Ly hôn bốc đồng

Hơn 1.439 cặp vợ chồng Trung Quốc, hầu hết sinh sau năm 1980, đã điền vào ô 'kết hôn vội vàng' trong phần lý do muốn ly hôn của mình.

Xiao Liu (28 tuổi, Trung Quốc) đã đệ đơn ly hôn chồng vào năm ngoái, chỉ sau 6 tháng kết hôn và đúng 2 tuần trước Tết Nguyên đán.

Liu quen chồng cũ thông qua mai mối của gia đình. Họ tiến đến hôn nhân chỉ sau vài tháng tìm hiểu. "Ở thời điểm đó, tôi chịu áp lực lớn từ bố mẹ, sợ mình sẽ bị gọi là 'phụ nữ còn sót lại' khi bước sang tuổi 27".

Liu nói quyết định kết hôn chóng vánh là sai lầm lớn nhất đời mình, song khẳng định sẽ không bao giờ hối hận vì lựa chọn ly hôn.

Cũng giống như Liu, Victoria Cox (Anh) kết hôn vào tháng 5/2015 ở tuổi 25 nhưng sau 6 tháng, cô đã ly thân và ký đơn ly hôn một năm sau đó.

"Chúng tôi đã có với nhau 2 đứa con và khi anh ấy cầu hôn, cả hai chúng tôi rõ ràng là đang yêu nhau và tôi đã nghĩ sẽ mãi như vậy. Vì vậy, chúng tôi làm đám cưới nhưng mọi việc lại không như ý".

 Gần một nửa số vụ ly hôn xảy ra trong 10 năm đầu sau khi kết hôn.

Gần một nửa số vụ ly hôn xảy ra trong 10 năm đầu sau khi kết hôn.

Sau khi ly dị, Victoria đối mặt với nhiều lời dị nghị từ những người xung quanh. "Đó không phải là một chủ đề hay ho, đặc biệt khi nó chỉ là cuộc hôn nhân kéo dài 6 tháng. Bạn khiến mọi người cười nhạo và đặt câu hỏi 'tại sao cô ấy lại quyết định vội vàng như vậy?'", Victoria nói với BBC.

Mỗi câu chuyện ly hôn là một nỗi đau riêng. Tuy nhiên, nó cũng là một phần của vấn đề văn hóa lớn hơn, không chỉ là tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia.

Số liệu được công bố trên tờ The Guardian vào năm 2018 cho thấy gần một nửa số vụ ly hôn xảy ra trong 10 năm đầu của hôn nhân, và tỷ lệ này đặc biệt cao trong 4-8 năm đầu.

Tỷ lệ ly hôn cao nhất ở phụ nữ 25-29 tuổi và nam giới 25-29 hoặc 30-34 tuổi, tùy thuộc vào từng năm. Yêu nhanh, cưới vội vàng được xác định là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn chóng vánh

Trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn không ngừng gia tăng tại nhiều nước. Đặc biệt khi các cặp vợ chồng mắc kẹt ở nhà vào mùa dịch, "Covidivorce" (thuật ngữ kết hợp Covid-19 và ly hôn) thậm chí trở thành xu hướng.

Năm 2019, 4,7 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc quyết định đường ai nấy đi, tăng từ 1,3 triệu người vào năm 2003. Trong đó, nhiều thanh niên đã ly hôn cho biết họ hối hận vì kết hôn vội vàng mà không suy nghĩ thấu đáo.

Thống kê cho thấy 1.439 cặp vợ chồng, hầu hết sinh sau năm 1980, đã điền vào ô "kết hôn vội vàng" trong đơn ly hôn của mình.

Lu Yuguo, Giám đốc Trung tâm Đăng ký Kết hôn và Con nuôi của quận Jiangbei, thành phố Trùng Khánh, cho biết: “Hầu hết thế hệ sinh sau năm 1980 đều thuộc các hộ gia đình một con và được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ.

Họ không rộng lượng, bao dung như những người sinh vào những năm 1960 hay 1970 nên cuộc hôn nhân của họ không bền vững. Ngoài ra, việc các cặp vợ chồng từ 23-32 tuổi ly hôn sau một hoặc hai năm chung sống là chuyện khá phổ biến. Bởi những người ở độ tuổi này phải tập trung vào sự nghiệp và chưa đủ chín chắn về mặt cảm xúc".

