'Má' Hạnh - người chèo đò thầm lặng vì 'hồn cốt' cải lương

Ngoài 60, những lớp học không phấn của cô Lý Kiều Hạnh vẫn tiếp tục trao truyền các giá trị của cải lương cho những người đang theo nghề và cả khán giả trẻ.

Đầu những năm 70, tại ngôi nhà ở quận 4, cải lương tự thân bén rễ trong cô bé Lý Kiều Hạnh qua những đĩa hát của nghệ sĩ Ngọc Giàu phát trên dàn "âm ly" (amply), chương trình cải lương trên truyền hình mỗi thứ Bảy, cả tiếng đờn tài tử của bạn ông ba.

Năm 14 tuổi, theo nguyện vọng của con gái, ba mẹ sắp xếp đăng ký cho cô thi học nghề ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Lúc đó, trường chỉ lấy 14 suất. Chính năng khiếu và cảm xúc mộc mạc đã chạm đến nghệ sĩ cô Bảy Phùng Há và bà đã bảo lãnh suất dự thính cho thí sinh nhỏ nhất này.

Bén duyên với cải lương vào thời kỳ chuyển giao chế độ, kinh tế gia đình khó khăn nhưng cô Hạnh chọn chuyển hẳn chương trình văn hóa lên buổi tối để học hát, đáp lại tình thương, sự tin tưởng của thầy cô, vốn là bậc nghệ sĩ vang danh như nghệ sĩ Năm Châu, nghệ sĩ cô Bảy Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, nhà giáo Ca Lê Hồng, nghệ sĩ Thu Vân, nghệ sĩ Mai Thành, thầy Tăng Lộc...

Nữ sinh Lý Kiều Hạnh trong buổi học vũ đạo với cô Thu Vân tại trường Sân khấu Kịch nghệ 2.

Nữ sinh Lý Kiều Hạnh trong buổi học vũ đạo với cô Thu Vân tại trường Sân khấu Kịch nghệ 2.

Cứ thế, suốt 3 năm từ năm 1975-1977, từ 6 giờ sáng, cô nữ sinh Sài Gòn có đôi mắt sáng, nụ cười dịu dàng đều đặn đi bộ từ quận 4 đến đường Cống Quỳnh để học hát.

Buổi trưa, cô đi bộ qua đường Hai Bà Trưng, ăn cơm ở quán cà phê vỉa hè của mẹ rồi lại về trường.

Tối đến, cô tiếp tục đi bộ lên trường Tân Văn, ở đường Võ Văn Tần để theo học văn hóa. Với vốn nghề vững vàng từ phương pháp đọc diễn, kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, cùng các kinh nghiệm thực diễn phong phú, trường chính thức chọn cô ở lại giảng dạy.

Tiếp thu tâm huyết và vẻ đẹp cải lương từ lớp thế hệ tinh hoa, thiếu nữ tuổi 19 ngày ấy chọn không chạy theo hào quang sân khấu hay bước vào đoàn hát kiếm tiền mà nối gót thầy cô, ở lại giảng dạy.

Cô Hạnh cũng là thế hệ học trò đầu tiên thuộc lớp giao thời bước lên vai giảng viên chính quy của khoa cải lương, thuộc trường Sân khấu Kịch nghệ 2.

Có thể nói, cô Hạnh là một nhà giáo rất "cải lương", không chỉ ở bộ môn giảng dạy mà còn qua phong cách sư phạm. Thông qua bài giảng của cô, học trò luôn tìm thấy tính thời đại với những chủ đề cập nhật, nhân vật bám sát thực tế.

Cũng từ những lời dạy, những giá trị truyền thống giàu đẹp được cô truyền tải qua loạt trích dẫn sâu sắc, câu chuyện sân khấu và lời hay sau hậu đài từ bậc tiền bối, tổ nghề huyền thoại mà cô trực tiếp được học hỏi.

Đã gần nửa thế kỷ, nhiều bài học vẫn chẳng sờn, như một câu nói của ông Năm Châu mà cô vẫn hay chia sẻ khi bàn đến quan điểm làm nghề: "Ông nói bây giờ mình đang đứng ở bậc thang thứ nhất mà mình thấy khán giả đang đứng dưới đất, mình sẽ đưa tay nắm rồi nâng họ lên, để chúng ta cùng lên bậc cao. Vì người nghệ sĩ có nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa nghệ thuật để nâng khán giả đến gần với nền văn hóa nghệ thuật".

Và ngày ấy cũng như bây giờ, dù yêu cải lương thiết tha, cô chưa từng động viên các lớp trẻ "đừng bỏ nghề".

"Lời nói vậy, là sáo ngữ. Nếu con cảm thấy nghề cho con niềm vui, cho chén cơm thì cứ vững chân bước tiếp. Nhưng nếu theo nghề mà không thấy được sự đồng cảm, thì phải bước qua lĩnh vực khác để làm ra đồng tiền nuôi mình và gia đình". Bài học này được cô rút ra từ sự khắc nghiệt của nghề, cũng như chính tình cảnh cá nhân.

