Ly kỳ chuyện những vị thạch quan ở Lăng Gia Long
Từng lâm cảnh đầu rơi với thịt nát xương tan, người ta đồn rằng đây là những vị thần trấn yểm, bảo vệ giấc ngủ và gìn giữ kho báu mà triều thần an táng cùng Vua Gia Long dưới lòng cổ mộ.
Hoàng cung thiên thu của cách Lăng Sọ - nơi an táng sọ Chúa Nguyễn Phúc Luân (phụ thân Vua Gia Long) gần 7km. Nằm bên này sông Hương, đường vào nhỏ hẹp, khó đi, xe ôtô không thể vào được, Lăng Gia Long nằm giữa núi Thiên Thọ, kiến trúc hùng tráng mang dáng dấp của vị võ vương.
Tại nơi an nghỉ ngàn đời của vị vua sáng lập triều Nguyễn này, bên cạnh chiếc sập gụ hàng trăm năm tuổi, chiếc lu sứ có tuổi đời trăm năm với "lý lịch" ly kỳ cùng những chuyện đậm tính huyền linh của bậc ngày trước, điều khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi viếng "cung điện bất tử" của Vua Gia Long là hình ảnh các vị thạch quan đứng chầu trước lối vào huyền cung (mộ vua). Từng lâm cảnh đầu rơi với thịt nát xương tan, người ta đồn rằng đây là những vị thần trấn yểm, bảo vệ giấc ngủ và gìn giữ kho báu mà triều thần an táng cùng Vua Gia Long dưới lòng cổ mộ!
Từ bên này sông Hương (Huế), để qua đến bờ bên kia và từ đó phải đi thêm hơn 5km nữa mới đến được Lăng Gia Long, chúng tôi không có cách nào khác là phải lên đò vượt sông. Lúc đò chẻ nước, thấy nhóm học sinh đùa giỡn ầm ĩ, người lái đò tên Minh đã nghiêm mặt bảo phải giữ im lặng. Hỏi cớ sự, người lái đò "3 đời chèo chống" cho biết hơn trăm năm trước, triều đình Vua Minh Mạng đã ban lệnh những ai đi đò qua sông gần khu vực lăng tẩm của vua chúa và các bà hoàng triều Nguyễn phải giữ im lặng tránh kinh động giấc ngủ ngàn thu của các bậc tiên đế. Lật lại ghi chép của Nội các triều Nguyễn, mới thấy tâm tình kia của người lái đò không phải "chuyện nhảm".
Tháng 3/1839, Vua Minh Mạng (người kế vị Vua Gia Long) ban đạo dụ rằng: "Trong số các tôn lăng của hoàng triều, có nhiều lăng nằm gần bờ sông, tuy nhiên những người công của nhà nước, hay các thuyền thường trên sông khi ngang qua trước các tôn lăng này tự tiện hát hò hoặc gây huyên náo bất kính, điều này trái ngược với lòng tôn kính mà phải tuân thủ đối với những nơi tôn nghiêm này". Sau chỉ dụ ấy của vua, tương truyền người dân khi đi đò gần các khu vực tôn lăng đã luôn giữ im lặng và điều ấy đã được những người chèo đò sang sông Hương giữ thành nếp, thật là một mỹ tục lạ!
Đò cập bến, từ đây chúng tôi đi hơn 5km nữa mới đến khu vực Lăng Gia Long. Nơi an nghỉ của vị vua đầu triều Nguyễn đẹp như tranh vẽ, đường vào rợp bóng thông xanh. Lăng Gia Long là quần thể kiến trúc với nhiều đền đài, lăng tẩm của các thành viên quan trọng trong hoàng tộc, nhưng chính nhất là tẩm (mộ) vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (chính hậu Vua Gia Long), Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (thứ hậu Vua Gia Long), Lăng Thoại Thánh (thân mẫu Vua Gia Long)…
Tại điện Minh Thành - nơi thờ tự Vua Gia Long và chính hậu, chúng tôi được ông Hồ Trúc Sánh, một trong những người trông coi lăng vua bật mí nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến quá trình xây dựng Lăng Gia Long. Chuyện rằng lúc còn tại vị, Vua Gia Long đã ban lệnh cho triều thần kiếm tìm nơi để xây lăng mộ cho mình. Người được giao trọng trách là ông Lê Duy Thanh, nhà phong thủy học danh tiếng là con trai của đại sử gia Bắc Hà Lê Quý Đôn.
Sau 7 lần bốc quẻ, câu trả lời vẫn là núi Thọ Sơn, ngọn núi biểu thị đủ ngũ hành, địa thế có đủ các điều kiện theo ý muốn của đấng quân vương vốn dĩ quy tụ cả thảy những dòng mạch phước đức chạy từ vô số ngọn núi rồi tề tựu lại, tạo nên huyệt đất mà dòng phước đức sẽ vĩnh tồn cả vạn năm. Ấy thế nhưng buồn làm sao, sau 143 năm trị vì với 13 đời vua, triều Nguyễn đã bị sang trang trước dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc!
