Ma trận sữa giả: Làm sao để làm người tiêu dùng thông thái?

Những thông tin tiêu cực về vụ việc sản xuất sữa bột giả ở Chương Mỹ, Hà Nội đang tác động mạnh đến người tiêu dùng nội địa. Nếu cơ quan chức năng cũng như cơ quan quản lý nhà nước về kiểm định, an toàn thực phẩm, cấp phép... không siết lại thì sữa hoàn toàn có nguy cơ trở thành thị trường mất niềm tin nhất trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024, các đơn vị trong ngành đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 40,9% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,53 tỷ đồng.

Về phía Bộ Công an cũng phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.854 vụ so với năm 2023) với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.917 so với năm 2023), trong đó 8.490 cá nhân và 488 tổ chức.

Các cấp cơ quan điều tra đã khởi tố 62 vụ, 97 bị can (tăng 29 vụ, 63 bị can so với năm 2023). Về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có 43 vụ; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 9 vụ; các tội khác liên quan đến thực phẩm 10 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 8.374 vụ (tăng 3.864 vụ so với năm 2023) với 7.949 cá nhân, 517 tổ chức; tổng tiền phạt vi phạm hành chính hơn 36,1 tỷ đồng (tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2023).

Những con số biết nói nêu trên cho thấy, sữa giả đã có từ lâu trên thị trường 100 triệu dân với khoảng 2.000 nhãn hiệu các loại (cả trẻ em và người lớn). "Ma trận" thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng dễ bị mắc lừa xài đồ dỏm.

 Ma trận sữa giả khiến người tiêu dùng bối rối!

Ma trận sữa giả khiến người tiêu dùng bối rối!

Theo các chuyên gia, dù sản xuất sữa đã có những tiêu chuẩn rất khắt nhe, nhưng ít có nước nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra đời một sản phẩm sữa như Việt Nam.

Một doanh nghiệp chỉ cần có vài tỷ đồng, chẳng cần chứng minh một năng lực gì cũng có thể đăng ký và cho ra đời một nhãn hiệu sữa và thuê các "ngôi sao" quảng cáo "banh nốc" về sản phẩm đó.

Còn nhớ, tháng 8.2024, một cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh đã ra quyết định bắt Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương về tội sản xuất sữa giả với quy mô lớn. Tổng giám đốc vốn là một dược sĩ, dám "nhái" nhãn hiệu Sữa Cô gái Hà Lan, vậy mà cơ quan chức năng cũng cấp giấy phép sản xuất.

Vụ việc trên khiến FrieslandCampina phải lên tiếng khẳng định rằng Công ty CP Sữa Hà Lan là một công ty Việt Nam có tên… gần giống với sản phẩm của công ty, chứ hoàn toàn không liên quan đến Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam cũng như thương hiệu Sữa Cô gái Hà Lan.

Thậm chí có người dám làm sữa giả, bán online công khai với số lượng lớn trước khi bị bắt, cũng dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, chỉ sau 2 tháng đã thu lợi bất chính 3 tỷ đồng.

Đó là vụ án làm sữa giả do Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ Quận 12, TP. HCM) cùng 7 người liên quan, bị Công an phát hiện và truy tố hồi tháng 01.2024. Đối tượng Công đã sản xuất số lượng sữa giả có quy mô lớn, ước tính trị giá tới 14,5 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 200 kiện hàng chứa khoảng 150.000 vỏ lon sữa các nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo một chủ cửa hàng sữa nhập khẩu trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), thị trường sữa gọi những loại giả như vậy là "sữa cỏ”, theo đúng như nghĩa đen của nó, với siêu lợi nhuận, lừa đảo người tiêu dùng bằng chính giả rẻ của nó. Thực tế, với cùng trọng lượng, giá "sữa cỏ” chỉ bằng 1/4 đến 1/3 giá sữa thật.

Tất nhiên, họ cũng quảng cáo "sữa cỏ” rằng có chất lượng cao với đầy đủ các dưỡng chất như những sản phẩm của các hãng lớn có bề dày đầu tư nghiên cứu và phát triển...

Nạn nhân sập bẫy nhiều nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi kiến thức sản phẩm sữa dinh dưỡng còn hạn chế và cơ hội lựa chọn sản phẩm không nhiều.

Song Lê (tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ma-tran-sua-gia-lam-sao-de-lam-nguoi-tieu-dung-thong-thai-post410413.html