Lý Sơn đổi thay mạnh mẽ
Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc - đang có sự vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước
Cách đất liền khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những địa bàn quan trọng về mặt quốc phòng thuộc vành đai bảo vệ phía Đông, là chốt tiền tiêu, án ngữ một trong những hướng vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nếu như cách đây hơn chục năm về trước, mỗi khi nhắc về Lý Sơn, người ta sẽ hình dung khung cảnh một hòn đảo xa xôi, thiếu cơ sở vật chất với lượng khách trung bình mỗi năm chỉ khoảng từ 5.000-7.000 lượt thì những năm gần đây, con số này đã nhảy vọt lên hàng trăm ngàn lượt/năm. Những hình ảnh thiếu thốn điện nước, phương tiện, dịch vụ cũng dần bị chìm vào quá khứ. Thay vào đó, những con đường rộng thênh thang tấp nập du khách, những con tàu cao tốc kéo còi, nhả khói trên nền biển xanh thẳm hối hả đưa đón du khách đến với huyện đảo Lý Sơn là hình ảnh trở nên quen thuộc đối với người dân nơi này.
Nói đến Lý Sơn, người ta thường nghĩ ngay tới Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do Chúa Nguyễn tổ chức từ đầu thế kỷ XVII, vừa đánh bắt hải sản vừa thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay đã trở thành một lễ hội dân gian tiêu biểu của cư dân đảo để tưởng nhớ công ơn những người lính Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp nối tinh thần của cha ông đi trước, ngày nay, ngư dân Lý Sơn nổi tiếng với sự can trường trong quá trình vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền, giúp gia đình và quê hương phát triển kinh tế.
Lý Sơn không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng tỏi xanh rì với hương vị thơm ngon không nơi nào sánh bằng mà còn được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái biển đa dạng và rất nhiều cảnh đẹp còn hoang sơ. Hiện nay, đảo Lý Sơn còn bảo lưu hơn 50 di tích lịch sử là dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt, nhất là những di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 1 di tích phi vật thể cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lần đầu đến Lý Sơn du lịch, chị Lê Hoàng Thục Anh (quê Hà Nam) hào hứng cho biết thực sự choáng ngợp trước cảnh quan nơi đây mà qua báo đài và nghe kể lại cũng không thể nào diễn tả hết nổi. Đến đây, mọi căng thẳng mệt mỏi sẽ được tan biến hết vào đại dương bao la, để lại sự thanh tịnh trong tâm hồn và sự yên bình khó thấy. "Điều thú vị nhất mang đến cho tôi và bạn bè nhiều trải nghiệm và bất ngờ thú vị khi khám phá đại dương mênh mông. Tôi và các bạn rất thích hoạt động trải nghiệm như thu hoạch tỏi, bắt cua, ốc, đánh lưới cùng những người dân thật thà, chân chất" - chị Thục Anh nói.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết chỉ tính riêng trong năm 2018, lượng khách đến Lý Sơn đã có hơn 230.000 lượt, đạt tổng doanh thu từ du lịch 276 tỉ đồng; còn 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 140.000 lượt khách đến với huyện đảo. "Huyện Lý Sơn đang phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đón khoảng 300.000 lượt du khách. Chính quyền cũng xác định, du lịch là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, nhằm phát huy những lợi thế về các danh lam thắng cảnh trên đảo" - bà Hương nói.
Hiện huyện đảo Lý Sơn có hơn 124 cơ sở lưu trú gồm 8 khách sạn, 56 nhà nghỉ, 60 homestay, với trên 750 phòng nghỉ. Con số này liên tục được gia tăng khi huyện đảo tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh.
"Ngoài chú trọng phát triển du lịch, Lý Sơn cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư các dự án, dần hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng trên huyện đảo. Đồng thời chú trọng khuyến khích bà con đẩy mạnh phát triển các loại hình khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy sản và những đặc sản đặc trưng ở đảo như hành, tỏi Lý Sơn..." - bà Hương cho biết.
Với những định hướng và hành động phát triển ngành du lịch, Lý Sơn đang trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần thay đổi diện mạo huyện đảo về mọi mặt; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo thu nhập, việc làm ổn định cho người dân địa phương, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ly-son-doi-thay-manh-me-20190720223734705.htm