Những bí ẩn trong việc an táng Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu như áo quan đặt thi thể vua và hoàng hậu bằng thứ gỗ gì, tử thi được ngậm ngọc gì để thân xác được tươi lâu, rồi chuyện số phận của những người hầu đào đường hầm bí mật để đặt tử cung (áo quan) của vua và hoàng hậu ra sao, họ tình nguyện hiến thân cùng chết với đấng quân vương hay bị ép phải chết…, những bí ẩn này cùng lý lịch ly kỳ của các báu vật trăm năm có từ thời Vua Gia Long còn tồn tại đến nay chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nhấn sâu vào những vị thạch quan hầu vua vĩnh viễn vốn dĩ rất bí hiểm, được nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan muốn biết rõ được đúc từ chất kết dính hay tạc từ đá nguyên khối? Nếu là đá nguyên khối thì lấy ở đâu? Và có hay không chuyện ẩn trong những tượng thạch quan kia là những viên ngọc, thoi vàng quý hiếm thuộc loại bậc nhất?!
Dưới khu vực tẩm Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu là sân chầu - nơi có tượng đá voi ngựa và những tượng quan văn võ đứng chầu hơn 2 thế kỷ qua. Thời gian và bao biến cố lịch sử chừng như hiện rõ trên gương mặt của những vị thạch quan nơi đây với nhiều vết nứt và thâm đen. Trong bài viết hướng dẫn viếng thăm lăng vào năm 1923, một nhà truyền giáo người Pháp ghi chú rất rõ những người, thú trên sân chầu này: "Sân chầu lăng rất rộng, 49 (m) chiều ngang trước mặt và 23 (m) chiều dọc, kéo sâu vào bên trong, được lát gạch vuông màu xám sắt, có 2 con voi bằng đá cao 1,76m, 2 con ngựa đóng yên cương cao 1,15m và 10 tượng quan cao 1,55m, tượng các quan văn hoặc quan võ hộ giá mang gươm đứng hầu, họ đứng vĩnh viễn để chầu đấng tiên đế".
Từ ghi chép của ông L.Cadìere thuộc Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, hậu thế mới biết hành trình của những khối đá vô tri vô giác trở thành tượng quan đứng chầu vua. Tiền thân của Lăng Gia Long không có những tượng này. Đến tháng 7/1831, Vua Minh Mạng ban chỉ dụ tạc tượng. Theo lệnh vua, những người thợ vẽ được phái vào Quảng Nam và ra Thanh Hóa tuyển chọn loại đá cẩm thạch tại địa phương, sau đó tuyển những điêu khắc gia có tay nghề cao tiến hành công việc đẽo tượng. Thông tin này cho thấy các tượng thạch quan được tạc từ đá nguyên khối chứ không phải đúc bằng bột đá có chất kết dính đặc biệt như có người lầm nghĩ.
Ông Hồ Trúc Sánh bật mí: Trước đây đã có đoàn chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu tượng và phát hiện ẩn sau màu xám đen kia là màu trắng, điều đó chứng tỏ tượng voi ngựa và các quan nguyên thủy bằng đá trắng, nhưng theo thời gian lớp vỏ ngoài tượng đá chuyển màu. Cũng theo chia sẻ của ông Sánh, sau gần 3 năm đẽo tạc, các pho tượng được đặt để tại sân chầu vào tháng 3 và tháng 4/1833.
Hôm đứng giữa sân chầu trước mộ Vua Gia Long cùng chính hậu, chúng tôi nhận thấy tượng voi ngựa và các quan được phân thành 2 dãy, mỗi dãy có 1 ngựa 1 voi cùng 5 thạch quan (gồm 2 quan văn và 3 quan võ). Tính từ lúc được yên vị đến nay, các vị quan này đã đứng chầu vua gần 200 năm. Sau khi các pho tượng đá được hoàn thành, Vua Minh Mạng đã đích thân đến xem và tỏ ra rất hài lòng, do đó cho ban thưởng trọng hậu những người thợ. Năm năm sau (1838), trong lúc thi hành nhiệm vụ thanh tra, quan đô sát thời bấy giờ là Nguyễn Đình Tuấn phát hiện 1 con ngựa đá trước sân chầu bị vỡ một mảnh dây cương nên đã báo vua.
