Lybia: Điểm tập kết cho những chuyến di cư tử thần
Có khoảng 700.000 người nước ngoài sống ở Libya và rất nhiều người trong họ đang đợi được lên những con tàu mỏng manh vượt biển tới châu Âu. Vậy vì sao quốc gia Bắc Phi này lại trở thành điểm tập kết cho những chuyến di cư nguy hiểm qua Địa Trung Hải như thế?
Libya, điểm nóng buôn người
Bất chấp nỗi kinh hoàng khi một chiếc thuyền đánh cá quá tải chở đầy người di cư từ Libya hướng đến Italia bị lật ngoài khơi bờ biển Hy Lạp khiến hàng trăm người thiệt mạng hồi giữa tháng 6, Ali Majdi vẫn muốn thử đến châu Âu bằng con đường qua Địa Trung Hải như thế.
Người tị nạn Syria 28 tuổi này đã từng cố gắng rời Libya để đến châu Âu một lần. Anh trả cho những kẻ buôn người ở thị trấn ven biển Zawiya 1.800 euro và cuối cùng có thể lên một chiếc thuyền băng qua Địa Trung Hải. Mục tiêu cuối cùng của Majdi là Đức, nơi gia đình anh hiện đang sống - anh đã không gặp họ trong 8 năm.
Nhưng chiếc thuyền đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn bắt và buộc phải quay trở lại điểm xuất phát. “Hy vọng của tôi đã tan vỡ," Majdi nói với phóng viên báo DW của Đức từ một căn nhà trọ tồi tàn tại Lybia. "Họ buộc tôi phải quay lại đây. Tôi đã rất suy sụp. Nhưng tôi quyết tâm thử lại. Tôi biết những rủi ro. Nhưng tôi vẫn muốn đi thuyền qua Địa Trung Hải. Tôi cần đến được nước Đức”.
Majdi chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người nước ngoài ở Libya. Một số ít vui vẻ ở lại quốc gia Bắc Phi này. Đa số những người khác vẫn đang cố gắng tìm lối thoát. Và trong khi Majdi có thể tìm được việc làm ở Libya, nhiều người di cư đang bị giam giữ ở Libya. Theo số liệu của Liên hợp quốc, có hơn 700.000 người di cư ở Libya vào thời điểm hiện tại, chiếm hơn 10% tổng dân số của đất nước.
Một thập kỷ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi, Lybia vẫn đang bị chia rẽ về chính trị và xung đột vũ trang giữa những phe phái. Từ tháng 3/2022 tới giờ, Libya có hai chính quyền cùng tồn tại song song. Đó là chính phủ ở miền Đông Libya do Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn và Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.
Bức tranh chính trị hỗn loạn khiến quốc gia Bắc Phi này gần như mất kiểm soát trị an ở nhiều đô thị, khiến việc nhập cư vào Lybia trở nên dễ dàng. Cùng với việc có đường bờ biển tương đối gần với Malta, Hy Lạp và Italia, Lybia trở thành điểm dừng chân phổ biến cho những người di cư tới châu Âu, từ những người muốn vượt biên vì lý do kinh tế cho đến những người muốn tị nạn chiến tranh. Theo thống kê của nhà chức trách châu Âu, 56.000 người đã thực hiện các chuyến vượt biển đến Italia trong 3 tháng đầu năm nay. Khoảng một nửa trong số họ bắt đầu hành trình ở Libya.
Ngôi nhà mới cho một số người di cư
Trở lại với Majdi, chàng trai người Syria cũng lo lắng về nguy hiểm có thể xảy ra trong cuộc vượt biển tiếp theo mà anh đề cập với phóng viên DW ở phần đầu bài viết này. Majdi thừa nhận cũng sợ gặp phải lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp. “Tôi lo lắng rằng họ sẽ ngăn tôi đoàn tụ với gia đình", Majdi nói thêm, đề cập đến thảm kịch gần đây với tàu đánh cá Adriana bị lật ngoài khơi vùng biển Ionian ngay khi được lực lượng tuần duyên Hy Lạp tiếp cận cách đây 1 tháng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chung suy nghĩ với Majdi. Rida Solan là người gốc Pakistan và ban đầu anh cũng muốn đến châu Âu để làm việc. Trong nỗ lực đầu tiên để đến châu Âu, Solan đã trả 2.000 euro cho những kẻ đầu nậu ở Zawiya (một thành phố duyên hải Tây Bắc Lybia), nơi được biết đến như một điểm nóng của hoạt động buôn người. Nhưng người đàn ông 31 tuổi này cũng đã bị bắt và trả về Libya, lần này là bởi chính quyền Italia.
Solan hiện đã quyết định ở lại. Anh đã tìm được việc làm tại một cửa hàng bán nước ép trái cây ở Misrata, một thành phố cách Zawiya khoảng 220 km và rất vui khi tiết kiệm được tiền. “Tôi thề sẽ không xem xét việc di cư hoặc mạo hiểm mạng sống của mình một lần nữa ", anh nói với DW. “Và tôi quyết định ở lại đây và làm việc ở Misrata vì đây là một trong những thành phố an toàn nhất cả nước”.
“Ngoài ra”, Rida Solan nói thêm, “Libya rất tốt vì mọi thứ ở đây, chẳng hạn điện và nước, đều gần như miễn phí. Vì vậy, tôi có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với ở châu Âu”, Solan đề cập đến thực tế là việc thiếu một nhà nước hoạt động thực sự khiến việc thu tiền điện hoặc nước không được thực thi chặt chẽ tại nhiều nơi ở Lybia.
Con đường “chết chóc” nhất?
