Lý giải về chủ nghĩa hoài nghi trong đón nhận công nghệ mới, từ đường sắt tới AI
Từ đường sắt tới trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ thời điểm mới ra đời không phải lúc nào cũng được đón nhận, thậm chí gây ra sự hoài nghi, lo lắng và sợ hãi. Lịch sử công nghệ sẽ giúp chúng ta có một số góc nhìn thấu đáo hơn về khía cạnh này.
Phản ứng trái chiều khi tiếp xúc công nghệ mới
Khoảng 200 năm sau khi được phát minh, đường sắt là một hình thức vận chuyển hành khách và hàng hóa phổ biến trên khắp thế giới và là một phần cấu trúc của xã hội hiện đại. Nhưng không phải ai cũng biết, trong những ngày đầu, một số người coi đường sắt là “tác phẩm của quỷ dữ”.
Một bản in thạch bản cho thấy hình ảnh khai trương tuyến đường sắt Stockton & Darlington ở Anh vào năm 1825: Một đầu máy hơi nước kéo các toa chở đầy hành khách khi nó đi qua một cây cầu. Một người đàn ông cưỡi ngựa đi ngay phía trước, và một nhóm người bên đường nhìn vào. Một số tòa nhà có thể nhìn thấy ở hậu cảnh. Đó là tuyến đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới. Sau đó, đầu máy hơi nước chạy nhanh, ồn ào và đầy khói khắp châu Âu nhưng kéo theo đó là nỗi sợ hãi về hiện tượng “say tàu xe” mới nổi. Đó là bởi cảm giác rung lắc khi đi tàu cùng tốc độ tàu hỏa lên đến 30km/h, khá nhanh ở thời điểm đó.
Ngay cả khi mạng lưới đường sắt phát triển khắp nước Anh thời Nữ hoàng Victoria, sự chỉ trích đối với phương thức vận chuyển này vẫn mạnh mẽ, bằng chứng là các bức tranh biếm họa và các báo cáo của cảnh sát. Theo ông Helmuth Trischler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Bảo tàng Deutsches ở Munich, những phản ứng này là hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh lịch sử. Những tiến bộ công nghệ đòi hỏi phải định hướng lại, nên mọi người khó tránh khỏi lo lắng.
Nhưng không phải mọi phát minh công nghệ đều gợi lên những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên của Đức được xây dựng ở Munich vào năm 1957 và 4 năm sau, lần đầu tiên năng lượng hạt nhân được đưa vào lưới điện quốc gia. Vào những năm 1960, năng lượng nguyên tử được coi là một giải pháp thay thế sạch và rẻ cho dầu mỏ và than đá, đồng thời mở ra hy vọng về ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, những sự cố như Three Mile Island năm 1979 ở Mỹ hay Chernobyl năm 1986 đã gieo rắc nỗi sợ hãi và lo lắng.
Trong khi ở một số nơi trên thế giới, năng lượng hạt nhân vẫn được coi là một giải pháp thay thế tốt cho nhiên liệu hóa thạch, thì ở các quốc gia khác, nó gợi lên sự lo lắng hiện hữu. Mối lo liên quan đến chất thải hạt nhân, đến sự cố Chernobyl hoặc Fukushima, đều là các tình huống do con người tạo ra hoặc phụ thuộc vào thiên nhiên với những lỗi công nghệ và kỹ thuật mà con người chưa giải quyết được. Cho nên, chủ nghĩa hoài nghi công nghệ suy cho cùng phản ánh cuộc đấu tranh của xã hội để giành quyền quyết định và đàm phán.
Tương tự, ranh giới giữa thiện chí và hoài nghi, ủng hộ và bác bỏ có thể trở nên mong manh như thế nào có thể nhận thấy rõ trong cuộc tranh luận hiện tại về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Nỗi sợ AI - chính đáng và cần thiết
Nhà khoa học máy tính và nhận thức người Mỹ John McCarthy đã đặt ra cụm từ “trí tuệ nhân tạo” vào năm 1956 để mô tả một ngành khoa học máy tính với mục tiêu là tạo ra những cỗ máy có khả năng trí tuệ giống như con người. Sau nhiều thập kỷ phát triển, cuộc tranh luận về lĩnh vực này gần đây đã tập trung vào chatbot ChatGPT, ứng dụng được phát hành vào tháng 11-2022 và ngay lập tức tạo ra độ bùng nổ về người dùng cũng như tranh cãi. Vào tháng 3-2023, Italia đã phản ứng bằng cách trở thành quốc gia đầu tiên chặn phần mềm này, ít nhất là tạm thời. Hiện họ đã cho phép sử dụng trở lại, nhưng chỉ sau khi bằng chứng về tuổi của người dùng được đưa ra.
Mặc dù AI hứa hẹn nhiều lợi ích như cải thiện chăm sóc sức khỏe hoặc tăng cường yếu tố an toàn, nhưng cũng có rất nhiều chỉ trích về công nghệ này. Người ta lo ngại rằng sự lan rộng của AI sẽ khiến mọi nỗ lực sáng tạo của con người trở nên thừa thãi và máy móc sẽ chiếm lĩnh thế giới trong tương lai gần. Nỗi sợ hãi có vẻ chạy theo 2 hướng: Một số người lo lắng về khả năng bị lạm dụng, giả mạo hoặc thông tin sai lệch cũng như về tương lai nghề nghiệp và tài sản trí tuệ của họ, trong khi những người khác lo sợ rằng những phát triển kỹ thuật trong tương lai có thể dần dần mang lại cho AI nhiều quyền lực hơn, từ đó dẫn đến nằm ngoài quyền kiểm soát của con người.
Ông Helmuth Trischler nhận định, nỗi sợ AI nói chung bắt nguồn từ sự phức tạp của công nghệ. “Những lo lắng nảy sinh đặc biệt liên quan đến các hệ thống kỹ thuật lớn mà con người chưa hiểu rõ. Tôi coi mối quan tâm đó là rất chính đáng và cực kỳ cần thiết, đặc biệt nếu chúng ta muốn cùng nhau định hình một tương lai dựa trên công nghệ trong một nền dân chủ có hiểu biết”, ông nói.
“Chúng tôi nhận thấy sự hoài nghi về công nghệ ngay cả trong những ghi chép sớm nhất về lý thuyết công nghệ. Có nhiều lý do dẫn đến sự hoài nghi này, bao gồm sự phức tạp của các phát minh công nghệ và sự thiếu kiến thức hoặc hiểu biết liên quan, chẳng hạn như nỗi sợ mất kiểm soát hoặc thậm chí là cảm xúc”, nhà triết học và nhà sử học công nghệ Christian Vater nói. Vì vậy, mức độ hoài nghi nhất định đối với các công nghệ mới là một phản ứng bình thường, dễ hiểu của con người khi nhìn vào bối cảnh thời đại. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc đưa ra dự đoán sẽ rất hữu ích vì nó giúp chúng ta điều chỉnh các bước trong quá trình phát triển tiếp theo.
Theo DW