Qua quá trình thẩm tra theo lệnh thiên tử, Bộ Lễ được người lính hộ lăng là Tôn Thất Chữ khai khi thấy ở các tượng đá có nhiều mảnh vỡ đã dùng hồ gắn lại. Để sự việc được rõ ràng, khách quan, ngay sau đó một quan đại thần khác là Phạm Bạch Như đến kiểm tra và cũng có ý kiến giống tấu trình của Bộ Lễ. Trên cơ sở đó, Vua Minh Mạng đã phạt đốc công đẽo tượng là Lê Phúc Trư 60 trượng vì không kiểm soát kỹ để báo cáo tình trạng của các pho tượng. Vua cũng phạt lính hộ lăng Tôn Thất Chữ 40 roi mây vì tội biết mà không báo…
Lẽ dĩ nhiên, sau hình phạt ấy, Vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ cho sửa lại những pho tượng bị hư hại. Điều khiến chúng tôi thắc mắc là theo ghi chép của tiền nhân chỉ có vài tượng bị hư hỏng nhẹ, nhưng thực tế mà chúng tôi quan sát thì hầu hết các tượng, nhất là tượng thạch quan cả văn lẫn võ đều có nhiều vết sẹo khắp toàn thân. Hay nói chính xác hơn là những vết hàn trám dù rất khéo tay nhưng vẫn để lộ đường nét.
Về điều này, ông Sánh, người làm công việc của lính hộ lăng Tôn Thất Chữ ngày nào cho biết. Khi Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, nhiều tượng bị trúng pháo đã sứt đầu mẻ trán nhưng tình trạng thiệt hại của tượng không đáng kể. Bi kịch ập đến vào thời chống Mỹ, vùng đất khu vực Lăng Gia Long bị Mỹ oanh tạc nặng nề, trên trời chúng dội bom, phía dưới liên tục pháo kích. Những cuộc bố ráp liên tục ấy đã khiến nhiều công trình bị hư hại hoàn toàn, và các pho tượng đá, nhất là tượng các thạch quan bị sứt mẻ, rơi đầu thảm hại. Các tượng hiện tại đều đã được các chuyên gia phục hồi!
Cũng theo "lính hộ lăng" Hồ Trúc Sánh, từng xảy ra bi kịch các tượng quan, thú bằng đá bị kẻ xấu đập phá để xem có ẩn chứa vàng ngọc gì không. Ông Sánh nói, nghe các cụ xưa kể lại ngày trước, khu vực lăng vua là nơi bất khả xâm phạm, ai cả gan quấy nhiễu, xâm nhập sẽ khó thoát khỏi tội chết. Và khu vực tẩm Vua Gia Long cùng chính hậu, kể cả khu vực sân chầu có rất nhiều vật quý như đồ khí tự bằng vàng bạc, cành vàng lá ngọc dùng trang trí tẩm, ngoài ra còn có kiếm báu, súng trận, đai ngọc… vốn từng gắn bó với Vua Gia Long được các triều vua sau cho trưng thờ ở đây để hậu thế khi đến thăm biết hàm ơn, ghi nhớ chiến công lẫy lừng của vị tiên vương lập quốc.
Điều này được thể hiện qua tâm sự của Vua Minh Mạng với 2 quan đại thần Nguyễn Hữu Thận và Phạm Đăng Hưng: "Cái nón, cái áo giáp đi trận và cái đai của Hoàng đế thân phụ trẫm đã để lại cho trẫm đều là những vật mà ngài đã dùng trong suốt thời chinh chiến để đem lại hòa bình ổn định cho sơn hà xã tắc. Khi trẫm nhìn lại những vật ấy hình như trẫm đang nhìn thấy lại chính con người của Hoàng Khảo trẫm vậy".
Trời về chiều, gió thổi xào xạc, các vị thạch quan vẫn giữ nghiêm nét mặt, lặng lẽ đứng chầu vua một cách kính cẩn, an nhiên, không gian lúc này nhuốm sắc màu liêu trai đến lạ. Chẳng biết các vị thạch quan này có sức mạnh vô hình nào hay không mà các bậc cao niên trong vùng cho biết sau những cơn lốc của đất nước một thời binh biến, khu vực tẩm của Vua Gia Long và chính hậu hết bị kẻ thù đến kẻ gian dòm ngó nhưng mọi dã tâm "khui" cổ mộ để kiếm đồ tùy táng được đồn đãi có hàng ngàn báu vật vốn là đồ ngự dụng (vua dùng) và đồ tặng tế của các đại thần, hoàng thân quốc thích... đều bị thất bại.
Mà không chỉ thất bại, lắm kẻ vì dám kinh động mả mồ của vua bỗng dưng thổ huyết chết đau chết đớn. Chuyện nghe có vẻ hoang đường nhưng cứ cho là thật đi thì có mất mát gì?! Ít ra những đồn đãi nhân gian ấy cũng khiến lắm kẻ tà tâm bới mộ tìm báu vật ở mộ vua biết sợ mà chùn tay, không dám manh động!