Từ đầu năm đến giữa tháng 6 vừa qua, có 7.292 người đã được đưa trở lại Libya khi đang cố gắng đến châu Âu trên hải trình được gọi là tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải, theo báo cáo từ Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc (IOM). Tổ chức này cũng cho biết trong cùng khoảng thời gian đó, có 662 người di cư bị chết và 368 người mất tích trên biển. Những trường hợp thương tâm này là hệ quả của việc bọn buôn lậu người ở Libya luôn quảng cáo có thể cung cấp “hành trình an toàn” qua Địa Trung Hải.
Báo DW đã liên hệ với một kẻ buôn lậu người quảng cáo dịch vụ trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Gã này khoe khoang rằng có thể cung cấp “những chuyến đi an toàn nhất đến châu Âu”. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện thông qua nền tảng truyền thông xã hội, một kẻ buôn người, giấu tên thật, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc đi cùng hắn là "cực kỳ an toàn" và hắn có thể sắp xếp một hành trình khởi hành từ Tobruk ở Libya tới bờ biển Italia với giá 2.500 USD/người.
Ismail, một cựu nhân viên tuần duyên Libya đã trở thành kẻ buôn người, giải thích thêm về những kiểu hứa hẹn này. Ismail, người không tiết lộ tên đầy đủ hoặc tuổi của mình, cũng sử dụng TikTok để thu hút khách hàng và đã nói chuyện với phóng viên DW qua tin nhắn trên nền tảng mạng xã hội này. Anh ta thừa nhận các video quảng cáo của mình trên TikTok mô tả một viễn cảnh phi thực tế về cuộc sống của những người di cư sẽ như thế nào khi họ đến đích.
Những người di cư trả Ismail và các đồng nghiệp của hắn từ 500 đến 2.000 USD/người cho chuyến đi, tùy thuộc vào loại rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận. Giá vé thấp nhất chỉ được đi trên một chiếc thuyền bơm hơi bằng cao su, sức chứa từ 50 đến 200 người, và điều này rõ ràng là nguy hiểm vô cùng. Vé cao nhất sẽ được di cư trên các con thuyền lớn hơn, hoặc thậm chí là tàu thương mại nếu những kẻ buôn người liên hệ để “bôi trơn” được các quan chức biên phòng Lybia trót lọt. “Công việc thật khó khăn và nhiều mệt mỏi”, Ismail viết cho DW. “Nhưng nó có lãi cao và tôi vẫn tổ chức trung bình khoảng hai chuyến vượt biển một tuần”.
Liệu có một đường hợp pháp để di cư?
Người di cư và người xin tị nạn thường sử dụng tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải để vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các chuyên gia nói rằng những chính sách hiện tại để giám sát tuyến đường này không hiệu quả, khiến dẫn đến nhiều cái chết trên biển hơn và nhiều hành vi lạm dụng hơn tại các mạng lưới buôn lậu người ở Libya.
Một cuộc điều tra vào tháng 4/2023 của Liên hợp quốc báo cáo rằng có “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và phổ biến” đối với người di cư ở Libya. Vào tháng 2/2017, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý các biện pháp mới để giảm lượng người di cư đến bất thường dọc theo tuyến đường này. Họ cam kết tăng cường hợp tác với Libya và giải quyết nạn buôn lậu người. EU cũng thành lập một lực lượng đặc nhiệm di cư chung với Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc vào tháng 11/2017, nhằm tập hợp các nỗ lực và tăng cường hợp tác đối phó với các thách thức di cư từ châu Phi và đặc biệt là Libya.
Nhưng Marwa Mohamed, người đứng đầu bộ phận Tiếp cận cộng đồng của tổ chức vận động chính sách “Luật sư cho Công lý ở Libya”, lập luận rằng (EU) nên làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người di cư có thể bị mắc kẹt ở Libya. “Cung cấp cho những người di cư ở Libya một con đường di cư hợp pháp không chỉ giúp họ và ngăn ngừa tử vong và lạm dụng mà còn giúp các nước châu Âu giải quyết các cuộc khủng hoảng lao động sắp xảy ra”, bà Marwa Mohamed nói.
“Cam kết thực hiện phản ứng hợp tác và dựa trên quyền đối với dòng di cư là cách tốt nhất để bảo vệ người di cư và người tị nạn khỏi những tội ác nghiêm trọng và vi phạm nhân quyền dọc theo tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải”, bà Marwa Mohamed kết luận. “Làm như vậy sẽ góp phần vào cuộc chiến chống tội phạm buôn người xuyên quốc gia, xóa bỏ nhu cầu và cuối cùng là vô hiệu hóa các mạng lưới buôn lậu người”.
Trong trường hợp con đường di cư hợp pháp không được mở rộng, sẽ còn nhiều chuyến đi tử thần khởi hành từ Lybia hướng đến châu Âu. Hoặc như cựu cảnh sát biển Ismail nói với DW, nếu vẫn còn hàng trăm nghìn người ôm mộng đến châu Âu qua ngả Lybia thì việc tổ chức đưa người di cư vượt Địa Trung Hải vẫn còn đắt khách. “Và như thế thì không gì có thể ngăn cản hoạt động kinh doanh này được”, Ismail nói.
Tòa án thành phố Bayda, miền Đông Libya hôm 11/7 đã tuyên án tù chung thân 5 người với tội danh tổ chức vượt biên trái phép gây ra cái chết của 11 người di cư. Những can phạm này sử dụng một chiếc thuyền ọp ẹp cố gắng vượt Địa Trung Hải để đưa người đến châu Âu và con thuyền đã bị lật ngoài khơi Lybia. Ngoài ra, tòa án thành phố Bayda cũng kết án 33 bị cáo khác có liên quan, mỗi người từ 1 đến 15 năm tù.