 "Covidivorce" (thuật ngữ kết hợp Covid-19 và ly hôn) trở thành xu hướng trong mùa dịch.

"Covidivorce" (thuật ngữ kết hợp Covid-19 và ly hôn) trở thành xu hướng trong mùa dịch.

Ở hầu hết quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ và châu Âu, tỷ lệ ly hôn tăng cao, do kinh tế khó khăn và thời gian ở nhà lâu hơn. Theo Stewarts, một công ty luật của Anh, số đơn ly hôn đã tăng 122% từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái, so với cùng kỳ năm 2019.

Còn tại Nhật Bản, nhiều người khẳng định Covid-19 là "chất xúc tác" để họ đi đến quyết định chấm dứt quan hệ với bạn đời.

"Covid-19 khiến tôi nhận ra kết hôn ở độ tuổi 20 sau vài tháng hẹn hò là lựa chọn sai trái nhất đời mình", một người đàn ông 27 tuổi chia sẻ câu chuyện của mình trên Twitter.

Không ít người trẻ thường quan niệm hôn nhân là "duyên trời định" và theo cách tương tự, ly hôn cũng giống như vậy. Thế nhưng, theo Kate Figes, tác giả của cuốn sách Couples: The Truth, người từng phỏng vấn hơn 100 cặp vợ chồng, chính suy nghĩ thụ động này đã khiến nhiều người mắc sai lầm trong hôn nhân.

"Một cặp vợ chồng trẻ ở bên nhau lâu dài hay không thường phụ thuộc vào lý do họ kết hôn. Nếu ngay từ đầu bạn chỉ mơ về bữa tiệc đắt tiền hay lãng mạn hóa quan niệm tìm kiếm 'tri kỷ', mà chẳng hề suy nghĩ thấu đáo, về sau bạn sẽ bị sốc nặng và chẳng mấy chốc hôn nhân sẽ biến thành nấm mồ tình yêu", Figes nói.

Ngăn chặn ly hôn bốc đồng

Ngày 1/1, bộ luật dân sự đầu tiên của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, một điều khoản trong luật hôn nhân quy định các cặp vợ chồng ly hôn phải có sự đồng thuận từ cả 2 phía, đồng thời phải trải qua một giai đoạn “hòa giải” trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.

Các quan chức tin rằng luật này sẽ làm giảm tỷ lệ ly hôn vốn đang tăng nhanh ở Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn “những vụ ly hôn bốc đồng” trong giới trẻ.

Tuy nhiên, quy định này lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. “Chúng ta cần thời gian để suy nghĩ chuyện kết hôn, chứ không phải ly hôn", một nhà bình luận nổi tiếng nói với SCMP.

Số liệu tại các văn phòng dân sự trên khắp Trung Quốc cho thấy nhiều đôi đã gấp rút ly hôn trước khi luật "30 ngày hòa giải" chính thức có hiệu lực.

 Luật "30 ngày hòa giải" trước ly hôn gây tranh cãi ở Trung Quốc.

Luật "30 ngày hòa giải" trước ly hôn gây tranh cãi ở Trung Quốc.

Tính đến giữa tháng 12/2020, 14/17 văn phòng dân sự giải quyết yêu cầu ly hôn ở Thượng Hải đã được đặt trước đến cuối năm. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến.

Chia sẻ với Sixth Tone, Wu Xiaoying, giáo sư Xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng một tháng hòa giải bắt buộc có thể đem lại tác dụng ngược.

Phương pháp này chỉ cho các cặp vợ chồng thêm thời gian, song không thể hàn gắn mối quan hệ. “Chính phủ mong muốn củng cố quan niệm hôn nhân bền vững. Nhưng thời buổi ngày nay, người trẻ lại có quan điểm khác”.

Ngoài Trung Quốc, nhiều bang ở Mỹ cũng có quy định về "giai đoạn bình tĩnh" trước khi ly hôn. Trong giai đoạn này, thủ tục ly hôn sẽ ở chế độ chờ để các cặp vợ chồng có thêm thời gian suy nghĩ, hòa giải để tránh đưa ra quyết định nóng vội.

Tùy vào từng bang, "giai đoạn bình tĩnh" có thể dài ngắn khác nhau, song thường dao động 30-90 ngày. Trong một số trường hợp có "lý do chính đáng", thời gian chờ ly hôn có thể được xem xét rút ngắn.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-hon-boc-dong-post1184984.html