"Lương thực tập ngày ấy là 37 đồng 50 xu. Lương giáo viên là 50 đồng. Cái quyết định đến giờ cô vẫn còn giữ", cô Hạnh ngẫm lại thời gian đó cái khó không thiếu, nhưng nhờ nhà trường giúp đỡ chỗ ở, cô mới yên tâm giảng dạy.

Năm 1984, cô chuyển qua ban Công an TP.HCM để tiên phong xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở các quận, huyện thuộc thành phố.

Chuyên cần công tác đến năm 1990, áp lực kinh tế, trách nhiệm người mẹ đặt lên vai cô lựa chọn khó khăn.

Chuyên cần công tác đến năm 1990, áp lực kinh tế, trách nhiệm người mẹ đặt lên vai cô lựa chọn khó khăn.

Suốt 10 năm kể từ khi đứa con đầu lòng ra đời, nhiều ngày con ốm, tài chính túng thiếu, vợ chồng cô chỉ biết nhìn nhau khóc. Đến thời mang lời ca tiếng hát phổ biến cải lương đến các tỉnh, nhiều đêm lặng lau nước mắt vì nhớ con. Rồi như thi nhân có câu: "Cơm áo không đùa với khách thơ", cô đành gác qua đam mê với sân khấu cải lương, rẽ lối mới trong dòng chảy mưu sinh.

Đến 2013, khi hai con đã trưởng thành, bản thân cũng hồi phục khỏi căn bệnh bụi phổi, hành trình cống hiến cho cải lương tiếp tục chặng mới.

"Dù nhiều năm xa nghề, trong tâm khảm, cô luôn biết thế hệ này đâu còn điều kiện để tiếp cận quá gần với bậc tiền bối đi trước. Hiện nay, những giai điệu 20 bản tổ, như điệu Xuân Nữ, Tứ Đại Oán, Văn Thiên Tường đã dần phai mờ. Cứ vậy sẽ mai một, mất đi cái gốc.

Thế nên, khi các em đến gặp để học hoặc cùng diễn chung, cô đều chia sẻ kinh nghiệm từ các bậc thầy truyền lại cùng quan điểm làm nghề. Cô hy vọng thế hệ trẻ hiểu sâu sắc cải lương, theo nghề giữ được cái nền", cô Hạnh chia sẻ lý do cho ngày trở lại.

Lúc này, người ta không gọi "cô" xưng "em" như những năm 1980. Lứa diễn viên hiện nay gọi cô là "má Hạnh", xưng "con" thân thương.

Sự thấu hiểu tâm lý và bề dày kinh nghiệm của cô giáo ngày trước đã mang đến một tiền bối đáng kính, người đồng nghiệp đáng khâm phục cho nhiều giọng ca trẻ.

Đến năm 2017, khi MC Trác Thúy Miêu ngỏ lời mời cô về sân khấu Phụng Hoàng Ban, hình ảnh nữ nghệ sĩ ca bài vọng cổ ngọt ngào da diết, diễn xuất hóa thân duyên dáng điêu luyện, dường như đã gợi dậy hình ảnh của những cô đào thuở cải lương vàng son lừng lẫy, thuần túy một giọng ca, đủ sức dìu khán giả thăng hoa trong vẻ đẹp nghệ thuật.

Những ai đã gắn bó với sân khấu kịch Phụng Hoàng Ban từ 2017-2023 hẳn đã "trót yêu" cô đào Kiều Hạnh của "Đêm hoa lệ".

Những ai đã gắn bó với sân khấu kịch Phụng Hoàng Ban từ 2017-2023 hẳn đã "trót yêu" cô đào Kiều Hạnh của "Đêm hoa lệ".

Với những nghệ sĩ ngoài U50 còn bám nghề, hình ảnh cô trở lại sân khấu giúp họ sống lại giá trị quý giá của cải lương nguyên thủy.

Theo chia sẻ của nghệ sĩ đờn guitar Trịnh Văn Thọ: "Đối với cô Kiều Hạnh, hay các nghệ sĩ ngày xưa tốt nghiệp trong trường ra, lối ca tình cảm mộc mạc giúp người đàn như tôi cũng có cảm hứng. Lối hát bây giờ của người trẻ chạy theo thị hiếu, luyến láy hơi nhiều, ca tụng hơi dày khiến người đờn cũng phải chạy theo, mất đi mùi mẫn, ngọt ngào của tiếng đàn".

Kể từ ngày trở lại, cô gần như luôn gật đầu trước những lời ngỏ hỗ trợ từ các bạn trẻ. Có thể kể đến như chương trình "Nhịp Phách Cổ Kim" của cộng đồng văn hóa CCD, "Cải Lương from here" của dự án Chò Chơi, chương trình "Diễn xướng Nam Bộ" thuộc dự án Lục Tỉnh Cầm Ca, loạt chương trình giới thiệu văn hóa ở khu vực đường sách... Sự song hành của hai hình ảnh cô giáo và cô đào đã chứng minh sự hiệu quả trong phương pháp giáo dục, quảng bá cải lương.

