Mã Pí Lèng
Nóng suốt tuần qua trên mạng là cuộc tẩy chay rầm rộ chưa từng có, nhắm thẳng vào cái dãy khách sạn, nhà hàng bê tông lởm khởm, màu mè ngự trên sườn đỉnh Mã Pí Lèng. View phong cảnh kỳ vỹ, trác tuyệt nhất Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc đã bị một kẻ buôn bán nơi ăn chốn ngủ ngồi đè lên. Một công trình ngang nhiên chẳng cần xin phép ai.
Càng thêm nhạo báng, khi khối bê tông 7 tầng cướp đi tầm nhìn tự nhiên một cách trắng trợn ấy được đặt cái tên đầy nghệ thuật phong cảnh: Panorama.
Cũng có những phản bác gay gắt theo chiều ngược lại. Tất nhiên. Như mọi cuộc tranh luận mỗi khi bảo vệ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử trên xứ sở này. Rằng phải “đầu tư” mạnh thì du lịch mới phát triển chứ! Các ông bà cứ muốn giữ mọi thứ nguyên sơ để “tự sướng” cho mình, xong rồi kéo nhau về hết, để dân ở lại cạp đá mà ăn đến bao giờ?!
Tôi cho rằng lập luận trên chỉ là ngụy biện. Ít nhất là với trường hợp như Mã Pí Lèng. Du khách không phải chỉ muốn giữ nguyên cảnh đẹp cho những bức ảnh selfie riêng mình, còn lại mặc kệ dân nghèo. Mà Mã Pí Lèng cũng như bao cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, hiếm hoi khác nơi địa đầu Hà Giang này đang chính là nồi cơm của toàn thể đồng bào. Những kẻ ngồi xổm lên nồi cơm ấy của dân nghèo hòng chiếm giữ cho riêng mình mới đáng bị người dân “đuổi cổ”. Mất điểm nhìn tự nhiên Mã Pí Lèng, mất không gian hẻm vực Tu Sản, mất cảnh sắc sông Nho Quế, Công viên đá Đồng Văn,… thì chẳng còn ai bỏ công sức ngược trời tìm đến nơi này. Củ măng rừng, lít rượu ngô, tấm khăn thổ cẩm của đồng bào chả biết bán cho ai.
Tôi có người bạn vong niên là thầy giáo nghèo, đã phải tích cóp ròng rã mấy năm trời mới đủ chi phí cho một chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình. Mà như xếp hạng của kênh truyền hình Dave (Anh quốc), thì đây là một trong những “cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất thế giới”, ngang ngửa với việc chinh phục đỉnh Everest. Nên biết rằng, cả năm 2017 tour thám hiểm Sơn Đoòng chỉ đón tổng cộng 740 lượt khách, năm 2018 phục vụ 900, và 2019 sẽ khống chế con số dưới 1.000 khách. Tương lai cũng sẽ vậy. Dù với chi phí “khủng” gần 70 triệu đồng mỗi người, nhưng một suất đăng ký phải chờ đợi cả mấy tháng trời.
Tôi cũng có những người bạn háo hức khám phá Bhutan – quốc gia hạnh phúc, với chi phí ‘”khủng” tới cả trăm triệu đồng mỗi chuyến. Tất nhiên không phải chỉ để check in một điểm đến mới lạ và khó tính, mà chủ yếu nhằm khám phá và lưu giữ một giá trị mong manh giữa thời buổi kim tiền này.
Hà Lan, quốc gia châu Âu đang tìm cách “đuổi” bớt du khách một cách quyết liệt. Bằng cách thu thêm “tiền tươi” khá nặng nề với mỗi du khách đến thủ đô Amsterdam. Bằng cách tăng cao ngất thuế thuê phòng khách sạn. Cả với cách dỡ bỏ hàng chữ nổi tiếng “I amsterdam” ngay tại thủ đô, nhằm khiến cho du khách mất hứng thú với nơi này. Để giảm áp lực đám đông, tăng giá trị của điểm đến.
Vậy thì tại sao những giá trị hiếm hoi bậc nhất như cảnh quan Mã Pí Lèng, lại để cho một doanh nghiệp đơn phương chiếm cứ và xây cất trái phép? Mà chẳng ai làm được gì?!
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/ma-pi-leng-1471950.tpo