Nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn nhưng bất hợp tác, kéo dài thời gian để gọi điện thoại nhờ cứu viện với vô vàn lý do.
Chiều 21/4, tổ công tác của Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội sử dụng mô tô đặc chủng tuần tra lưu động trên các tuyến phố. Khi phát hiện tài xế có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển xe, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Sau khoảng 15 phút triển khai, tổ công tác đã phát hiện lái xe D.X.V điều khiển xe máy mang BKS 98V-962.XX đang lưu thông trên tuyến phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có nhiều biểu hiện bất thường nên đã yêu cầu dừng xe, đồng thời di chuyển về trụ sở Đội CSGT số 1 cách đó 200m để kiểm tra nồng độ cồn. Qua kiểm tra, lái xe V vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,164 mg/L khí thở. Với lỗi vi phạm này, lái xe V đã bị xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Chị Lê Thị Hằng, vợ tài xế V chia sẻ: “Do trời nóng lại vừa đi đường xa từ Bắc Giang đến Hà Nội nên chồng tôi có uống 1 cốc bia trong lúc ăn trưa. Do chủ quan là mình uống ít, còn tỉnh táo nên vẫn lái xe. Sau khi được CSGT giải thích lỗi và nhắc nhở, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và chắc chắn sẽ không tái phạm nữa”.
Trường hợp anh P.V.H điều khiển xe máy trên đường cũng được CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Làm việc với lực lượng CSGT, ông H cho biết trước đó có uống một lon bia. Ông H cũng nghĩ uống vậy là không quá nhiều nên vẫn có thể chạy xe an toàn.
Sau một hồi phân trần, người đàn ông này đành chấp nhận ký biên bản xử phạt, đồng thời chấp nhận để lực lượng CSGT tiến hành tạm giữ phương tiện vi phạm. Với kết quả đo nồng độ cồn là 0,160 mg/L khí thở, ông H cũng bị xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đa số các trường hợp sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền, giải thích đều vui vẻ nhận lỗi và chấp nhận ký vào biên bản xử phạt.
Việc kiểm tra nồn độ cồn được thực hiện nhanh chóng bằng test nhanh của máy đo. Tài xế chỉ cần thổi một lượng hơi nhỏ vào phễu kiểm tra, máy sẽ báo kết quả có phát hiện cồn hay không.
Sau khi xác định tài xế đã sử dụng rượu bia, lực lượng CSGT sẽ chuyển sang chế độ đo định lượng để cho ra kết quả cuối cùng, từ đó xác định mức độ vi phạm và khung xử lý theo Nghị định 100.
Nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn, bị dừng xe kiểm tra xử lý nhưng bất hợp tác, kéo dài thời gian để gọi điện thoại nhờ cứu viện với các lý do thì muôn hình vạn trạng. Như trường hợp lái xe này, mặc dù được lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thế nhưng người này vẫn cố tình trì hoãn, gọi điện thoại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, “Với đặc thù địa bàn là các tuyến phố cổ, đan xen nên các lái xe khi phát hiện thấy chốt của lực lượng chức năng có thể dễ dàng lẩn tránh vào các ngõ ngách, buộc lực lượng CSGT phải tuần tra lưu động để kịp thời phát hiện vi phạm. Trong thời gian vừa qua, các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã giảm hẳn. Trong 1 ca công tác có thể kiểm tra khoảng 500 xe nhưng không phát hiện trường hợp nào. Trong quá trình kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm say vẫn muốn tìm mọi cách để xin, bỏ qua vi phạm. Có nhiều trường uống nhiều quá dẫn đến hành vi và lời nói không đúng mực, gây khó cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý”.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải cũng thông tin, từ ngày 15/3 – 14/4, Đội CSGT số 1 đã xử lý 276 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 276 phương tiện, trong đó có 7 ô tô, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng
Được biết, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm./.