Ma nhai Ngũ Hành Sơn - Di sản tư liệu thế giới cực kỳ giá trị về giao thoa văn hóa
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá với số lượng lớn có nội dung, hình thức độc đáo như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn... của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại đây.
Ngày 26/11, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 26/11/2022 tại Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc, "Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam" chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) của tỉnh Hà Tĩnh.
MOWCAP được thành lập năm 1998. Đây là diễn đàn khu vực thuộc Chương trình Ký ức thế giới (MOW) của UNESCO thành lập năm 1992 với mục đích ghi nhận, hỗ trợ bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là các văn bản, bản khắc, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay bút tích có giá trị lịch sử văn hóa.
MOWCAP là một trong 5 Ủy ban cấp khu vực của MOW gồm Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe, Liên bang Ả rập với khoảng 100 quốc gia thành viên của 5 khu vực. MOWCAP được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ bảo tồn, phổ cập và nâng cao nhận thức về sự tồn tại cũng như tầm quan trọng của các di sản tư liệu thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm
Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm).
Ma nhai là thuật ngữ chuyên môn chỉ các văn tự khắc lên vách núi tự nhiên đã có sự gia công bề mặt.
Bia ma nhai có nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…
Đặc biệt, với nhiều lần tuần du Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng ngự bút cho 7 bia ma nhai đại tự cho các hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Động Thiên Phước Địa, Vân Căn Nguyệt Quật, Vân Nguyệt Cốc. Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…
Không chỉ vậy, bia ma nhai Ngũ Hành Sơn còn là phương tiện để cho các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay.
Tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.
Trong đó, ma nhai "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật" lưu giữ những "ký ức" về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ 17.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Với những giá trị nổi bật đó, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được Hội đồng MOWCAP công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Đôi nét về danh thắng Ngũ Hành Sơn
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8km. Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp sông Cổ Cò; Phía Nam giáp khu dân cư phường Hòa Hải; Phía Bắc giáp khu dân cư phường Hòa Hải" có thể nói gọn hơn: "Phía Đông giáp Biển Đông; Phía Tây giáp sông Cổ Cò; Phía Nam và phía Bắc giáp khu dân cư phường Hòa Hải".
Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có vị trí địa lý hết sức thuận lợi: Là điểm đến của du khách bốn phương trên con đường di sản Miền Trung: Cố Đô Huế – Ngũ Hành Sơn – Phố cổ Hội An và Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn, bên cạnh đó khu danh thắng còn có biển, có sông và núi rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch.
Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm 6 ngọn núi đá vôi: Thiên Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa quần thể danh sơn này từng có tên là Ngũ Chỉ Sơn tức năm ngón tay của Phật, hay Ngũ Uẩn Sơn nghĩa là năm thứ ngăn che làm cho con người không nhận biết được chân tánh của chính mình, theo quan niệm Phật giáo.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có một quần thể di tích văn hóa, bao gồm một phức hợp di tích danh thắng với các ngôi cổ tự danh tiếng: Thái Bình, Vân Phong, Phổ Đà, Bình An, sau này là Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm, Tam Tôn, cùng với hệ thống hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Ngoa Nghiêm, Vân Không.
Ngày 22/3/1990, khu danh thắng này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày nay, danh thắng Ngũ Hành Sơn do Ban Quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn quản lý.
Vào lúc 12 giờ 30 phút (tức 10 giờ 30 phút giờ Việt Nam) ngày 26/11/2022, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ "Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng" và "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kỳ họp lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm 116 đại biểu đến từ 20/28 quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam tham dự có đại diện của Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Tĩnh.
Nội dung của Hội nghị toàn thể tập trung đánh giá các hoạt động của MOWCAP đã triển khai từ năm 2018 đến 2022 thông qua báo cáo của Ban Thư ký và các quốc gia thành viên; góp ý và thông qua một số nội dung sửa đổi trong Quy chế hoạt động và Hướng dẫn bảo vệ di sản tư liệu của Chương trình; phần quan trọng nhất là xem xét và thông qua các hồ sơ đề cử ghi vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham quan Viện Nghiên cứu Hàn Quốc và dự lễ khai trương Văn phòng Ban Thư ký của MOWCAP đặt tại đây.
Sau 3 ngày làm việc liên tục, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua 9/13 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương thuộc các quốc gia: Singapore (1), Indonesia (1), Iran (1), Hàn Quốc (2), Trung Quốc (2) và Việt Nam (2).
Nguồn: MOWCAP, Cục Di sản văn hóa, Sở Du lịch Đà Nẵng, Cổng TTĐT Đà Nẵng