'Ma men' dẫn đường cho án mạng

Họ là những người hiền lành, tốt bụng nhưng khi rượu, bia vào thì bỗng chốc trở thành 'hung thần'. Lời nói và hành động mất kiểm soát, những cơn nóng giận bộc phát, sự hận thù từ đâu trỗi dậy...

Vụ án giết người vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng và ghê sợ. Trần Kha (sinh năm 1999, cư ngụ trên địa bàn huyện Long Phú), một thanh niên chưa vợ con, việc làm không ổn định nhưng ăn nhậu thì “bền vững”. Bà T (người dự khán, hàng xóm của Kha) cho biết: “Ngày nào, tôi cũng thấy mấy thanh niên trong xóm tụ tập nhậu nhẹt. Khi người lớn la rầy, bọn nó thường nói là đi làm về mệt nên nhậu xỉn cho dễ ngủ. Thật ra, bọn nó cũng hiền lành, không làm gì ảnh hưởng đến xóm giềng. Đâu ai có ngờ sự tình lại ra nông nỗi này”.

Hôm ấy, Kha và người bạn uống rượu say nhưng không chịu đi ngủ như mọi khi mà muốn nhậu tiếp. Thế là 2 người bạn nhậu lên đường tìm chiến hữu và đã đến nhà rủ rê thêm một người bạn khác. Thấy bạn nhậu đến nhà, gia chủ cũng vui vẻ đồng ý nhậu, kêu đợi chút để lo mồi. Khi đó, Kha lân la đến hỏi việc hôm qua bạn tìm mình có việc gì không và được đáp: “Kiếm nhậu chứ kiếm làm gì”. Lời nói tưởng như bình thường, vô hại, chẳng hiểu sao, Kha lại tức giận lấy vội cây búa gần đó, chém liên tiếp vào đầu bạn. Mọi người nhìn cảnh đó, khiếp vía kêu la, can ngăn và đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong, do chấn thương sọ não.

Nhiều tội phạm giết người có sự tác động của rượu, bia. Ảnh: V.Đ

Nhiều tội phạm giết người có sự tác động của rượu, bia. Ảnh: V.Đ

Cúi đầu trước tòa, Kha lí nhí trả lời: “Tại bị hại nói chuyện lớn tiếng với bị cáo”. Rồi Kha lắc đầu, bản thân không hiểu sao chỉ vì một câu nói lớn tiếng của bạn mà có thể ra tay tàn ác. Trong khi, giữa bọn họ là chiến hữu thâm tình, không hề có mâu thuẫn hay xích mích gì. “Một câu nói lớn tiếng có đáng để bị cáo tức giận, chém chết người không?” - câu hỏi của chủ tọa phiên tòa không quá lớn nhưng có lẽ đủ làm thức tỉnh kẻ sát nhân. Kha vẫn cúi đầu, thốt ra những lời hối hận nhưng tất cả đã quá muộn màng, bản án chung thân là cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của mình.

Rượu, bia hiện đang “ẩn sau” khá nhiều vụ án hình sự và đưa lối cho nhiều người trở thành tội phạm. Như trường hợp của bị cáo Lý Nhựt (sinh năm 1975, ngụ tại huyện Trần Đề), vì những câu nói đùa của hàng xóm và bị “ma men” thúc giục đã gây nên tội ác. Hôm đó, mua được chiếc xe gắn máy cũ, Nhựt đã rủ bạn nhậu để ăn mừng đến say khướt. Lúc đang nhậu, bà hàng xóm đi ngang qua, nói đùa việc Nhựt không biết chạy xe mà lại mua xe. Có lẽ, lúc bình thường, người ta thường dễ dàng bỏ qua những lời bông đùa nhưng khi có chất men vào khiến một số người thích hơn thua và đôi lúc “chuyện bé, xé ra to”. Nhựt cũng vậy, tự ái khi nghe những lời hàng xóm trêu chọc nên quyết đến tận nhà chửi bới với những lời thô tục. Một thanh niên hàng xóm nghe thấy, định “chỉnh” cách cư xử của Nhựt và hai bên đã có lời qua, tiếng lại. Cuối cùng, Nhựt lấy dao đâm thanh niên hàng xóm tử vong, vì dám nhiều chuyện, xen vào việc khẩu chiến của mình.

Có những trường hợp “ma men” giết người chẳng cần lý do. Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 1994, cư trú trên địa bàn TP. Sóc Trăng) đi nhậu say, được bạn chở về. Lúc đó, người bạn bỗng dừng xe lại, chạy vào quán nước, rồi rượt đuổi theo một người nào đó. Chẳng hiểu chuyện gì, Đạt cũng chạy theo lấy dao đâm chết người xa lạ… Hầu hết, những tội phạm giết người có sự giúp sức của “ma men” đều có chung điệp khúc: “Tại bị cáo say quá, bị cáo không biết sao mình lại làm vậy”. Nhưng luật pháp rất nghiêm minh, giết người phải đền tội và say rượu khi phạm tội không phải là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Hiện nay, một số người vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu; không vui, không buồn cũng nhậu và việc sử dụng rượu, bia là một thói quen của nhiều người. Rượu, bia là chất kích thích, gây nghiện, người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc dẫn đến tình trạng lạm dụng, nghiện ngập. Lạm dụng rượu, bia có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, cộng đồng và xã hội. Từ các vụ án trên, nhận thấy việc uống rượu, bia quá nhiều có thể làm cho con người mất khả năng kiểm soát và điều khiển bản thân. Chính vì thế, mỗi người nên có ý thức kiềm chế rượu, bia để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc, khi hối hận thì đã quá muộn màng.

V.Đ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/ma-men-dan-duong-cho-an-mang-58235.html