'Lý lịch' của Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat
15 năm triển khai, nhà đầu tư đã liên tục điều chỉnh dự án và khắc phục các vi phạm về xây dựng do chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ ra.
Chỉ trong thời gian ngắn khai trương và đưa vào hoạt động, Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat trở thành một điểm du lịch mới, thu hút hàng chục ngàn du khách tham quan. Tuy nhiên, xung quanh dự án này còn có nhiều ý kiến trái chiều cần được làm rõ. Liên quan đến pháp lý đầu tư dự án, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp các thông tin liên quan đến quá trình đầu tư, xây dựng dự án này.
Theo tìm hiểu của PV, dự án của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát có quy mô hơn 220 ha. Năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi hơn 220 ha đất lâm nghiệp cho Công ty Kim Phát thuê để trồng rừng. Mục tiêu ban đầu của dự án là khoanh nuôi bảo vệ và xây dựng vườn ươm và đã được tỉnh này cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2007. Vị trí dự án tại tiểu khu 340, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Từ đó đến nay, dự án này đã trải qua bốn lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, lần thay đổi đầu (tháng 10-2019) là do nhà đầu tư thay đổi loại hình doanh nghiệp. Ba lần còn lại là điều chỉnh tên dự án, mục tiêu hoặc bổ sung thêm chức năng của dự án.
Lần thay đổi thứ hai là vào tháng 11-2019, dự án này được đổi tên từ “trồng rừng” thành trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, quản lý bảo vệ rừng, trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa, xây dựng nhà máy sản xuất sữa, kết hợp tham quan, du lịch văn hóa trải nghiệm.
Mục tiêu của dự án từ “khoanh nuôi bảo vệ và xây dựng vườn ươm” thành trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và quản lý bảo vệ rừng; chăn nuôi bò sữa và sản xuất giống bò sữa; sản xuất nông nghiệp bằng hình thức trồng cỏ và các loại cây làm thức ăn cho bò; xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sữa; tham quan du lịch, giải trí, lưu trú cho khách tới tham quan mô hình công nghệ chăn nuôi từ trang trại tới bàn ăn.
Lần thay đổi thứ hai này, mục tiêu của dự án từ khoanh nuôi, trồng hơn 220 ha rừng, xây dựng 2,2 ha vườn ươm và công trình khác đã giảm xuống còn 204,9 ha diện tích trồng, quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời tăng diện tích xây dựng hạ tầng lên hơn 15 ha. Tổng vốn đầu tư tăng từ hơn 7,5 tỉ đồng lên thành 193 tỉ đồng.
Lần thay đổi thứ ba là vào tháng 5-2021, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép bổ sung vào mục tiêu của dự án nội dung “tham quan, du lịch văn hóa tâm linh. Cùng với đó là điều chỉnh tên, công năng sử dụng của hạng mục “khu sinh hoạt trung tâm” thành “khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh” thuộc dự án.
Lần điều chỉnh thứ tư là tháng 8-2022, khi tỉnh Lâm Đồng có văn bản thu hồi chủ trương bổ sung mục tiêu đầu tư “nghỉ dưỡng” đối với một số dự án tại tỉnh Lâm Đồng để rà soát cơ sở pháp lý, trong đó có dự án này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, quá trình triển khai dự án, Công ty Kim Phát đã nhiều lần bị xử phạt hành chính.
“Đến nay, nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan, khắc phục các sai phạm. Các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng” - UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.•
Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác
Trong 220 ha dự án có 137,9 ha là diện tích trồng, chăm sóc rừng. Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, hiện nhà đầu tư đã hoàn thành với nhiều loài cây như sao, dầu, giổi, sưa, gõ, lát. Công ty Kim Phát cũng đã thành lập lực lượng chuyên trách gồm năm người để quản lý, bảo vệ 67 ha rừng tại dự án.
Doanh nghiệp này cũng đã hoàn thành xây dựng khu vườn ươm với các công trình phục vụ rừng, trồng cỏ làm thức ăn cho bò 1.900 m2. Đồng thời đã hoàn thành khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Trong đó có nhiều công trình tượng Phật và các sự tích Phật giáo, tháp biểu tượng Phật giáo - Kinh luân… Các công trình này đã đưa vào khai thác và đón khách tham quan từ tháng 3-2023. Riêng khu chăn nuôi bò sữa chưa thực hiện do đang triển khai xây dựng hạ tầng.