Lý giải về quy trình điều động ông Trương Tấn Sơn từ TP.HCM về Long An

Theo các quy định, một cán bộ, công chức đang công tác ở tỉnh này được điều động sang tỉnh khác là hoàn toàn bình thường.

Ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP.HCM được điều động đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An.

Việc điều động, tiếp nhận này theo quy trình nào đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Thứ nhất, để điều động ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh ủy Long An chắc chắn Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM không thể tự quyết định (tức Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất ý kiến và Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định) nếu không có công văn xin cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An.

Để xin ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh ủy Long An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An trước hết sẽ gặp riêng ông Sơn đặt vấn đề và phải nhận được sự đồng ý của ông Sơn.

Sau khi ông Sơn đồng ý về công tác tại tỉnh Long An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An sẽ họp, bàn, thống nhất và có văn bản gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xin cán bộ về tỉnh công tác.

 Ông Trương Tấn Sơn nhận quyết định của Ban Thường vụ Long An tiếp nhận về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: HUỲNH DU

Ông Trương Tấn Sơn nhận quyết định của Ban Thường vụ Long An tiếp nhận về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: HUỲNH DU

Thứ hai, việc điều động cán bộ hiện nay thực hiện theo Quy định 80 ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Đối với TP.HCM còn thực hiện thêm theo Quyết định 3008 ngày 21-7-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành quy định về phân cấp, quản lý cán bộ.

Ông Trương Tấn Sơn là Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, vậy ông thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Vì vậy, khi Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định điều động ông về công tác ở Tỉnh ủy Long An chắc chắn đã có sự bàn bạc, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Tức Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định để hợp thức hóa về mặt Nhà nước quyết định của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Thứ ba, Chủ tịch UBND TP.HCM điều động ông Trương Tấn Sơn là thực hiện đúng thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP trong việc quản lý cán bộ, công chức.

Trong trường hợp cụ thể này, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ thực hiện nhiệm vụ ban hành quyết định điều động ông Sơn; còn việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Trương Tấn Sơn giữ chức vụ gì và ở đâu trong tỉnh Long An thì Chủ tịch UBND TP.HCM không còn thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm đối với các quy trình cán bộ tiếp theo của ông Sơn ở tỉnh Long An.

Nói tóm lại, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ có thẩm quyền ban hành quyết định điều động ông Trương Tấn Sơn mà không còn có thẩm quyền gì sau đó nữa.

Thứ tư, Cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Long An sẽ ban hành văn bản tiếp nhận ông Sơn và điều động ông Sơn về công tác ở cơ quan, đơn vị nào đó theo nhu cầu và sắp xếp công tác cán bộ của tỉnh. Việc phân công công tác và bổ nhiệm ông Sơn sau đó sẽ thực hiện theo các quy trình của công tác cán bộ hiện nay.

Tóm lại, một cán bộ, công chức đang công tác ở tỉnh này được điều động sang tỉnh khác là hoàn toàn bình thường. Vì ông Sơn là phó chủ tịch UBND quận của TP.HCM nên Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định điều động. Còn nếu một công chức không thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mà về Long An công tác, khi đó giám đốc Sở Nội vụ TP sẽ ban hành quyết định điều động.

Tại buổi tiếp nhận cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cũng chia sẻ: Long An và TP.HCM là hai địa phương gắn bó keo sơn. Thời gian qua, TP.HCM đã hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều cho Long An trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Do nhu cầu nhân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã có đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tăng cường, hỗ trợ cán bộ quản lý cho tỉnh"- ông nói.

TS VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-giai-ve-quy-trinh-dieu-dong-ong-truong-tan-son-tu-tphcm-ve-long-an-post768117.html