Lý Quang Diệu - người kiến tạo nên kỷ luật thép của Singapore

Trước khi qua đời, Lý Quang Diệu nói với con trai là Lý Hiển Long rằng: cha đã dành cả đời để xây dựng đất nước. Vào phút cuối cha có được gì? Một Singapore thành công. Cha đã phải đánh đổi gì? Cuộc đời mình. Cuộc đời ấy hiện lên sinh động, chân thực đã được các nhà báo ghi chép lại, sắp xếp theo những chủ đề mà thế hệ trẻ cảm thấy hứng thú trong cuốn: 'Lý Quang Diệu - kỷ luật thép của Singapore'.

Lý Quang Diệu nổi tiếng là một chính trị gia kiến tạo nên một Singapore từ một cảng thương mại thành đất nước phồn vinh. Một chính khách lão luyện được nhiều nhân vật tên tuổi cùng thời ông và sau này quan tâm và kính trọng. Một người chồng mẫu mực chăm sóc và yêu thương vợ đến tận giây phút cuối đời. Một người cha với những người con tài giỏi, trong số đó có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Cuộc đời của Lý Quang Diệu nhất quán từ trong suy nghĩ, hành động và lý tưởng.

Lý Quang Diệu mãi là ánh sáng dẫn dắt ở quốc đảo Singapore. “Ở một đất nước không phải là đất nước tự nhiên mà do con người tạo nên... một hòn đảo không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”. Chính Lý Quang Diệu đã bù đắp những mảnh ghép ấy để tạo nên một di sản Singapore như hôm nay.

Phần đầu của cuốn sách là những bức ảnh tập hợp các hoạt động chính trị sôi nổi, kiến tạo của Lý Quang Diệu từ năm 1955 khi ông đang diễn thuyết đấu tranh giành độc lập ở hội nghị của Đảng Hành động Nhân dân cho đến bức ảnh cuối là năm 2009 khi ông đang vẫy tay chào người dân trong cuộc diễu hành chào mừng Quốc khánh. Hơn nửa thế kỷ dành trọn đời mình với việc lập quốc, lập pháp, kiến thiết nên một nền chính trị tại quốc đảo Singapore, Lý Quang Diệu đã tạo dựng một hình ảnh chính trị: Không ngại va chạm, kỷ luật thép, đầy mẫn cán, trách nhiệm, quyết liệt. Trên tất cả là một nhà kỹ trị với những bước đi táo bạo, hiệu quả, đảm bảo cao nhất quyền lợi cho đất và con người Singapore.

Chương 1 của cuốn sách với tựa đề: “Tòa nhà 80 tầng đứng sừng sững trên vùng đầm lầy” truyền đi một thông điệp ngay từ khi bắt đầu làm thủ tướng Singapore từ năm 1959, Lý Quang Diệu luôn đau đáu một điều: Làm cách nào để người dân Singapore hiểu được cuộc sống hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống. Ông đã mượn câu chuyện ở dinh Thủ tướng của gia đình mình: Đó là khi đi đến đâu cũng có người làm, quả bóng rơi xuống sẽ có người làm nhặt lên. Chính vợ chồng ông lo lắng các con mình sẽ ngộ nhận người khác nhặt cho mình là việc đương nhiên. Ông tâm niệm: việc mình làm, nếu không bạn sẽ thua trước cuộc đời của mình, thậm chí một đất nước cũng vậy.

Các nhà báo đã đặt cho ông rất nhiều câu hỏi, từ quan điểm của ông về người kế nhiệm tới lời chỉ trích ông là một nhà độc tài. Ông đều điềm tĩnh. Cái điềm tĩnh của một người tự biết những việc mình làm sẽ dẫn tới đích nào. Có lẽ, người lãnh đạo, quản lý là vậy. Họ kiên định mục tiêu, dẫu có bao nghi kị, dèm pha thì họ vẫn luôn kiên gan với lý tưởng và mục tiêu mình theo đuổi.

Năm 2009, nền kinh tế Singapore bắt đầu rơi vào sự suy thoái. Trước đó nửa năm, chính Lý Quang Diệu đã nói với tổng biên tập tờ The Straits Times: Ông muốn người Singapore tập trung suy nghĩ một vấn đề làm cách nào có thể có được chính quyền với trình độ cao và quản lý tiêu chuẩn cao. Đây đều là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển thần tốc và cải cách. Singapore có một sự thật không bao giờ thay đổi đó là: Chủng tộc đa nguyên, thiếu hụt tài nguyên. Do vậy, việc đề ra cơ cấu chính phủ trình độ cao là để đối phó với những điểm yếu nội tại của đất nước này.

Hơn 150 thanh niên của Singapore đã được các nhà báo phỏng vấn và chính họ đã nói ông Lý Quang Diệu mãi là điều thần bí đối với họ. Chính trực và kính nể là các tính từ mà họ có thể nghĩ tới khi nói về ông.

Còn bản thân ông cũng luôn trăn trở rằng: “Nếu có một hệ thống như vậy thì tốt, tôi gửi hết kiến thức và kinh nghiệm của mình vào kho dữ liệu, chỉ cần nhập máy tính là họ sẽ nhìn thấy. Và tôi sẽ được giải thoát” (ông nói vào năm 2006). Nhưng cuộc sống không đơn giản đến vậy. Ngay cả các nhân viên trong nội các còn chưa “tải xuống” hết kinh nghiệm của ông huống hồ là tất cả những người trẻ Singapore. Sao chép và thực hành, chưa bao giờ là dễ dàng. Do vậy, tinh thần chiến đấu như một chiến binh với kỷ luật thép mãi là một di sản quý giá mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu muốn để lại cho thế hệ trẻ, có lẽ không chỉ đúng riêng với Singapore.

“Nơi này giống như một thiết bị tinh vi, một khi rơi xuống là chắc chắn sẽ hỏng. Ở một số quốc gia khác, bạn còn có thể có cơ hội, bạn có thể mua linh kiện để sửa. Nhưng tôi không biết các bạn có thể có được cơ hội lần thứ hai hay không”. Vị chính khách dành trọn đời mình cho quốc đảo Singapore đã nói như vậy.

Điều mà ông bận tâm lúc cuối đời đó là làm thế nào để những người Singapore trẻ tuổi tin rằng: Tương lai đầy biến số, thế hệ sau phải tìm ra người lãnh đạo có năng lực và tình nguyện cống hiến.

Hãy luôn nhớ, người đàn ông mẫn tiệp, thận trọng đầy táo bạo, quyết đoán đầy chính trực luôn nhìn xa hơn những gì mà người thường có thể nhìn ra trước mắt. Nếu hôm nay, các bạn đến thăm Singapore chứng kiến sự phát triển vừa thần kỳ, vừa kỷ luật của quốc gia này, hãy ngẫm lại, người kiến tạo nên từ những ngày lập quốc đã luôn nhắc nhở: Đừng biến những di sản của mình như những tòa nhà 80 tầng trên vùng đầm lầy và hãy luôn dọn cỏ dưới chân!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ly-quang-dieu-nguoi-kien-tao-nen-ky-luat-thep-cua-singapore/28341.htm