Ly kỳ vụ dùng dép da đánh vào mặt

Tòa phúc thẩm hủy án, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề, trong đó đặt ra nghi vấn cấp sơ thẩm bỏ lọt đồng phạm.

Theo hồ sơ, bị cáo Phạm Ngọc Nguyên (ngụ TP Sa Đéc, Đồng Tháp) và chị Chung Thị Thanh Phượng làm chung một công ty. Ngày 30-8-2018, do mâu thuẫn trong công việc nên Nguyên nắm tóc kéo làm đầu chị Phượng va vào tường và té. Nguyên còn dùng dép da đánh chị Phượng nhưng được mọi người can ngăn.

VKS đề nghị hủy án sơ thẩm

Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp, chị Phượng bị chấn thương mắt gây giảm thị lực mắt trái 3/10, thương tích 18%. Từ đơn yêu cầu của chị Phượng, Nguyên bị cơ quan tố tụng huyện Châu Thành khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS.

Ngày 12-9-2019, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm. Tại tòa, đại diện VKS đề nghị xử phạt Nguyên 6-9 tháng tù nhưng HĐXX đã phạt một năm tù và bồi thường cho chị Phượng hơn 36 triệu đồng.

Sau đó, bị cáo Nguyên kháng cáo kêu oan, còn bị hại kháng cáo đề nghị truy tố Nguyên theo khoản 2 Điều 134 BLHS và làm rõ dấu hiệu đồng phạm.

Tháng 11-2019, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên xử phúc thẩm. Tại tòa, đại diện VKS cùng cấp đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại.

Theo VKS, theo kết luận giám định thì tỉ lệ thương tật của bị hại là do vật tày gây ra nhưng án sơ thẩm chưa phân tích, kết luận thương tật của chị Phượng có phải do vật tày gây ra hay không. Án sơ thẩm chưa làm rõ dép da (hiệu Bita's) có phải là hung khí nguy hiểm hay không. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo Nguyên đi thẳng vào phòng, nắm tóc chị Phượng để đánh, hành vi đó là côn đồ nhưng không nêu và nhận định trong bản án. Cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét tính đồng phạm trong vụ án.

Cũng theo VKS, quá trình điều tra qua các lời khai do thể hiện điều tra viên T. và cán bộ điều tra C. tiến hành làm việc. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo, bị hại và những người làm chứng đều cho rằng chưa được làm việc với điều tra viên T. lần nào.

Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo thì cho rằng cần xem xét nguyên nhân trực tiếp gây ra thương tích cho bị hại, những người làm chứng đều xác định không biết thương tích ở mắt bị hại do ai gây ra. Theo LS, kết quả giám định chưa chuẩn vì tài liệu kèm theo thiếu biên bản tiếp nhận tin tố giác, chưa xác định thương tích do vật gì gây ra.

Đáng chú ý là hồ sơ bệnh án tại BV đa khoa Sa Đéc không yêu cầu khám mắt. Kết quả giám định mắt không dựa vào hồ sơ giám định mắt tại BV TP.HCM mà lại theo hồ sơ bệnh án ở BV Sa Đéc... LS đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm.

Tại tòa, bị cáo Nguyên không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại. Bị hại thì cho rằng án sơ thẩm bỏ lọt tội phạm vì ngoài Nguyên còn có hai người đàn ông khác sử dụng nón bảo hiểm, dép, tay chân đánh mình. LS bảo vệ cho bị hại thì cho rằng cơ quan điều tra thiếu sót khi không có bản ảnh nhận dạng vật chứng, không cho thực nghiệm điều tra. Cạnh đó, hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ nên phải áp dụng khung hình phạt tại khoản 2 nặng hơn so với cáo trạng truy tố.

Cần làm rõ nhiều vấn đề

HĐXX phúc thẩm nhận định tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo Nguyên về hành vi cố ý gây thương tích là có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cho rằng lời khai của những người làm chứng còn nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ căn cứ xử lý đối với hai người đàn ông đi cùng bị cáo Nguyên là chưa phù hợp.

Mặt khác, vật chứng trong vụ án là chiếc dép da hiệu Bita's tuy cơ quan điều tra không thu thập được nhưng đã chụp ảnh và bị cáo cũng thừa nhận dùng chiếc dép để gây thương tích cho chị Phượng. Kết luận điều tra cho rằng bị cáo đánh bị hại bằng tay là chưa phù hợp với diễn biến sự việc và kết quả giám định pháp y.

Cáo trạng có đề cập đến việc bị cáo sử dụng dép đánh bị hại nhưng viện dẫn kết luận giám định pháp y lại không thể hiện do vật tày gây ra. Bản án sơ thẩm ghi nhận thương tích của chị Phượng là 18% nhưng không ghi nhận do vật gì tác động gây ra thương tích này.

Diễn biến vụ án cho rằng bị cáo dùng dép gây thương tích nhưng chưa phân tích, kết luận được thương tích của chị Phượng có phải do vật tày gây ra hay không. Cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ dép da hiệu Bita's có phải là hung khí nguy hiểm hay không và cũng không nhận định tại sao chiếc dép này không phải là hung khí nguy hiểm. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo Nguyên đi thẳng vào phòng, nắm tóc chị Phượng để đánh. Hành vi này là côn đồ nhưng tòa sơ thẩm không nêu và nhận định trong bản án.

Ngoài ra, theo HĐXX, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo, bị hại và những người làm chứng đều xác định họ chưa từng được làm việc với điều tra viên T. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bị cáo, bị hại vì không được phổ biến các quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về để điều tra, truy tố và xét xử lại.

Điều tra lại, VKS lại trả hồ sơ

Ngày 20-4, cơ quan điều tra huyện Châu Thành có kết luận điều tra mới và chuyển sang VKS vẫn đề nghị truy tố Nguyên về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, ngày 10-5 mới đây, VKSND cùng cấp đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ hành vi của hai người đi cùng bị cáo có cấu thành tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm hay không. VKS cũng đề nghị trung tâm pháp y tỉnh có văn bản trả lời vì sao có trưng cầu giám định các vết thương của bị hại nhưng chưa có kết luận về tỉ lệ thương tật.

Bị cáo Nguyên khiếu nại yêu cầu xem xét lại kết luận điều tra và yêu cầu đưa chị Phượng đi giám định lại. Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành ra quyết định giải quyết, bác khiếu nại. Bị cáo Nguyên khiếu nại tiếp và cũng bị VKSND huyện bác với lý do bản kết luận điều tra là có căn cứ.

CHÂU YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ly-ky-vu-dung-dep-da-danh-vao-mat-921327.html