Ly hôn trong giới trẻ - cần 'kỹ năng' xây dựng hạnh phúc gia đình

Nếu kết hôn là việc hình thành quan hệ hôn nhân giữa 2 người khác giới thì ly hôn là việc chấm dứt mối quan hệ đó về mặt pháp lý theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Đối với một số trường hợp, có thể ly hôn là sự 'giải thoát' cho những người trong cuộc khỏi sự căng thẳng, nhưng hệ quả của ly hôn vẫn luôn là gánh nặng với cá nhân, thân nhân gia đình và xã hội.

Du lịch gia đình – xu hướng gắn kết các thành viên trong gia đình.

Gia tăng tình trạng ly hôn trong giới trẻ

Tháng 11-2018, Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa đã xét xử sơ thẩm bản án công khai ly hôn giữa chị Nguyễn Thị B. (1994) và anh Nguyễn Tuấn S. (1991) xã Đông Tân. Anh chị kết hôn năm 2013 trên cơ sở tự nguyện có giấy đăng ký kết hôn do UBND xã cấp. Thế nhưng cuộc sống hạnh phúc của đôi uyên ương không được bao lâu. Chỉ sau một năm, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Theo đơn đề nghị ly hôn của chị B., chồng chị không quan tâm đến gia đình, thường xuyên vắng nhà. Năm 2014, chị Nguyễn Thị B. đã đưa con trai về nhà ngoại ở và ly thân chồng suốt 4 năm. Năm 2018, chị đề đơn ly hôn và mong muốn được nuôi con mà không cần chu cấp của chồng. Qua nhiều lần hòa giải và vắng mặt đương sự, căn cứ theo các điều luật quy định, Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa đã chấp thuận đơn ly hôn của chị B. và chị B. được quyền nuôi con theo như đơn chị đề nghị.

Trường hợp ly hôn của vợ chồng chị B., anh S. là một trong số hàng nghìn vụ án ly hôn được tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh thụ lý giải quyết những năm gần đây. Theo số liệu của Tòa án Nhân dân tỉnh, từ năm 2016 đến 2018, toàn tỉnh đã thụ lý 13.541 vụ ly hôn, trong đó, năm 2016: 2.671 vụ; 2017: 4.425 vụ; 2018: 6.445 vụ (tăng 1.774 vụ so với năm 2016 và tăng 2.620 vụ so với năm 2017). Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn gia đình chiếm khoảng 70%; đánh đập, ngược đãi chiếm khoảng 3,4%; ma túy, cờ bạc khoảng 8,9%; do mâu thuẫn về kinh tế và các nguyên nhân khác khoảng 18-20%. Đặc biệt, đối tượng ly hôn từ 18 – 30 tuổi chiếm 20 đến 30%, ly hôn có con chưa thành niên chiếm từ 20 đến 25%. Riêng năm 2018 toàn tỉnh có 2.722 vụ ly hôn có con chưa thành niên/6.445 vụ, chiếm 42% và nguyên đơn chủ yếu là nữ chiếm 55 đến 60%. Số vụ án ly hôn rút đơn về đoàn tụ ít, khoảng 12 đến 15%.

Ly hôn sớm ở các cặp vợ chồng trẻ không còn là vấn đề mới mẻ hiện nay. Lý do dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía, không chỉ riêng từ nội bộ gia đình mà còn từ nhiều tác động ngoài xã hội là do tuổi trẻ bồng bột, công việc không ổn định, vi phạm chế độ một vợ một chồng, trình độ văn hóa thấp, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, sinh con một bề, vợ chồng không có sự cảm thông chia sẻ với nhau, thiếu sự bình đẳng giữa vợ và chồng, không có thời gian quan tâm đến nhau... nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lối sống và ngoại tình. Quan điểm và lối sống giữa hai người không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và không được giải quyết dứt điểm, càng để lâu sự bùng nổ càng lớn đó cũng là nguyên nhân khiến yếu tố bạo lực gia đình gia tăng, nhiều gia đình sớm tan vỡ.

Bạo lực gia đình

Khi ra tòa, các bên chủ yếu trình bày nguyên nhân mâu thuẫn là do tính tình không hợp (nhất là chị em phụ nữ có tâm lý xấu hổ khi bị chồng đánh, hoặc bị bạo hành về tình dục...). Tuy nhiên cũng có trường hợp hy hữu người bị bạo hành là nam giới, khi ra tòa người chồng trình bày nguyên nhân mâu thuẫn do vợ quá ghen tuông, người chồng liên tục bị khủng bố bằng điện thoại, tin nhắn và mỗi khi chồng đi về là bị chửi bới, khóa cổng không cho vào, thậm chí vợ cầm dao lia và còn chặt, đốt quần áo của chồng...

Rèn luyện kỹ năng xây dựng gia đình

Các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện nay có thể nói là lỏng lẻo. Đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ. Họ không còn dành nhiều thời gian để cùng nhau chia sẻ và bị cuốn hút vào công việc, vào các mối quan tâm riêng của bản thân. Do vậy tình cảm vợ chồng không còn là thứ mà họ quá trân trọng như thế hệ trước. Để hạn chế tình trạng ly hôn, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình; đặc biệt chú trọng truyền thống, giáo dục đời sống gia đình ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo và công nghệ thông tin, nhằm giúp các đối tượng là nạn nhân của bạo lực là phụ nữ và trẻ em nâng cao nhận thức để bảo vệ mình. Trong đó phải kể đến vai trò của hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tuyên truyền gắn với xây dựng các mô hình sản xuất để nâng cao đời sống.

Về phía ngành tòa án cần tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết án hôn nhân gia đình, kết hợp phân tích các chế định của pháp luật đối với nạn bạo hành gia đình để người dân hiểu được vai trò vị trí của mình trong các quan hệ pháp luật, đồng thời xét xử nghiêm minh đối với những vụ án liên quan đến bạo hành gia đình nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chú trọng giải pháp kinh tế là tạo việc làm ổn định cho giới trẻ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống gia đình, chú trọng sự hài hòa giữa công việc, gia đình, kinh tế. Mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ; biết tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội... để xây dựng hôn nhân bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ly-hon-trong-gioi-tre-can-ky-nang-xay-dung-hanh-phuc-gia-dinh/100126.htm