Ly kỳ chuyện tìm long mạch của vua Gia Long
Khi đặt la bàn xuống để tọa hướng bỗng mặt la bàn vỡ. Vua Gia Long bèn nói với quỷ thần: 'Quý gì mảnh đất ấy mà người không cho trẫm'.
Thông thường,
lăng mộ của vua chúa đều được chuẩn bị từ khi nhà vua còn sống. Nhiều ông vua lại đích thân chủ trì công việc này. Vua Gia Long cũng vậy. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông đã được ông chuẩn bị khá sớm.
Theo quan niệm phong thủy, chọn được nơi an táng tốt thì con cháu phát phúc dài lâu nên vua Gia Long đã rất chú trọng việc tầm long. Sau những quan sát tìm kiếm, vua chọn khu vực Thiên Thọ Sơn để xây dựng lăng mộ.
Khu này có 42 ngọn núi lớn nhỏ trong đó ngọn Đại Thiên Thọ là lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng. Để tìm huyệt địa, vua tin cẩn giao cho Thượng thư bộ Binh Phạm Như Đăng, đại thần Tống Phúc Lương. Lại cho vời Lê Duy Thanh – con trai nhà bác học Lê Quý Đôn vào để cùng các đại thần lo công việc.
Phải tìm đi kiếm lại nhiều lần, Lê Duy Thanh mới chọn được một thế đất ưng ý. Tuy nhiên chỗ huyệt ấy lại không ưng ý nhà vua. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn của Tôn Thất Bình kể rằng: “ Được tin , Gia Long thân hành cỡi voi đến nơi xem xét, nhưng không đồng ý, nên đã chọn nơi mai táng hiện nay. Gia Long nói với Lê Duy Thanh một cách nghiêm nghị: - Nếu người ta đề cập đến long mạch thì nơi đây thật chính là nơi thích hợp cho một " lăng ". Thế có phải nhà ngươi muốn giữ chỗ này để chôn cho nhà ngươi phải không? ". Duy Thanh van xin, Gia Long mới tha tội".
Trước khi khởi công, nhà vua lại khiến Hoàng Tử thứ tư bói một lần nữa, được quẻ Dư, lời chiêm rằng: - Đại Cát Hanh nghĩa là rất tốt và hanh thông.
Vua Gia Long muốn học theo lối Hiệp lăng nên trong khu vực đã chọn, ngoài tìm kiếm huyệt táng cho chính mình, ông lại cho tìm kiếm phúc địa để táng những họ hàng khác. Một trong số đó là phần mộ mẹ của ông gọi là lăng Thoại Thánh.
Theo sách Giai thoại xứ Huế cũng của Tôn Thất Bình, vào lúc đặt địa bàn xuống để định phương hướng cho lăng thì thần núi có ý không cho nên làm địa bàn bị vỡ. Sách viết: “Tương truyền lúc đặt địa bàn xuống đất để nhắm phương hướng thì mặt gương của địa bàn bỗng nhiên bị vỡ. Vua Gia Long đứng cạnh bên, lớn tiếng bảo với thần núi “Quý gì mảnh đất này mà người lại cố giữ không cho trẫm chôn mẫu hậu” ? Thế rồi nhà vua bảo các quan lại đặt lễ tam sinh cúng thần và tiến hành việc xây lăng”.
Thời gian xây dựng khu lăng, vua Gia Long thường xuyên ngự giá đến giám sát tiến độ. Một lần vua lên lăng với các quan hộ tùng, bất ngờ một trận cuồng phong nổi lên, cái rạp có vua và các quan đứng bị sập, nhà vua nhảy ra nhưng bị một thanh gỗ đè ở chân, trán bị chảy máu.
Vua bảo hoàng tử Đảm ( Minh Mạng sau này): “Cha bị thương chẳng lấy gì làm nặng. Nhưng không biết quan quân và thợ thầy thế nào?”. Sau trận cuồng phong người ta tìm thấy hai hoàng tử Tân và PHổ cùng một số người khác bị thương nặng. Có người tâu vua trừng trị viên đốc công Quảng thái, nhà vua trả lời “làm sao mà chống nổi với bão tố” rồi tha tội cho viên đốc công.
Trong lúc xây lăng Thoại Thánh cũng xảy ra một câu chuyện giữa Nguyễn Văn Thành và vua Gia Long. Số là khi đào huyệt thấy đất dưới huyệt có 5 màu (ngũ sắc) khác nhau. Vua và các quan cho là điềm lành, các quan đều chúc tụng, riêng Nguyễn Văn Thành chỉ đứng yên lặng. Vua Gia Long hỏi vì sao thì Thành đáp: “Việc ấy chẳng có gì lạ. Huyệt chôn thân mẫu của hạ thần đất cũng có năm màu như thế”.
Thành lại nói tiếp: “Tại châu Ê có một huyệt rất tốt”. Các quan có người hỏi: “Thế sao ông không tâu để hoàng đế biết?” Thành đáp: “chỗ đất thì tốt nhưng không nên chôn vì quan tài đặt vào đó có thể bị sét đánh”. Câu trả lời khiến Gia Long bất bình. Tác giả Tôn Thất Bình bình luận: “Có lẽ cũng do câu nói này nên khi Nguyễn Văn Thành bị khép vào tội, vua Gia Long cũng chẳng bênh vực, dù Thành là một khai quốc công thần”.