Ly kỳ 4 tháng lênh đênh 'trên trời, dưới biển' tới Triều Tiên của 2 siêu xe chuyên chở lãnh đạo Kim Jong-un
Những chiếc limousine sang trọng mất 4 tháng di chuyển qua 5 quốc gia để né lệnh trừng phạt của Mỹ trước khi cập bến Triều Tiên.
Mặc dù Triều Tiên bị cấm nhập khẩu các xa xỉ phẩm theo lệnh trừng phạt của Mỹ, những chiếc limousine cao cấp của Mercedes-Benz vẫn sát cánh cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các chuyến công du tới Nga, Singpore hay Việt Nam gần đây.
Kết quả một cuộc điều tra do New York Times bắt tay với Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến hay C4ADS, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington thực hiện đưa ra lời giải thích không thể hợp lý hơn. Triều Tiên lợi dụng ít nhất 5 công ty bình phong vận chuyển những chiếc Mercedes-Maybach S600 qua 5 nước trong 4 tháng trước khi chúng được đưa lên 3 chiếc máy bay tới Bình Nhưỡng.
Nguồn gốc chính xác của những chiếc S600 vẫn chưa rõ ràng. Daimler, công ty sở hữu thương hiệu Mercedes và Mercedes-Maybach cho biết họ đã rà soát toàn bộ tất cả các khách hàng tiềm năng để loại bỏ khả năng các sản phẩm của mình tiếp tay cho việc vi phạm lệnh trừng phạt.
Hành trình di chuyển qua 5 nước của những chiếc Maybach S600 bắt đầu từ cảng Cảng Rotterdam ở Hà Lan vào tháng 6/2018. Slavenburg & Huyser B.V, một công ty giao nhận hàng hóa của Hà Lan đưa chúng lên một con tàu để tới Trung Quốc trong 41 ngày. Sau khi tới bãi tập kết của tập đoàn vận tải Cosco của Trung Quốc ở Đại Liên trong khoảng 1 tháng, Zuisyo, công ty thương mại của Nhật Bản ký nhận các container chở 2 chiếc Maybach S600 rồi vận chuyển chúng ngược trở lại Osaka, Nhật Bản.
Khi tới Nhật Bản hôm 26/8/2018, công ty vận tải Mino Logistics Japan chịu trách nhiệm đưa các container này tới Busan, Hàn Quốc vào cuối tháng 9. Ở đầu Hàn Quốc, Công ty Mino Logistics chịu trách nhiệm tiếp nối hành trình. C4ADS cho biết họ không thể xác minh 2 công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản có liên quan tới nhau hay không vì tên của chúng tương tự nhau.
Những gì xảy ra sau khi 2 chiếc xe tới Busan là mấu chốt của câu chuyện. Theo New York Times, 2 chiếc S600 được chuyển lên DN5505, một tàu chở hàng có gắn cờ quốc gia Nam Phi Togo thuộc Công ty Vận tải Do Young có trụ sở đăng ký tại Quần đảo Marshall.
Không lâu sau khi rời Busan hôm 1/10, DN5505 dường như tắt tín hiệu định vị trong suốt 18 ngày, cách thức quen thuộc của các tàu hàng né lệnh trừng phạt. Khi tín hiệu trở lại, con tàu đang trở lại Busan. 2.588 tấn than mà con tàu chuyên chở sau đó được bốc dỡ tại cảng Pohang, Hàn Quốc.
C4ADS không tìm thấy báo cáo nào về việc con tàu tới bất cứ cảng nào trong 5 cảng Viễn Đông của Nga, nhưng sau khi tới Pohang, thuyền viên của DN5505 thông báo với các quan chức Hải quan Hàn Quốc rằng họ đã bốc dỡ một lô than tại cảng Nakhodka, phía đông nước Nga. Các nhà điều tra nghi ngờ "lô than" này có thể là 2 chiếc S600.
Ngày 7/10/2018, 3 máy bay chở hàng Il-76 của hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên xuất hiện ở Vladivostok, cách Nakhodka khoảng 3 giờ lái xe. Il-76 nổi tiếng với khoang chứa đồ "siêu khủng" nên các nhà điều tra tin rằng chúng được điều đến chở 2 chiếc chiếc S600 về Triều Tiên. 4 tháng sau, truyền thông Triều Tiên công bố video ông Kim xuất hiện trong chiếc limousine mới của mình.
Vào tháng 2/2019, Hàn Quốc bắt giữ DN5505 như một phần trong cuộc điều tra vi phạm lệnh trừng phạt xuất khẩu than của Triều Tiên. Cùng tháng, Seoul bắt thêm tàu chở dầu Katrin gắn cờ Panama, con tàu còn lại mà Do Young sở hữu vì nghi ngờ giao dầu mỏ cho Triều Tiên.
Không rõ đơn vị nào vận hành Do Young nhưng nhiều nguồn tin nói rằng nó thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Danil Kazachuk, chủ của Katrin.
Kazachuk, cũng là chủ một cửa hàng ô tô ở Vladivostok nói rằng ông không chịu trách nhiệm về những gì mà các con tàu chở theo, đồng thời thắc mắc với NYT rằng liệu mình có liên quan với hoạt động buôn lậu S600 không.
Các cuộc điều tra đang diễn ra cho thấy không có bằng chứng liên kết Kazachuk với mạng lưới buôn lậu của Triều Tiên. Nhưng các mối quan hệ mờ ám của doanh nhân này với các con tàu cũng như việc mù mờ thông tin về đơn vị vận hành Do Young cho thấy vùng xám mà Bình Nhưỡng đang lợi dụng để đưa xe sang về nước, theo The Drive.
Cùng với hành trình rong ruổi ngược xuôi ly kỳ của 2 chiếc S600, một trong các vấn đề rất được các nhà điều tra quan tâm là DN5505 có liên kết với Ocean Marine Management, một công ty gắn liền với hoạt động buôn lậu vũ khí của Triều Tiên. Các nhà điều tra lo ngại Bình Nhưỡng có thể áp dụng hành trình lắt léo trên để đưa về các thiết bị phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của họ.
Theo C4ADS, thông qua các công ty bình phong, Triều Tiên nhập khẩu tổng cộng 803 xe hơi nước ngoài trong tổng số 82 lô hàng từ tháng 2/2016 tới tháng 11/2017. Phần lớn trong số này được mua từ Nga. Liên hợp quốc nghi ngờ các công ty Mỹ có liên quan hoặc bao che cho các hoạt động buôn lậu quốc tế này.
Những chiếc xe vẫn đều đặn lăn bánh trên các đường phố Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục kêu gọi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, báo cáo điều tra của C4ADS cho thấy quốc gia Đông Bắc Á đang áp dụng nhiều mánh khóe để khắc phục các lệnh trừng phạt nhằm đáp ứng nhu cầu của ông Kim và giới tinh hoa Triều Tiên với các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo The Drive, hành trình 4 tháng lênh đênh trên trời, dưới biển qua 5 quốc gia của 2 chiếc S600 với sự hỗ trợ của ít nhất 5 công ty đang phần nào cho thấy sự khó khăn trong nỗ lực cô lập kinh tế Triều Tiên buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Mỹ.
Ít nhất, các biện pháp trừng phạt cho thấy sự vô dụng của nó trong việc ngăn giới chóp bu của Triều Tiên tiếp cận những chiếc xe sang ngay cả khi Mỹ được cho là đã đưa vào tầm ngắm, theo dõi rất sát sao các đối tượng có khả năng hỗ trợ Bình Nhưỡng lách trừng phạt.