"Má" Hạnh giờ là đồng nghiệp trên sân khấu, cô giáo sau cánh gà cho rất nhiều bạn trẻ đam mê được sống cùng nghề cải lương.

"Má" Hạnh giờ là đồng nghiệp trên sân khấu, cô giáo sau cánh gà cho rất nhiều bạn trẻ đam mê được sống cùng nghề cải lương.

Trong trang phục truyền thống, nữ nghệ sĩ bắt đầu ngân một khúc ca thật ngọt, mà mang tâm trạng thật sầu. Đôi mắt chóng ôm đầy lệ. Nỗi buồn thật đẹp cất cảnh từ lời ca, giai điệu, nét diễn rồi chạm đến những khán giả ước chừng đôi mươi.

Thế rồi, cô dừng lại lau nước mắt, bằng lối sư phạm bài bản, cô phân tích về vở tuồng vừa diễn. Đoạn, cô dẫn về vẻ đẹp văn hóa, câu chuyện lịch sử, cách thức cải lương giúp phản ánh và trở thành món quà tinh thần cho người dân Nam Bộ.

Để minh họa cho tính thức thời của cải lương, người mẹ mất con nay biến thành "tiểu tam" hiện đại. Ánh mắt buồn thương giờ bén ngót như "dao cau liếc vào mỏm đá". Đám trẻ dõi theo rinh rích cười, khuých vai ngưỡng mộ rồi nhiệt liệt vỗ tay, bày tỏ lòng cảm mến khi cô cúi chào.

Hóa ra, cải lương hay và đẹp thế. Nếu chỉ nghe online mà không tận mục thấu hiểu – thấm – cảm, hẳn lớp trẻ lại "lướt" đi như cái việc thường ngày trên thiết bị điện tử.

Cũng từ những chương trình này, nhiều bạn trẻ khơi gợi ký ức với cải lương thời thơ ấu, được truyền cảm hứng để chuyên tâm theo đuổi bằng thái độ nghiêm túc. Nhiều bạn chủ động liên hệ với cô Hạnh để theo học nghề, và để tiếp nối cô trong hành trình gìn giữ cốt cách và lan tỏa vẻ đẹp cải lương chuẩn mực.

Từ giảng đường phấn trắng năm 1977 đến lớp học "không phấn" tại các tiệm cà phê, workshop, hậu trường sân khấu, cô Hạnh vẫn luôn là một tấm gương cho tinh thần tự cải cách chính mình.

Ngoài cải lương, cô tiếp tục nghiên cứu kỹ các điệu hò, vè, lý, các thế diễn võ để làm mới, làm tốt hơn mỗi vai diễn mình đảm nhận.

Rõ ràng, trong thời buổi giải trí chạy theo xu hướng, những nhà giáo thụ hưởng đào tạo từ lớp tinh hoa, có lửa nghề và tâm nghề như cô Hạnh rất cần thiết. Có vậy, lớp trẻ – dù giới mộ điệu hay người kế tục cũng nắm đúng "phần hồn", hiểu chắc tinh thần để cải lương mới tiếp tục trường tồn, phát triển trên đúng gốc rễ văn hóa thật và đẹp của nó.

Một mình hai vai – vai bà giáo và vai cô đào, nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh mang đến nhiều bài học chuyên chở giá trị làm nghề, làm người đáng quý.

Một mình hai vai – vai bà giáo và vai cô đào, nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh mang đến nhiều bài học chuyên chở giá trị làm nghề, làm người đáng quý.

Cải lương chọn cô hẳn vì thứ tình yêu thuần khiết đến lạ kỳ. Từ khi bắt đầu đến hiện tại, sự gắn bó này xuất phát từ khát khao cống hiến cho sự tồn vinh của nghệ thuật văn hóa dân tộc. Cho nên, dẫu vở đời của cô Kiều Hạnh ẩn lắm đắng cay, truân chuyên, người nghệ sĩ ấy chỉ mang cái cốt cách thanh tao và phong thái từ tốn của nghệ thuật cải lương vốn được xem là sang trọng, bác học trong suốt đường nghề.

Để phục dựng lại sự hưng thịnh thời vàng son của cải lương là ao ước khó tưởng ở hiện tại. Tuy nhiên, quan sát phản ứng của những người trẻ trong các chương trình cô góp mặt, ta thấy rõ sự say đắm vào vẻ đẹp cải lương chính chuyên, có nền tảng.

Họ cảm trước cái đẹp và thật ẩn khuất sau giọng ca mộc mạc, chan chứa của nhà giáo một thời nay vào vai cô đào trọn vẹn và thương cải lương đang dần "héo mòn".

Đó là dấu hiệu cho hy vọng về một sự phát triển của cộng đồng khán giả mới và một thế hệ sẵn sàng "sống chết" với cải lương. Như những dòng bộc bạch thật tình: "Những ai đã đến với cải lương vì yêu, sẽ không bao giờ rời xa được cải lương".

Uyên Bùi

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/van-hoa/ma-hanh-nguoi-cheo-do-tham-lang-vi-hon-cot-cai-luong-c26a76328.html