Ma trận sách giả trên không gian mạng
Lâu nay sách giả, sách lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành Xuất bản. Nếu nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức 'in và bán lậu,' thì nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với các hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng.
Nền tảng trực tuyến thành thị trường béo bở
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, chỉ cần gõ vài dòng tìm kiếm trên mạng, người mua có thể tìm thấy rất nhiều bộ sách luyện thi IELTS với giá chỉ bằng 20-50% so với giá niêm yết trên thị trường.
Không chỉ sách IELTS, rất nhiều loại sách văn học, kinh tế, tâm lý, xã hội, truyện ngôn tình, giả tưởng,… cũng bị in lậu và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội hay trang thương mại điện tử. Đặc biệt, có những cuốn sách nổi tiếng được rao bán với giá chiết khấu lên tới 50%, tuy nhiên, khi nhận sách, chất lượng lại rất kém từ mực in cho tới giấy. Nhiều sản phẩm dù có cả mã QR như sách thật nhưng khi quét mã thì lại không ra bất kì thông tin nào của nhà xuất bản.
Chị Đỗ Quỳnh Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị là fan cứng của các tác phẩm văn học kinh điển, nên rất hào hứng khi tìm thấy trên một số trang Facebook, Tiktok bán sách với giá chiết khấu lên tới 30 - 50%. Tin tưởng bởi những lời mời chào hấp dẫn từ các chủ sách online, chị Quỳnh Mai mua combo 2 tác phẩm là Sông đông êm đềm và Những người khốn khổ với giá 300.000 đồng (giá gốc gần 1 triệu đồng). Tuy nhiên khi nhận sách, chị nhận thấy phần gáy sách được dán rất lỏng lẻo, dễ bị bong, giấy mỏng, mực in xấu, sách cầm lên nhẹ tay và đặc biệt có rất nhiều lỗi chính tả.
“Là một người yêu sách, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi mua phải một cuốn sách kém chất lượng. Cảm giác cầm trên tay hay đọc đều không thoải mái”, chị Quỳnh Mai cho hay.
Phía Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) thống kê, trong số 1.000 tựa sách của đơn vị này có tới 20 -30% sách bị in lậu. Có những cuốn xuất bản khoảng 2-3 tuần, hiệu ứng truyền thông tốt, lập tức bị làm giả, bán công khai trên các nền tảng mạng. Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) cũng thông tin, có hơn 100 tựa sách đang bị in lậu, chiếm 60% số tựa sách bán chạy của đơn vị.
Bên cạnh vấn nạn sách in lậu được bán trên không gian mạng, hiện nay ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) cũng dễ dàng bị sao chép. Công nghệ hiện đại giúp việc lưu hành các hình thức sách điện tử nhanh chóng và dễ dàng hơn so với in lậu. Hàng loạt sách mới, sách bán chạy do các đơn vị xuất bản trong nước nắm giữ bản quyền bị các cá nhân, tổ chức tự ý sao chép và phát tán công khai trên các trang mạng xã hội. Ngoài ebook, những trang này còn tạo ra các dạng audiobook chia sẻ với mục đích thu phí hoặc tính lượt truy cập để kinh doanh quảng cáo…
Ông Nguyễn Văn Phước, CEO của First News - Trí Việt cho biết, đơn vị đã có hành trình 26 năm tuyên chiến với vấn nạn sách giả. First News cũng từng 2 lần khởi kiện các bên sản xuất và bán sách lậu, tuy nhiên cả hai đều đi vào “ngõ cụt”, cũng do những lỗ hổng trong chế tài dẫn đến phía sản xuất và tiêu thụ sách giả, sách lậu thì không bị xử phạt, trong khi đơn vị xuất bản chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Sách giả, sách lậu hiện nay được rao bán, quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Các đối tượng bán sách giả, sách lậu thường lựa chọn những đầu sách được in ấn đơn giản, không công phu, ít ảnh bên trong. Các thể loại sách được in lậu thường là sách kinh tế, tâm lý, self-help…
Theo ông Nguyễn Văn Phước, các thủ đoạn in sách lậu, sách giả rất tinh vi, như thuê kho tại các địa điểm có nhiều lối ra vào, đóng gói, vận chuyển sách vào ban đêm để tránh bị phát hiện…Sách giả, sách lậu cũng được in ấn tinh vi hơn, với mức độ giống sách thật lên tới 95%, ngay cả người làm sách cũng khó có thể phát hiện sự khác nhau. Những điều này đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng, các nhà xuất bản và người làm sách.
Cần có chế tài xử phạt nặng
Sách giả, sách lậu khiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản tuân thủ pháp luật chịu thiệt hại lớn; tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không thu được phí tác quyền; cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn để phát hiện vi phạm và xử lý, thị trường bất ổn do cạnh tranh thiếu lành mạnh. Về phía độc giả, việc mua sách giả không chỉ thiệt hại về vật chất mà cả tinh thần. Chất lượng sách thấp, đặc biệt là ebook dạng hình ảnh, audiobook giọng đọc ngọng, không truyền cảm… khiến người đọc không thể cảm thụ đầy đủ nội dung cuốn sách.
Theo quy định của pháp luật, việc tàng trữ, phát hành xuất bản ấn phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng, nếu thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên, thì khung hình phạt tù sẽ là từ 7 - 15 năm. Tuy nhiên, những mức phạt này chưa đủ sức răn đe để ngăn được diễn biến phức tạp của sách lậu.
Xuất phát từ thực tiễn phòng chống in lậu, làm sách giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, ông Phạm Đức Phi - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm, cần xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Tòa án, Quản lý thị trường… để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó là nghiên cứu, sửa đổi luật liên quan theo hướng chế tài đủ mạnh, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành…Bên cạnh đó, bản thân các nhà xuất bản cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông sản phẩm chính hãng, sách thật, xuất bản phẩm chính thức có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt đến bạn đọc.
Còn đại diện Thái Hà Books cho rằng, các đơn vị xuất bản sách cần đưa ra bộ nhận diện thương hiệu (tem chống hàng giả, thiết kế logo, tem QR code…), tăng cường truyền thông và quảng bá hình ảnh sách của mình. Đối với cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc in ấn và phát hành sách giả, sách lậu, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị in lậu. Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chặn IP (địa chỉ số) của các đơn vị, các trang bán sách giả. Các cơ quan chủ quản cần kiểm soát các hình thức bán hàng, flash sale, chiến dịch bán hàng với chiết khấu cao để ổn định thị trường chung.
Theo đại diện Alpha Books, ngoài sự hỗ trợ về pháp luật của cơ quan chức năng, nhân tố quyết định sự thành bại trong “cuộc chiến” chống in ấn và phát hành sách giả, sách lậu, chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi người đọc có đủ khả năng nhận biết sách thật, sách lậu, ý thức được việc mua sách thật là tôn trọng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ma-tran-sach-gia-tren-khong-gian-mang-158642.html