'Ma men' cướp sinh mạng người khác, bỏ tù mới đủ sức răn đe
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất chấp, coi thường pháp luật. Nhiều 'ma men' vẫn điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia.
Đêm 13/6, sau khi chơi ở nhà mẹ đẻ, chị L. (SN 1996, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng chồng đi bộ băng ngang đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) về nhà mình. Đang mang thai 34 tuần 4 ngày nên chị L. đi lại thận trọng, chồng chị cũng nhìn trước ngó sau trước khi đưa vợ sang đường.
Nhưng sự cẩn thận của đôi vợ chồng trẻ cũng không tránh được cú tông trực diện của chiếc xe máy kẹp ba do Đào Quang Ngọc (SN 1990, trú huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Chiếc xe đâm thẳng vào chồng chị L. đang đi sát che chắn cho vợ, rồi đâm tiếp vào người phụ nữ gần đến ngày sinh nở.
Hậu quả, người chồng bị gãy xương hàm, người vợ bị gãy chân phải, bị thương tích nhiều nơi trên cơ thể. Nhưng đau đớn nhất, thai nhi hơn 34 tuần tuổi đã không giữ được…
Ba ngày sau vụ tai nạn thương tâm, chưa ai dám nói cho người mẹ trẻ biết tin đứa con chị nhọc nhằn mang thai đã gần 9 tháng, đứa con trai đầu lòng mà vợ chồng chị và cả gia đình nội ngoại đều hồi hộp chờ mong, nay đã không còn. Quả thực, khó có thể hình dung được nỗi đau của chị L. và người thân khi phải gánh chịu và nỗi đau đó chưa biết khi nào mới có thể nguôi ngoai.
Ngay sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và kết quả, tài xế Ngọc có nồng độ cồn 6,1 miligam/1 lít khí thở, cao gấp hơn 15 lần mức phạt tối đa hiện nay. Quá phẫn nộ và bức xúc trước hành vi của Ngọc, nhiều người cho rằng, hành vi của Ngọc không đơn thuần là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện.
Việc Ngọc uống rượu say tới mức gấp 15 lần mức phạt nặng nhất, vi phạm giao thông khi chở 3 và gây tai nạn chẳng khác nào hành vi giết người.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện, để lại nỗi đau mất mát và hậu quả xã hội rất lớn. Nhưng vì sao những vụ tai nạn như vậy vẫn cứ xảy ra? Làm thế nào để ngăn chặn được tài xế “ma men” lái xe - những hung thần đúng nghĩa trên đường?
Thực tế, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, nhiều người đã biết sợ mà không dám vi phạm. Song dường như cho đến nay, đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất chấp, coi thường pháp luật.
Trong đợt tổng kiểm soát phương tiện vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tức là trung bình mỗi ngày 600 trường hợp. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không được phát hiện và xử lý kịp thời? Và trên thực tế, lực lượng CSGT đâu có đủ quân số để hàng ngày hàng giờ phát hiện được ở khắp mọi nơi?
Cùng với việc tăng mức phạt vi phạm giao thông lên tối đa 75 triệu đồng như đề xuất trong dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, có lẽ đã đến lúc tính tới việc phạt tù, tước bằng lái vĩnh viễn với những tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn nghiêm trọng hoặc tái diễn nhiều lần. Bởi xem ra, chỉ phạt tiền không thôi thì chưa đủ mức răn đe, kể cả mức phạt cao.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-tu-ma-men-lai-xe-moi-du-suc-ran-de-d469103.html