'Ma trận' bãi cọc dày đặc trên sông Rác

Mặc dù địa phương đã tuyên truyền, triển khai nhiều biện pháp nhưng đến nay, hàng ngàn bãi cọc cắm dày đặc trên lòng sông Rác (đoạn qua xã Cẩm Lĩnh và xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa được tháo dỡ.

Video: "Ma trận” bãi cọc vẫn án ngữ dày đặc trên sông Rác

Có mặt tại xã Cẩm Lĩnh và xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên), chúng tôi ghi nhận, dọc hai bên lòng sông Rác, kéo dài nhiều km đoạn qua hai địa phương này, tình trạng các bãi cọc bê tông, cọc tre, cọc gỗ với kích thước các loại và các vật dụng lốp xe đạp, dây thép, dây thừng... được chằng néo vẫn tồn tại dày đặc, xếp từng lớp, ngổn ngang, chưa được tháo dỡ.

 Bãi cọc được cắm sâu xuống lòng sông và chiếm diện tích rộng lớn

Bãi cọc được cắm sâu xuống lòng sông và chiếm diện tích rộng lớn

Các bãi cọc này chiếm dụng nhiều diện tích rộng lớn, nhất là gần khu vực chân cầu Cẩm Lĩnh. Khi thủy triều xuống, dòng sông Rác bị chia thành nhiều luồng lạch, diện tích mặt nước thu hẹp do bị ngăn cách bởi các bãi cọc.

Tàu thuyền di chuyển qua lại trên khu vực này phải đi chậm để tránh va phải các bãi cọc. Khi thủy triều lên, bãi cọc trở thành những "bẫy ngầm", tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hư hại đối với tàu thuyền của ngư dân qua lại.

 Các bãi cọc xếp lớp, phía trên được chằng néo bằng lốp xe đạp, xe máy hỏng

Các bãi cọc xếp lớp, phía trên được chằng néo bằng lốp xe đạp, xe máy hỏng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết, trên lòng sông Rác đoạn từ xã Cẩm Trung đến xã Cẩm Lĩnh có khoảng 78 hộ dân tự ý đóng bãi cọc các loại để nuôi trồng thủy hải sản với tổng diện tích lên đến khoảng 30-35ha.

Tình trạng đóng bãi cọc trên sông Rác đã kéo dài từ nhiều năm trước. Thời gian qua, địa phương và các lực lượng chức năng, người dân cũng đã tiến hành tháo dỡ được hơn 2.000 cọc trên diện tích khoảng 3ha. Tuy nhiên, do số lượng bãi cọc còn nhiều nên vẫn chưa thể tháo dỡ hết.

 Bãi cọc được cắm sâu từng lớp trên sông

Bãi cọc được cắm sâu từng lớp trên sông

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết, hiện nay, địa phương đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cụ thể, vừa tuyên truyền, đôn đốc, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân đồng thuận tháo dỡ các bãi cọc, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, do việc các bãi cọc này được cắm sâu trên lòng sông từ lâu với số lượng lớn nên cũng cần phải có các phương tiện, máy móc và cần nhiều thời gian để tiến hành tháo dỡ.

Trước đó, vào tháng 9-2024, Báo SGGP đã từng phản ánh về tình trạng người dân địa phương tự ý chiếm dụng và đóng hàng ngàn bãi cọc bê tông, cọc tre, cọc gỗ, chằng néo sắt thép, dây thừng, lốp xe máy, xe đạp hỏng trên lòng sông Rác để nuôi hàu tự nhiên trái phép.

Việc làm này đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đánh bắt thủy hải sản, vừa gây mất an toàn giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm hư hại tàu thuyền qua lại, nhất là vào mùa mưa lũ...

Chính quyền địa phương sau đó đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân vi phạm phải thực hiện việc tháo dỡ các bãi cọc này, trả lại hiện trạng ban đầu của lòng sông Rác nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

>> Một số hình ảnh bãi cọc dày đặc trên lòng sông rác:

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ma-tran-bai-coc-day-dac-tren-song-rac-post790366.html