Má Tám anh hùng
Đến Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, tôi nán lại khá lâu ngắm nhìn bức ảnh một cụ bà mái tóc điểm trắng với nụ cười hiền lành đượm buồn. Cụ mặc chiếc áo dài, đậm chất người phụ nữ Nam bộ. Qua tìm hiểu tôi mới biết bức ảnh đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Tân, mọi người hay gọi với cái tên thân thương má Tám.
Má Tám sinh năm 1910 (có một số giấy tờ ghi má Tám sinh năm 1906), tại làng Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc TX. Ngã Năm), là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuổi thơ của má Tám nhiều cơ cực, 3 tuổi đã mồ côi cha mẹ, nhờ những tấm lòng tương thân tương ái của hàng xóm láng giềng, má Tám được nuôi dưỡng. Khi lên 9, lên 10, má Tám đi ở đợ cho địa chủ, thường bị đòn roi, bỏ đói… 18 tuổi, má Tám lập gia đình, rồi về quê chồng ở Vĩnh Long lập nghiệp. Được một thời gian, gia đình má Tám lại về Mỹ Quới sinh sống.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, má Tám đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Má Tám luôn giữ vững quan điểm: “Có Đảng và Bác Hồ mới quan tâm tới người nghèo cùng khổ, còn bọn chúng chỉ biết đè đầu cưỡi cổ dân nghèo. Không theo Đảng thì theo ai?”. Cả cuộc đời má gắn liền với cống hiến và hy sinh. Những năm tháng trường kỳ kháng chiến, má Tám đã cống hiến cả sức lực, tài sản để phục vụ các hoạt động cách mạng. Má vào hiểm ra nguy che giấu cán bộ cách mạng. Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả, má Tám vẫn cặm cụi lao động, làm được bao nhiêu má để dành nuôi quân, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ, chiến sĩ. Má vận động bà con bám đất, giữ làng, cùng với đội quân tóc dài đấu tranh trực diện với kẻ thù. Đặc biệt, trong đấu tranh chính trị, má Tám luôn là người “đứng mũi chịu sào”, mưu trí, dũng cảm, bình tĩnh hướng dẫn bà con đấu lý với kẻ thù, làm kẻ thù khiếp sợ và được nhân dân, đồng chí tin yêu.
Những người con trai của má cũng noi theo gương má, lên đường chiến đấu đánh giặc cứu nước. Các anh: Nguyễn Văn Huẩn (Quẩn), Nguyễn Văn Quận, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Phải (Nguyễn Trí Phải) và người cháu nội Nguyễn Văn Dũ (con trai anh Huẩn)… lần lượt ra đi theo tiếng gọi non sông không hẹn ngày trở về. Năm 1960, anh Nguyễn Văn Quyền là người đầu tiên nhập ngũ. Năm 1962, thì anh Nguyễn Văn Nhơn tiếp bước lên đường. Anh Nguyễn Văn Quận nhập ngũ năm 1963; năm 1968, anh Nguyễn Văn Huẩn và anh Nguyễn Văn Phải cũng tiếp bước cầm súng đánh giặc. Các anh nối tiếp truyền thống gia đình, dũng cảm xông pha, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các anh cũng giữ nhiều chức vụ chỉ huy của tiểu đội, trung đội, đại đội và nhận thưởng huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3. Má Tám cùng người con gái, con dâu ở lại quê nhà, vừa hoạt động cách mạng vừa là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm chiến đấu. Cũng không nhớ bao lần má Tám bị giặc bắt, hết dỗ ngọt đến tra khảo, đánh đập tàn nhẫn nhưng má Tám vẫn vững quan điểm, không khuất phục kẻ thù.
Thế rồi, má Tám chỉ có ngày tiễn con đi, còn ngày đón các con về không bao giờ đến với má. Năm 1963, anh Nguyễn Văn Quyền hy sinh; 2 năm sau (năm 1965), anh Nguyễn Văn Quận cũng hy sinh. Nỗi đau chưa vơi thì năm 1970, anh Nguyễn Văn Huẩn và anh Nguyễn Văn Phải vĩnh viễn không trở về với má. Nỗi đau như chồng chất trên đôi vai bé nhỏ của má Tám, người con trai Nguyễn Văn Nhơn cũng không về được với má (anh hy sinh năm 1972), không cùng má Tám vui ngày đất nước hòa bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 5 người con trai và 1 người cháu nội của má Tám đã anh dũng hy sinh.
Với những công lao, thành tích to lớn trong kháng chiến, má được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2005, má Tám qua đời nhưng đã để lại cho con cháu niềm tự hào về những cống hiến không mệt mỏi của má Tám.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/ma-tam-anh-hung-29442.html