Lý giải việc kẻ sát hại cả gia đình em gái ở Thái Nguyên thoát án tử
Bị truy tố khung hình phạt lên đến tử hình nhưng bị cáo Bùi Xuân Hồng- kẻ sát hại cả gia đình em gái chỉ bị tuyên phạt mức án chung thân. Vậy đâu là nguyên nhân để bị cáo này thoát án tử?
Sáng 8/7, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Bùi Xuân Hồng (SN 1956, trú tại tổ 2, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên - kẻ sát hại cả gia đình em gái ở Thái Nguyên vào tháng 9/2019) về tội "Giết người" theo điểm a (khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015).
Theo cáo buộc, khoảng 17h ngày 14/9, Bùi Xuân Hồng đi xe đạp sang nhà cháu ruột là chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1983, trú tại tổ 14, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) và Nguyễn Thành Vương (SN 1981, chồng chị Thảo) với mục đích đòi nợ. Trước khi đi Hồng mang theo 1 con dao bầu nhọn có cán gỗ, 1 con dao bấm, một khẩu súng bên trong có 3 viên đạn, 1 chai nhựa dung tích 1,5 lít đựng xăng.
Tại đây, hai bên lời qua, tiếng lại, Hồng đã dùng dao đâm trọng thương anh Vương. Thấy vậy, bà Bùi Thị Hà (SN 1959, mẹ đẻ chị Thảo) lao vào can ngăn thì bị Hồng đâm trúng ngực dẫn đến tử vong. Lúc này, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1954, chồng bà Hà) lao vào giằng co với Hồng thì bị đối tượng này đâm nhiều nhát vào người. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng, ông Thành đã tử vong.
Tại tòa, bị cáo Hồng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và xin được nhận mức án cao nhất để tạ lỗi với người đã khuất. Hồng khai nhận, số tiền anh Vương và gia đình em gái vay nợ là mồ hôi, công sức cả đời bị cáo tiết kiệm mà có. Đã nhiều lần, Hồng đến nhà em gái quỳ lạy để xin lại tiền. "Bị cáo nhiều lần bị anh Vương thất hứa nên uất ức mới xảy ra sự việc. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo rất ân hận. Ở trong trại giam, bị cáo chỉ muốn chết và hôm nay ra tòa tôi sẵn sàng nhận cái chết để xin được chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra đối với gia đình em gái", bị cáo Hồng nói.
Trong quá trình xét xử, Tòa cũng công bố cuốn nhật ký viết nỗi bức xúc và tâm tư từ vụ án. Thẩm phán Trần Khánh Hồng - chủ tọa phiên tòa chia sẻ: "HĐXX rất chia sẻ với bị cáo sau khi đọc nhật ký. Bị cáo từng đi bộ đội, cống hiến, vào sinh ra tử vì tổ quốc, tích lũy được chút tài sản cho các cháu vay nhưng không đòi được. Nhưng bị cáo đúng ra nên nhờ pháp luật giải quyết, phân xử chứ không được tự xử lý".
Sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ, lời khai của người bị hại, người làm chứng, HĐXX phiên sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hồng mức án chung thân về tội "Giết người".
Sau khi Hồng bị Tòa án tuyên phạt mức án chung thân, dư luận đặt câu hỏi: Vậy đâu là nguyên nhân để bị cáo Hồng thoát án tử? Theo luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội), trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Vì vậy, người xâm phạm tới quyền này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật không cho phép hành vi "tự xử", trả thù, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác để đòi nợ hoặc để trả thù. Trong tình huống này, ông Hồng hoàn toàn có quyền lựa chọn các hình thức đòi nợ hợp pháp, có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố cáo người vay nợ đến cơ quan công an nếu cho rằng người vay tiền đã có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vậy nhưng, ông Hồng đã không lựa chọn cách xử sự hợp pháp, không tuân thủ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp dân sự mà lại tự ý thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng của nhiều người. Do vậy, Hồng đã bị các cơ quan tố tụng địa phương xử lý về tội giết người là chính xác. Việc Hồng chỉ bị tuyên mức án chung thân là được HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Những tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ hình sự khi được quy định cụ thể tại Điều 51 (Bộ luật Hình sự 2015). Ngoài ra, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn được ghi nhận trong Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Bên cạnh đó, Tòa án còn có thể tự mình xem xét, cân nhắc coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể. Điều này phản ánh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội", luật sư Tuấn chia sẻ.
Luật sư Tuấn cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Hồng được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như: Khai báo thành khẩn; bị hại cũng có một phần lỗi; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. "Như vậy, trong trường hợp người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị xử và nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Điều này có nghĩa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồng mức án chung thân là có căn cứ và đúng các quy định của pháp luật", luật sư Tuấn phân tích.