M&A bất động sản kỳ vọng sôi động từ các luật mới có hiệu lực
Các chuyên gia nhận định, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng sẽ sôi động từ nửa cuối năm 2024 khi các luật liên quan có hiệu lực. Các thương vụ tiếp tục được thúc đẩy với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, loại hình bất động sản thương mại văn phòng và du lịch, nghỉ dưỡng cũng được các nhà đầu tư quan tâm.
Giá trị giao dịch M&A tăng gần 9%
M&A bất động sản tại Đông Nam Á có xu hướng suy giảm từ năm 2021 đến nay. Việt Nam cũng có số lượng M&A giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên theo ghi nhận, giá trị giao dịch đã tăng lên gần 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong quý II/2024, hoạt động M&A ghi nhận 3 thương vụ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở. Một số giao dịch M&A lớn có thể kể đến như: Tập đoàn Kim Oanh hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World - khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương.
Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD. Tripod Technology Corporation đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức.
Hay như CapitaLand Investment dự kiến đầu tư thêm 73-110 triệu USD tại Việt Nam trong 2 năm tới để xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản kỳ vọng, việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sẽ giúp thanh lọc, định hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn, qua đó, hoạt động M&A cũng sẽ sôi động hơn.
Theo phân tích của các chuyên gia, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, nhà đầu tư ngoại vẫn đang có xu hướng tìm kiếm, mua lại các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố lân cận đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để phát triển các dự án nhà phức hợp.
Kỳ vọng bệ đỡ từ chính sách
Nêu quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các dự án bất động sản buộc phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế mới được bán hoặc cho thuê. Theo đó, thị trường bất động sản sau khi có bệ đỡ từ chính sách sẽ được thanh lọc, lựa chọn ra những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh sẽ dẫn dắt thị trường cho các giai đoạn sau này.
Việc sửa đổi Luật Đất đai có mục đích căn cốt là để sửa đổi những bất cập, không hợp lý cũng như bổ sung những quy định cấp thiết từ thực tiễn để giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Điều này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề thực tế mà còn tạo ra một cơ sở vững chắc để đất đai trở thành một nguồn lực thực sự trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn sẽ giúp lấy lại niềm tin đối với các nhà đầu tư, góp phần đưa thị trường sớm phục hồi.
Chia sẻ quan điểm vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Group cho biết, hiện nay, bên mua dự án rất kỹ trong việc lựa chọn dự án và họ sợ mua dự án chưa đủ pháp lý, cũng như dự án chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, bởi thời gian thực hiện việc này rất lâu, tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
“Đơn cử như doanh nghiệp chúng tôi cũng đang tích cực tìm mua dự án để phát triển, nhưng tới nay vẫn chưa thể M&A thành công. Các bước thẩm định dự án, cũng như thương thảo về thời gian hoàn thiện pháp lý, đền bù mặt bằng…, là những trở ngại chính của các thương vụ M&A” - ông Võ Hồng Thắng chia sẻ thêm.
Theo nhận định của bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đã ghi nhận nhiều thương vụ M&A bất động sản chú ý, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Kỳ vọng khơi thông nguồn lực cho các dự án mới
Thị trường BĐS Việt Nam rất có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua cả M&A và FDI. Đầu tư kỳ vọng với các luật mới liên quan sẽ giải quyết những vướng mắc tồn đọng, khơi thông nguồn lực, làm minh bạch hơn thị trường BĐS… Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng danh mục đầu tư của họ. (Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh).