào phần sân đối thủ để làm bóng, các tiền đạo cũng lui về phòng ngự. Đây là lý do các điểm yếu cũ của mẫu sơ đồ 3 hậu vệ trong quá khứ dần bị xóa nhòa.
Một trong những điểm mạnh của sơ đồ 3 trung vệ mang lại, đó là khả năng mở rộng trên khắp chiều rộng sân. Đức đã thực hiện điều này xuất sắc, khi 2 cầu thủ chạy cánh là Gosens và Kimmich xé toang hàng thủ Bồ Đào Nha.
Quay trở lại với đêm 21/6, chúng ta đã chứng kiến tổng cộng 4 trận đấu, trong đó có tới 5 đội áp dụng các sơ đồ 3 trung vệ. 3 đội chơi sơ đồ 4 hậu vệ đã… toàn thua, trong đó Nga và Bắc Macedonia chính thức bị loại, chỉ Ukraine có thể tiếp tục chờ đợi kết cục xếp hạng để được đi tiếp với vị trí thứ ba.
Trước đội bóng xếp hạng số một thế giới, Phần Lan đã nỗ lực. Có những tình huống trên sân, khi tiền vệ lùi lại, họ chơi không khác nào một hàng thủ có 6 người.
Tiếc rằng, tình huống khiến họ dần mất sự tự tin lại là một pha phạt góc. Boyata đã cản người rất thông minh để tạo lợi thế cho Vermaelen ngay trước khi ghi bàn.
Sơ đồ 3 trung vệ dường như đang giúp Đan Mạch thực sự đi lên trở lại, sau quãng thời gian dài ít gây chú ý từ thập niên 2000 tới nay. HLV Piontek hẳn sẽ tự hào về các hậu bối.
Cũng có câu chuyện ngược lại diễn ra. Áo từ bỏ sơ đồ 3 trung vệ của 2 trận đầu tiên và chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ. Đây lại là nền tảng để ngôi sao David Alaba tỏa sáng.
Xu hướng sơ đồ 3 trung vệ liệu có thành công tại giải đấu này hay không? Nhìn rộng hơn, liệu nó có kéo dài hơn nữa, trở thành một xu hướng thực sự của bóng đá hiện đại? Hãy cùng chờ xem.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-giai-trao-luu-chien-thuat-doc-dao-cua-euro-2020-post1230031.html