'Ma trận' taxi dù 'chặt chém' hành khách khu vực bến xe Giáp Bát
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, tại khu vực bến xe Giáp Bát (Hà Nội) tình trạng taxi dù ngang nhiên chèo kéo, chặt chém hành khách diễn ra nhức nhối, gây bức xúc dư luận suốt nhiều năm qua. Các xe này thường xuyên đón trả khách không đúng nơi quy định, không tuân thủ giá cước niêm yết, thậm chí bắt chẹt, chặt chém hành khách.
Nhan nhản taxi dù
Những ngày cuối tháng 2/2021, PV khảo sát tại khu vực bến xe Giáp Bát (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), nơi giới tài xế kháo nhau là lãnh địa của taxi dù.
Trong vai hành khách đón xe đi bệnh viện Phụ sản Trung ương, PV được tài xế xe BKS 30A -XXX.54, đề tên B.L đon đả mời chào.
Thấy vẻ e ngại của PV về chiếc xe không có đồng hồ tính cước, tài xế nhanh nhảu: “Anh chạy taxi mà. Đây lên đó anh lấy 200.000 đồng. Anh ước lượng số cây số tính cước, chứ đồng hồ bị hỏng chưa kịp thay”.
Trên hành trình di chuyển, tài xế cho biết: “Các xe taxi đề tên B.L hoạt động ở ngõ 897 Giải Phóng đều là xe của Công ty. Khu vực đứng đón khách là vị trí độc quyền công ty bỏ tiền ra mua lốt. Các xe ngoài không được phép bén mảng hoạt động tại đây, nếu không chấp hành, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì bị dằn mặt".
PV tiếp tục thắc mắc sao taxi hãng B.L lại được “đặc quyền” này? Nam tài xế cho biết: “Chú em tưởng đơn giản à, các taxi đỗ ở đây phải bôi trơn hết cả rồi. Từ phường, quận cho tới các đội thành phố, không thiếu một lực lượng nào là không phải quan hệ".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường Giải Phóng, taxi dù cũng ngang nhiên hoạt động. Sáng 23/2, tại cổng ra bến xe Giáp Bát, trong vai hành khách cần xe đi Rạp xiếc Trung ương (71 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng), đang loay hoay tìm xe, tài xế xe BKS 29A-XXX.40 (trên nóc để tên H.A) hỏi: “Taxi đây, anh đi đâu?”.
Thấy ánh mắt PV nghi ngờ khi xe không có phù hiệu theo quy định, nam tài xế nói: “Đây là taxi xịn, được Sở GTVT cấp phép hoạt động. Hôm nọ chẳng may đi vào đường cấm, nên phù hiệu xe taxi đang bị Thanh tra giao thông giữ, chưa kịp xin cấp lại. Chú em cứ lên xe, đi hết bao nhiêu cây số, đồng hồ sẽ tự tính cước".
Sau khi hành khách bắt đầu ngồi vào xe, đồng hồ tính cước đang chỉ ở mức 11.00 (11.000 đồng) nhưng sau khi xe bắt đầu lăn bánh, đồng hồ cước nhảy liên tục như không hề tuân thủ bất cứ quy tắc nào. Khi xe dừng lại trước cửa Rạp xiếc trung ương - 71 Trần Nhân Tông, số tiền mà đồng hồ cước trên xe báo đã lên tới con số 135.000 đồng.
Thực tế, giá cước mà chiếc xe taxi đề tên H.A áp dụng cao hơn so với taxi chính thống gấp 2 lần. Đoạn đường mà phóng viên đi xe của hãng này chỉ khoảng 7km nhưng phải trả 135.000 đồng (hơn 17.000 đồng/km). Trong khi đó, giá cước taxi của các hãng khác chỉ dao động từ 11-12.000 đồng/km.
Taxi chính hãng kêu trời, cơ quan quản lý "hứa" nhập cuộc
Một lái xe hãng taxi G7 cho biết: “Tại Hà Nội đang bùng phát tệ nạn xe taxi dù hoạt động công khai, chèo kéo khách, giá nào cũng chạy nhưng không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Vì vậy, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và giết chết taxi làm ăn chân chính, phải chịu rất nhiều khoản thuế, phí. Xe dù hoạt động công khai, Nhà nước cũng thất thu thuế, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng trên”.
Cũng theo lái xe hãng taxi G7, một xe đăng ký kinh doanh, được Sở GTVT cấp phù hiệu taxi mỗi tháng đóng thuế, phí các loại khoảng vài triệu đồng nhưng xe chạy dù không tốn đồng tiền thuế nào.
Vấn nạn taxi dù hoạt động tại khu vực bến xe Giáp Bát lộng hành cả thời gian dài mà không bị xử lý. Trong khi, xe của các hãng hoạt động đúng quy định pháp luật, chỉ một chút thiếu sót nhỏ lập tức bị xử phạt ngay.
Hoạt động của taxi dù tạo rào cản lớn cho các cá nhân có xe muốn tham gia kinh doanh. Họ sẽ lựa chọn chạy dù, vì trốn được thuế, không bị kiểm soát.
Anh Lê Ngọc T. - lái xe của hãng xe Mai Linh, cho biết: “Cùng làm nghề với nhau nhưng các lái xe tử tế như chúng tôi cũng vẫn phải kiềng mặt đám taxi dù đấy. Taxi dù hoạt động ở khu vực nhà ga, bến xe vô cùng phức tạp, họ chẳng coi ai ra gì hết, xe thì chạy bạt mạng trên đường, đồng hồ cước chỉnh xong "chạy nhanh hơn ngựa", lại còn tranh giành khách với chúng tôi nữa”.
“Nếu muốn biết đâu là xe dù, đâu là xe hãng cũng không khó. Khách đi xe chỉ cần quan sát kỹ lôgô, số điện thoại trên thân xe và hình dáng bên ngoài của xe thôi. Nếu thấy lôgô dán lem nhem, hình dáng xe cũ kỹ, sơn bả nhiều, lái xe ăn mặc tùy tiện thì phần nhiều đó là taxi dù.
"Còn về chuyện đồng hồ cước thì tôi nghe anh em lái xe nói rằng đồng hồ cước 3 nút bấm phía dưới dãy số điện tử dễ chỉnh cước hơn so với đồng hồ tính cước loại 4 nút bấm. Chính vì vậy các xe taxi dù thường dùng loại đồng hồ này để đặt trên xe” - anh T. tiết lộ.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng TTGT xử lý nghiêm tình trạng taxi dù. “Phải lập kế hoạch cụ thể, xác minh, theo dõi hoạt động của xe dù, xe không đăng ký kinh doanh để xử lý nghiêm, tuyệt đối không để nhờn luật”, vị này khẳng định.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, taxi dù hoạt động trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực các bến xe đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mặt cơ quan chức năng.
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin./.