'Ma khô' - Nghi thức tốt cho người ở lại
Vừa rồi tôi về xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ viếng ông anh họ. Tang lễ được tổ chức theo phong tục, tập quán. Có một việc tôi chưa từng được nghe, được thấy là việc tang được tổ chức theo nghi thức 'Ma khô'.
“Ma khô” được người dân nơi đây hiểu là việc đưa người vừa qua đời đi hỏa táng rồi mới đưa về nhà phát tang, phúng viếng, truy điệu, an táng…
Ông Nguyễn Tiến Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hùng Lô cho biết: Những năm gần đây, hầu hết các gia đình ở địa phương đưa người thân đã qua đời đi hỏa táng. Còn làm “Ma khô” mới xuất hiện mấy năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19. Cách làm này đã tương đối phổ biến ở xã (chiếm khoảng 80% số ca) và đang trở thành phong trào tại nhiều địa phương ở thành phố Việt Trì cũng như vùng lân cận.
Nhiều người cao tuổi ở địa phương cũng nói rõ ý nguyện cho con cháu là được hỏa táng và làm “Ma khô” sau khi qua đời. Bởi vì mọi người nhận thấy làm “Ma khô” là một việc làm giàu ý nghĩa vì người ở lại: Tang chủ bớt đau buồn, người đến viếng cũng nhẹ lòng, không sợ lây lan bệnh tật…
Ở Bắc Giang có việc đưa người quá cố đi hỏa táng rồi mới đưa về nhà làm thủ tục tang ma không? Đưa chuyện “Ma khô” hỏi một đồng nghiệp cũng là chuyên gia về lĩnh vực này, được biết: Ở Bắc Giang cũng có nhưng là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt (người mất ở bệnh viện, ở nước ngoài) hoặc tang chủ xem, chọn ngày giờ. Còn người chết bình thường rất hiếm gia đình làm như vậy.
Nghi thức “Ma khô” còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, trong việc tang, nếu người người, nhà nhà mạnh dạn xóa bỏ những định kiến cũ, việc làm lạc hậu thay bằng những việc làm tiến bộ - “Tốt cho người ở lại” mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc thật đáng hoan nghênh, ủng hộ và làm theo.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ma-kho-nghi-thuc-tot-cho-nguoi-o-lai-210353.bbg