M1 Abrams đã không còn nằm trong top những dòng xe tăng tốt nhất thế giới
Từng được coi là niềm tự hào của Lục quân Mỹ, cũng là một trong những dòng xe tăng có số lượng và các trận chiến ấn tượng trên chiến trường, nhưng dòng xe tăng M1 Abrams lại đang mất dần vai trò trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại.
Chính tại chiến trường Trung Đông, dòng xe tăng M1 Abrams khi tham chiến đã bộc lộ những yếu điểm chết người và trở thành mục tiêu ngon ăn trên chiến trường.
Ngủ quên trên chiến thắng?
Những thiếu sót kỹ thuật và điểm yếu của xe tăng M1 Abrams hiện tại đã rõ ràng tới mức giới chức quân sự Mỹ cũng phải thừa nhận. Mới đây, lãnh đạo Cơ quan phát triển Quân đội tương lai của Mỹ, tướng John Murray thừa nhận, M1 Abrams dù trải qua nhiều gói nâng cấp, nhưng không còn là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới.
Dù truyền thống của quân đội Mỹ là hạn chế tối đa việc thừa nhận những yếu điểm của các loại vũ khí đang nằm trong trang bị, nhưng những vấn đề tồn tại trên xe tăng M1 Abrams là vấn đề rất rõ ràng. Không chỉ có quân đội Mỹ, mà cả các quốc gia đồng minh của Washington tại Trung Đông cũng nhận ra sự yếu kém của xe tăng M1 Abrams trong các cuộc xung đột gần đây.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, vấn đề của xe tăng M1 Abrams có thể xuất phát từ 30 năm trước trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1990. Ở thời điểm đó, các đơn vị xe tăng M1A2 Abrams đã có những trận chiến ấn tượng với quân đội Iraq của ông Saddam Hussein. Tinh thần chiến đấu bạc nhược, trình độ huấn luyện chiến đấu yếu kém của lính xe tăng Iraq đã giúp xe tăng Mỹ chiếm thế thượng phong. Hơn thế nữa, sự vượt trội về kỹ thuật của xe tăng M1A2 Abrams đã khiến xe tăng T-72 và biến thể của nó thuộc quân đội Iraq gần như không hề gây tổn hại được tới các đơn vị xe tăng Mỹ.
Thành công ở chiến tranh vùng Vịnh lần 1 đã khiến giới chức Lục quân Mỹ tin rằng xe tăng M1 Abrams là nằm trong top những dòng xe tăng có hiệu quả chiến đấu cao hàng đầu thế giới và ít chú ý tới các gói nâng cấp sau đó. Kết quả là hơn 1 thập kỷ sau đó, cũng tại chiến trường Iraq, xe tăng M1 Abrams đã có những màn thể hiện yếu kém, trái ngược với kỳ vọng trước đó. Huyền thoại bất khả chiến bại của xe tăng M1 Abrams nhanh chóng bị binh sĩ Iraq đánh bại với sự giúp sức của các loại vũ khí chống tăng vác vai do Liên Xô và Nga chế tạo. Đã ghi nhận nhiều trường hợp, xe tăng M1 Abrams bị vô hiệu hóa bằng một phát đạn chống tăng phản lực bắn ngang thân. Cùng với đó, hoạt động trên sa mạc rộng lớn như Iraq, xe tăng Abrams sử dụng động cơ turbin khí tiêu tốn nhiều nhiên liệu đã tạo ra gánh nặng hậu cần rất lớn trên chiến trường.
Đánh mất danh tiếng tại Yemen
Không chỉ nằm trong biên chế quân đội Mỹ, các biến thể của xe tăng M1 Abrams còn được trang bị cho nhiều quốc gia đồng minh của Washington, trong đó có Saudi Arabia. Quốc gia Cận Đông này đã đổ rất nhiều tiền của để trang bị các loại vũ khí hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên, thực tế chiến trường tại Yemen đã chứng minh, quân đội Saudi Arabia dù được đầu tư hiện đại, có sự hậu thuẫn của siêu cường Mỹ, nhưng thiếu ý chí chiến đấu cũng không thể chiến thắng các chiến binh Hồi giáo Houthis trang bị yếu hơn. Hơn thế nữa, cũng tại quốc gia Cận Đông này, xe tăng Abrams phiên bản nâng cấp hiện đại nhất cũng thể hiện các điểm yếu chí tử.
Với các loại vũ khí chống tăng vác vai đơn giản như Fagot, Konkurs, Malyuska (Liên Xô) và Towsan-1 (Iran), các chiến binh Houthis đã tổ chức các đợt tấn công đột kích, nhằm vào các điểm yếu để phá hủy xe tăng M1A2S Abrams hiện đại của Saudi Arabia. Thông qua các đoạn clip được công bố, chiến binh Houthis đã phát hiện ra xe tăng M1 Abrams không có khả năng bảo vệ hiệu quả ở khu vực tháp pháo và phần thân dưới của xe. Đã ghi nhận trường hợp, xe tăng của Saudi Arabia bị bắn hạ ở khoảng cách 3,5km.
Các chiến binh Houthis chủ yếu sử dụng chiến thuật phục kích các đoàn quân sự của Saudi Arabia trên đường cơ động. Sự bất ngờ kết hợp với các đòn tấn công chính xác cao từ chiến binh Houthis khiến các xe tăng M1 Abrams trở thành mồi ngon trên chiến trường. Thậm chí, chuyên gia quân sự Mỹ Blake Stillwell nhận định, trong các tình huống tương tự, kể cả xe tăng M1 Abrams được điều khiển bởi quân đội Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự.