Ly hôn xong, chồng lén đưa 2 con sang nước ngoài sinh sống
Không ai được quyền có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con ngoại trừ trừng hợp quyền thăm con bị Tòa hạn chế.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều đồng ý cho anh Lâm Hải T. và chị Trần Thị Thanh H. ly hôn, đồng ý cho anh T. được toàn quyền nuôi 2 con. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực vài ngày, anh T. đã đưa 2 con trở về Mỹ. Còn người mẹ thì vẫn tiếp tục đệ đơn lên cấp cao để mong được thay đổi bản án, gặp lại các con...
Ly hôn và giao con cho người cha
Chị Trần Thị Thanh H. (SN 1978) quen và làm đám cưới với anh Lâm Hải T. (SN 1962) vào năm 2008. Họ sinh con trai là Lâm N.M (SN 2009) và con gái là Lâm T.H (SN 2014). Các con của chị H. và anh T. đều có 2 quốc tịch Việt Nam và Mỹ.
Chị H. cho biết, sau khi sinh con trai đầu, anh T. đã không cho vợ đi làm với lý do anh bận nhiều công việc, làm quản lý trong 1 tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia. Anh T. thường xuyên vắng nhà, đi công tác và hứa sẽ đáp ứng đủ tiền bạc để chăm sóc gia đình, nên chị H. đồng ý nghỉ việc ở nhà, nội trợ và nuôi dạy các con. Trước đó, chị làm việc trong 1 tập đoàn bất động sản với mức lương khá cao.
Năm 2012, khi con trai đi học mẫu giáo, chị H. tiếp tục đi làm cho tới khi sinh bé gái thứ 2. "Lúc đó, anh T. yêu cầu tôi nghỉ hẳn. Và chúng tôi dần bị rạn nứt tình cảm vợ chồng", chị H. cho biết.
"Ban đầu, anh T. hay cằn nhằn, tra xét chi tiêu, dần dà kể công, cạy của rồi mắng nhiếc tôi trong từng bữa cơm. Tôi nói lại thì anh đánh đập tới mức tôi phải bồng con, xách đồ về cha mẹ đẻ. Bố mẹ tôi vì không muốn mẹ con tôi phải khổ nên đã khuyên tôi nín nhịn quay lại nhà chồng. Từ đó, anh T. đã nhiều lần bạo hành tôi. Tôi chỉ biết khóc và cam chịu. Các con cũng nhiều lần chứng kiến cha đánh mẹ", chị H. kể.
Tình cảm vợ chồng rạn nứt, chị H. sau đó đã tố chồng không cho chị ngủ chung với các con. Những lúc con bị bệnh, chị H. qua phòng các con để chăm sóc nhưng anh T. không đồng ý. Qua vài đồng nghiệp, chị H. biết anh T. đã có người phụ nữ khác trong công ty. Chị H. ngay sau đó đã thành lập công ty, đi làm để có thu nhập và được cha mẹ cho 2 căn nhà cho thuê 60 triệu đồng, trang trải cuộc sống.
Năm 2019, anh T. viết đơn đề nghị ly hôn và giành quyền trực tiếp nuôi 2 con nhưng chị H. không đồng ý. Vào đầu năm 2020, anh T. đã chuẩn bị hồ sơ, gửi đơn ra tòa ly dị chị H. và cũng vẫn giữ quan điểm giành quyền nuôi con, không yêu cầu chị H. trợ cấp nuôi con. Anh T. cũng đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận việc anh hỗ trợ cho chị H. 3 tỉ đồng để ổn định cuộc sống.
Có thể khởi kiện thay đổi quyền nuôi con
Theo bản án sơ thẩm, các nhân viên từng làm việc cho anh T. đều nhận xét đây là người cha mẫu mực. Anh T. dù bận rộn nhiều công việc như làm quản lý cấp cao, bay đi nước ngoài công tác thường xuyên nhưng nếu ở Việt Nam thì chăm sóc các con chu đáo, cho ăn uống, đi học đúng giờ... Anh T. cũng thường xuyên đưa các con đi du lịch, sử dụng dịch vụ hạng nhất, các đồ ăn, đồ dùng anh T. đặt mua cho con cũng là đồ "xịn", rất đắt tiền.
Ngày 29/9/2020, qua xem xét các chi tiết, chứng cớ, bản án sơ thẩm của TAND Q.1, TPHCM, đã quyết định cho anh T. được quyền ly hôn với chị H., được quyền nuôi trực tiếp 2 con. Tòa cũng ghi nhận việc anh T. không yêu cầu chị H. phải cung cấp tiền nuôi con cũng như việc anh T. tự nguyện cho chị H. 3 tỉ đồng để ổn định cuộc sống.
Ngày 17/5/2021, phiên tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của chị H., sửa bản án sơ thẩm. Công nhận việc thuận tình ly hôn giữa anh Lâm Hải T. và chị Trần Thị Thanh H. Giao 2 trẻ Lâm N.M và Lâm T.H cho anh T. trực tiếp nuôi. Ghi nhận sự tự nguyện của anh T. không yêu cầu chị H. cấp dưỡng cho con. Chị H. có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của chị H. được chia số tiền 70 tỉ đồng từ toàn bộ thu nhập của anh T. từ thời điểm kết hơn đến tháng 5/2020, tương đương 50% thu nhập chịu thuế theo văn bản của Cục thuế TPHCM.
Sau khi tòa tuyên án, anh T. đã không cho chị H. gặp mặt các con, dẫn các con ra ngoài thuê khách sạn ở và ngày 28/5/2021, anh T. đã đưa 2 con xuất cảnh về Mỹ, cắt đứt toàn bộ liên lạc với chị H. và gia đình bên ngoại. "Ngày 10/6, tôi tìm được địa chỉ con trai trên facebook, vô cùng mừng rỡ. Nhưng con tôi đã chặn liên lạc của tôi. Tôi hỏi bạn của cháu được biết, cháu sợ vì ba dặn nếu lộ nơi ở sẽ bị mẹ bắt cóc về Việt Nam. Tôi đã tìm được thêm vài thông tin khác, cho thấy hiện các con tôi đang sống tại căn nhà của anh T. ở Mỹ", chị H. cho biết.
Về chia tài sản, chị H. mong muốn được đề nghị làm rõ số tiền anh Lâm Hải T. được nhận thu nhập từ công ty bảo hiểm và 3 căn nhà tại Mỹ trong thời gian hôn nhân được mua trị giá hơn 2,2 triệu USD.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, qua các thông tin được tiếp cận, có 3 vấn đề chị Trần Thị Thanh H. có quyền để tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân:
- Xét thấy tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử chưa thỏa đáng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng chị H. có quyền khiếu nại lên tòa cấp cao kháng nghị Giám đốc thẩm đối với 2 bản án của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm. Nếu Hội đồng Giám đốc thẩm xét thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì Hội đồng Giám đốc thẩm sẽ hủy Toàn bộ 2 bản án để xét xử lại từ đầu;
- Chị H. cũng có quyền khởi kiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nếu phát hiện ra người chồng có các tài sản trong thời kỳ hôn nhân.
- Không ai được quyền có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con ngoại trừ trừng hợp quyền thăm con bị Tòa hạn chế. Do đó, nếu chị H. bị ngăn cản quyền thăm con mà không thể thỏa thuận giải quyết được thì chị có thể khởi kiện yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con. Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân & Gia đình hiện hành.
"Dù thế nào, thì chị Trần Thị Thanh H. cũng cần bình tĩnh để thực hiện các bước giải quyết về pháp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Chị H. cũng có thể nhờ tới sự trợ giúp của nhiều tổ chức xã hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân", luật sư Đỗ Ngọc Thanh khẳng định.