Lý Trần Quán và cái chết của kẻ sĩ thời phong kiến
Thập niên 1760 là một trong những thời kỳ rối ren nhất trong bộ máy chính quyền của nhà Nguyễn. Năm 1765, sau khi chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời, quyền thần Trương Phúc Loan phế người này, lập người kia, gây nên những xáo trộn lớn lao trong sinh hoạt của phủ chúa. Điều này một mặt khuyến khích quân chúa Trịnh ở phương Bắc chụp lấy cơ hội, mở cuộc Nam tiến, đánh lấy kinh đô Phú Xuân, mặt khác tạo điều kiện cho sự nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn nhằm giành lấy quyền bính trong tay họ.
Chính từ những rối ren này mà trong hai thập niên 1770 - 1780, xã hội Đại Việt bị giằng xé bởi 3 thế lực đối kháng lẫn nhau là nhà Trịnh, nhà Nguyễn và anh em Tây Sơn. Khi quân Trịnh mạnh thì Tây Sơn chịu lép, thần phục, khi quân Trịnh yếu thế vì những tổn thất do chinh chiến và dịch bệnh thì Tây Sơn quật lại và trận đánh ra Bắc năm 1786 là đòn cuối cùng kết thúc dòng họ Trịnh.
Dòng họ Trịnh suy vi
Có thể nói kể từ đầu thập niên 1780, dòng họ Trịnh đã bắt đầu suy vi, với những rối ren nội bộ. Vì sủng ái bà phi Đặng Thị Huệ, chúa Trịnh Sâm đã làm một việc mà nhiều đời rất kỵ. Đó là việc bỏ trưởng lập thứ, không lập người con lớn là Trịnh Khải (Tông) sinh năm 1763, làm Thế tử, mà lập con Thị Huệ là Trịnh Cán (sinh 1777) mới 4 - 5 tuổi. Mầm loạn đã thấp thoáng từ quyết định trái với lẽ thường ấy.
Năm 1782, Trịnh Sâm qua đời, để lại di chúc cho Trịnh Cán mới 5 tuổi lên ngôi chúa. Bạo loạn đã bùng nổ khắp kinh thành Thăng Long. Trịnh Khải lúc đó đã 19 tuổi, uất ức vì sự đối xử thiếu công minh của cha, huy động quân Tam phủ vây phủ chúa, phế Trịnh Cán (không lâu sau, Cán qua đời). Nhưng cũng từ sự đắc thế đó, bên trong, Trịnh Khải để cho quân Tam phủ làm loạn (Loạn kiêu binh), bên ngoài dân chúng đói rách, kêu than, dịch bệnh lan tràn, đưa thế nước vào cảnh điêu tàn, tạo điều kiện cho nhà Tây Sơn gồm thâu về một mối.
Truyện về Lý Trần Quán, người đời nay đọc lại vẫn thấy cảm khái xen lẫn bùi ngùi. Chúa Trịnh Khải trên bước đường cùng, chỉ vì sự sơ suất của Lý Trần Quán mà bị bắt giữ, vẫn ung dung chờ đợi cái chết đến với mình, không một lời trách móc người thuộc hạ, đó là lòng bao dung của bậc trượng phu. Tiết chế Nguyễn Huệ mang quân ra Thăng Long phù Lê diệt Trịnh, chúa Trịnh chết rồi, đã lấy lễ mà an táng theo đúng nghi thức dành cho bậc vương giả, đó là sự cao thượng của người thắng thế. Lý Trần Quán vô tình để chúa rơi vào tay địch, dù không bị trách móc, vẫn tự thấy trách nhiệm to lớn của mình, tự xử bằng cái chết, đó là tiết tháo, là liêm sỉ của kẻ sĩ.
Năm 1786, quân Tây Sơn dưới quyền Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh đánh chiếm Phú Xuân lúc đó còn nằm trong tay quân Trịnh. Tiết chế Nguyễn Huệ không được lệnh vua anh (Nguyễn Nhạc) đi xa hơn, mà bản tâm ông cũng chưa muốn thế, chỉ chú trọng đến việc ổn định tình hình và sắp xếp việc cai trị ở Phú Xuân. Song những hiểu biết sâu sắc về tình hình đàng ngoài của Hữu quân Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh cùng tài thuyết phục của ông đã khiến cho Nguyễn Huệ xiêu lòng, bỏ qua cả việc xin lệnh của người anh, tự mình cùng Chỉnh mang quân ra Bắc, giương cờ “phù Lê diệt Trịnh”.
Và mọi việc đã diễn ra dễ dàng, suôn sẻ đúng như dự kiến của Nguyễn Hữu Chỉnh, đến nỗi tước vị Quốc công ngang với hoàng thân quốc thích nhà Lê được vua Lê Hiển Tông ban cho mà Nguyễn Huệ vẫn chưa hài lòng.
Tháng 6 âm lịch năm 1786, quân Tây Sơn vào đến Thăng Long, thế mạnh như chẻ tre; quân Trịnh vừa trải qua những rối loạn nội bộ, vỡ trận nhiều nơi. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải liệu không cầm cự nổi, đã phải rời bỏ kinh thành, đi theo chỉ còn vài cận thần cùng hơn nghìn quân dắt díu nhau đến địa phận huyện Yên Lãng. Đến nơi, chúa hỏi cận thần rằng ở địa phương này có ai giỏi, vào hàng tiến sĩ không? Có người biết chuyện chỉ chỗ ở của tiến sĩ Lý Trần Quán tại làng Hạ Lôi, giữ chức Tri Lại phiên tại phủ chúa và đang đi chiêu phủ tại địa phương.
Cái chết của trung thần Lý Trần Quán
Quán sinh năm 1734, đỗ tiến sĩ năm 1766, nguyên quán huyện Từ Liêm, người thật thà, chất phác, rất có hiếu, khi chịu tang mẹ đã làm nhà mồ ở suốt 3 năm, không ăn thịt cá, cơ thể gầy rộc. Có lần ông tâm sự với người thân “ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có 3 năm chịu tang này là gần với đạo làm người” .
Khi Quán đến yết kiến, chúa Trịnh Khải nhờ tìm người bảo vệ và đưa đến địa giới huyện Yên Lãng. Quán tiến cử người học trò cũ tên Nguyễn Trang, sinh quán làng Hạ Lôi, rành đường đi nước bước. Sợ để lộ tung tích chúa Trịnh, Quán nói nhờ Trang đưa đường dùm cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích. Song Trang là người giảo hoạt, từng là dân đầu trộm đuôi cướp, chỉ nhìn qua cách nói chuyện giữa Lý Trần Quán và Trịnh Khải là biết ngay mối quan hệ giữa hai bên. Y đem 50 thuộc hạ hộ vệ chúa Trịnh đi về phía Bắc. Nửa đường đi, Trang tìm một chỗ vắng, tra hỏi Trịnh Khải có phải là Đoan Nam vương không. Lúc đầu Khải một mực chối từ, chỉ nhận mình là Bùi Huy Bích, sau bị truy quá, biết không giấu diếm nổi, nói thật mình chính là Đoan Nam vương. Thế là một mặt Trang đưa Trịnh Khải trở về nhà y, một mặt cử người phi báo cho Tiết chế Nguyễn Huệ biết. Bao nhiêu quân lính đi theo Trịnh Khải đều bị bắt giữ cả.
Lý Trần Quán được tin về chuyện phản thầy của người học trò cũ, vội vàng chạy đến nhà Trang, bảo rằng: “Chúa là chúa chung cả một nước, mà tôi thì là thầy của anh. Đối với chúa và thầy, là chỗ nghĩa cả, sao anh lại nhẫn tâm đến thế ư?”. Trang nói: “Quan lớn không bảo tôi sớm, để tôi trót lỡ với chúa Tông. Bây giờ nếu để Tông sổng khỏi tay tôi, rồi quan Tây Sơn hỏi tội tôi thì liệu quan lớn còn có thể gỡ tội cho tôi được không? Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình, tôi không để quan lớn làm lỡ việc đâu!” (Ngô Cao Lãng - Lịch Triều Tạp Kỷ - NXB Khoa học Xã hội - 1995, trang 566 - 567).
Biết không xoay chuyển được tình thế, trước khi Trịnh Khải bị Trang giải về kinh đô, Lý Trần Quán đến lạy chúa và khóc lóc thảm thiết. Trịnh Khải vẫn bình tĩnh, an ủi Quán: “Lòng trung thành của khanh, ta đã tin lắm rồi, đừng có tự oán trách mình nữa”. Trên đường bị giải đi, khi ghé lại một quán hàng tạm nghỉ, Trịnh Khải vớ được con dao của người chủ quán, tự đâm vào cổ mình, Trang giật lại, dao chưa ngập sâu vào cổ, Trịnh Khải lấy ngón tay móc vào vết thương cho rộng ra, không lâu sau thì qua đời. Trang đưa thi thể chúa Trịnh về đến kinh đô, Nguyễn Huệ cho khâm liệm theo nghi lễ dành cho bậc vương giả, rồi cho mang đi an táng ở lăng Cung Quốc công Trịnh Cán (con vương phi Đặng Thị Huệ, em một cha khác mẹ với Trịnh Khải).
Được tin chúa đã mất mà một phần trách nhiệm thuộc về mình, Lý Trần Quán trở về quán trọ ở làng Hạ Lôi, nói với người chủ quán rằng tội của ông là tội đáng chết, nhờ mua giúp ông một cỗ quan tài và một tấm vải trắng. Chủ quán khuyên giải mãi không được, đành làm theo ý Quán.
Quán nhờ người đào một cái huyệt trong ngôi vườn sau quán trọ, đặt quan tài xuống huyệt, xé một vuông vải trắng đội đầu, một đoạn làm đai lưng, rồi hướng về phía Nam lạy hai lạy, sau đó vào nằm trong quan tài, nhờ người chủ quán đậy nắp lại. Nắp áo quan vừa đậy xong, Quán đã bật dậy, hô lên rằng: “Còn quên một việc, phải dặn thêm nữa”. Khi chủ quán lại mở nắp quan tài, Quán đọc to hai câu:
“Tam niên chi hiếu dĩ toàn/ Thập phần chi trung vị tận” (Ba năm chịu tang cha mẹ đã tròn đạo hiếu/ Lòng trung đối với chúa chưa đủ mười phần).
Đọc xong, ông nhờ chủ quán dặn người con trai ngày sau dán đôi câu đối ấy ở nhà thờ để thờ ông. Rồi ông xin người chủ quán đậy nắp áo quan lần cuối (Đại Việt sử ký tục biên (1676 -1789 - NXB Hồng Đức - Hà Nội 2018 - trang 500).
Chủ quán và tôi tớ, thân thuộc trong nhà quỳ xuống bái biệt, rồi lấy đất lấp lại, đắp thành phần mộ. Một con người có tiết tháo, biết liêm sỉ, đã chết kỳ lạ như thế.
Tại kinh thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống mới lên ngôi, nghe tâu về cái chết của Lý Trần Quán, đã truy tặng ông tước Đại vương, phong làm phúc thần và ban cho câu đối “Khảng khái cần vương dị; Thung dung tựu nghĩa nan” (Khảng khái làm việc cần vương thì dễ; Ung dung làm tròn đại nghĩa mới khó).
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ly-tran-quan-va-cai-chet-cua-ke-si-thoi-phong-kien-355327.html