''Ma trận'' thuốc Nam trên mạng xã hội
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về các bài thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Nhiều người tin theo lời quảng cáo trên mạng, mua thuốc về dùng và phải gánh chịu hậu quả tồi tệ.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Mai
Những vụ việc đau lòng
Nhiều người tin vào các bài quảng cáo của các “thần y” tự xưng với các bài thuốc gia truyền ba đời, bỏ tiền ra mua sản phẩm có giá lên tới hàng triệu đồng. Kết quả là bệnh không khỏi mà người mua còn rước họa vào thân.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nam (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương ở gan và thận rất nặng. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân bị viêm khớp đã lâu, bị suy tuyến thượng thận, bị viêm gan B song không điều trị theo phác đồ mà tự mua thuốc Nam để uống.
Một trường hợp khác, vì muốn sinh con trai nên đã tự mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc về uống. Sau khoảng 20 ngày, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng gấp nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu.
Theo Thạc sĩ Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc Nam. Có em bé mới 3 tháng tuổi được đưa vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng do bị viêm phổi, nhiễm khuẩn tiêu hóa nhưng gia đình không cho đi khám mà tự ý mua thuốc Nam bày bán ngoài chợ về dùng. Đến khi trẻ khó thở, thoi thóp rồi mới được đưa đến viện. “Cảnh tượng đó thực sự khiến các nhân viên y tế xót xa, vừa thương vừa giận”, Thạc sĩ Cao Việt Hưng nói.
Trên thực tế, theo Thạc sĩ Cao Việt Hưng, có rất nhiều bệnh nhi vào viện muộn, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa song không qua khỏi. Có những bé qua được cơn hiểm nghèo nhưng thể chất bị suy giảm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, cuộc sống sau này. Bản thân các gia đình cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Những mất mát ấy xảy ra chỉ vì sự cả tin, dễ dãi của nhiều người.
Loạn “thần y”
Xảy ra tình trạng nêu trên, theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu là do loạn quảng cáo về "thần y" trên mạng xã hội. Trước đây, các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook đã khiến nhiều người mắc lừa. Sau khi loại hình quảng cáo này được quản lý chặt trên Facebook thì các “thần y” chuyển hướng sang YouTube.
Giáo sư - Tiến sĩ Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, việc quảng cáo về thuốc Nam có tác dụng trị dứt điểm loại bệnh nào đó được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội là không đúng sự thật. Một số bệnh mạn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể giảm tình trạng bệnh.
Giáo sư - Tiến sĩ Trương Việt Bình cũng chia sẻ, có đến hơn 40 trang mạng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của ông để ghép vào các video quảng cáo thuốc đông y, khiến nhiều người hiểu lầm. Do đó, người bệnh cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh bị lừa, tiền mất, tật mang. Người dân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ của thầy thuốc.
Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, lâu nay, người Việt vẫn sử dụng kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền và người lấy các vị thuốc cho người ốm dùng cũng không phải lương y.
Kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền là khác nhau. Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền - cả về chất lượng bài thuốc và lương y. Những video, bài quảng cáo trên mạng xã hội có nội dung chưa được công nhận, không hợp chuẩn theo quy định của pháp luật, chưa được xác minh có đúng với giấy phép hành nghề của lương y hay không, các bài thuốc gia truyền cũng chưa được kiểm chứng và công nhận...
Bởi vậy, trước khi cơ quan chức năng xử lý triệt để hành vi quảng cáo thuốc Nam không rõ nguồn gốc, mỗi người dân cần cảnh giác, không mua và không sử dụng các loại thuốc rao bán trên mạng xã hội để rồi “tiền mất, tật mang”.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/995803/ma-tran-thuoc-nam-tren-mang-xa-hoi